Phòng chống dịch do virus corona: Xem xét cho học sinh nghỉ học, dừng thổi nồng độ cồn

Hoàng Đan |

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, cần kiểm tra, tuyên bố ngay việc sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn có làm tăng nguy cơ lây dịch do virus corona hay không?.

Báo cáo trước cuộc họp của Chính phủ triển khai nhiệm vụ sau Tết và phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chiều 30/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin về tình hình dịch bệnh.

Sau khi điểm lại các số liệu, Bộ trưởng Dũng cho biết về nhận định của WHO, trong đó, ngày 26/1, WHO đã phải điều chỉnh mức độ nguy cơ của dịch bệnh từ "mức vừa phải" lên "mức cao" ở khu vực và toàn cầu; "mức rất cao" ở Trung Quốc. Dự kiến trong hôm nay, WHO sẽ công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Ông Dũng cho hay, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã liên tục kiểm tra, cập nhật tình hình và có 3 văn bản chỉ đạo phòng chống dịch; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như chống giặc; huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Ban Bí thư đã có văn bản yêu cầu cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể tập trung nhiệm vụ phòng chống dịch.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục ban hành Công điện thể hiện quan điểm chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa thảm hoạ dịch bệnh lớn có thể xảy ra.

Cụ thể, tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh corona tại Việt Nam. Yêu cầu tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện Trung ương, bệnh viện trong ngành công an, quân đội phải tiếp nhận bệnh nhân và xử lý tại chỗ; khởi động khoa phòng, chống lây nhiễm tại tất cả các bệnh viện để đón bệnh nhân có triệu chứng sốt.

Quân đội phải đặt tình trạng cao nhất, các bệnh viện dã chiến luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó.

Thực hiện đóng cửa các đường mòn, lối mở giáp biên giới với Trung Quốc. Kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới. Nghiêm cấm việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã vào Việt Nam. Theo dõi, cách ly công dân Trung Quốc trở lại Việt Nam làm việc sau kỳ nghỉ.

Hạn chế tập trung đông người, nhất là việc tổ chức lễ hội. Đối với các địa phương có nhiều du khách Trung Quốc phải dừng các lễ hội không cần thiết. Xem xét việc cho sinh viên, học sinh nghỉ học để giảm nguy cơ nhiễm dịch.

Giao trách nhiệm cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm đầu mối đôn đốc, kiểm tra, báo cáo hàng ngày tình hình thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Khẩn trương cung ứng đủ phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm để thực hiện nhanh các xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán đối với tất cả các trường hợp theo dõi, nghi ngờ mắc bệnh. Tăng cường khuyến cáo người dân, cộng đồng.

"Kiểm tra và tuyên bố ngay việc sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông có làm tăng nguy cơ lây dịch hay không? Nếu có Bộ Công an chỉ đạo phải dừng ngay" - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp tại Bộ Y tế sáng 30 Tết vừa qua, phóng viên đã đặt vấn đề việc nhiều người dân lo ngại việc kiểm tra hơi thở có nồng độ cồn theo Nghị định số 100 có hiệu lực từ đầu năm 2020 sẽ bị lây nhiễm bởi tất cả đều kiếm tra thông qua một máy đo.

Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai đã có giải đáp trước lo lắng của người dân.

Ông Cường cho biết, khoa học chứng minh mức độ lây bệnh khác nhau tùy từng loại bệnh. Trong đó sởi có mức độ lây cao nhất, sau đó đến các bệnh khác như thủy đậu, cúm. Theo WHO, mức độ lây lan của bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới từ 1,5-2,4 lần tức là ở mức thấp.

"Các nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng ống thổi một lần, và cũng đã tính toán để đảm bảo việc sử dụng không lây nhiễm.

Do vậy người dân không cần lo lắng khi thổi nồng độ cồn sẽ bị lây nhiễm virus corona mới. Tức là dùng chung máy thì không sao, ống dùng riêng thì sẽ không bị lây", TS Cường khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại