Các bậc cha mẹ thường dạy con đủ thứ để bảo vệ mình như: Kỹ năng sử dụng lò nướng không bị bỏng, sang đường phải nhìn cả 2 phía.
Tuy nhiên, phụ huynh thường bỏ qua việc dạy con kỹ năng bảo vệ cơ thể và chỉ dạy khi đã quá muộn.
Dưới đây là 10 hướng dẫn mẹ có thể tham khảo để giúp con tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục đăng trên website của tổ chức phi lợi nhuận về trẻ em, Child Mind Institute.
Trước hết chúng ta cần hiểu “ấu dâm” là gì? Ấu dâm là một chứng rối loạn tình dục bao gồm những ham muốn tình dục đối với trẻ em dưới tuổi vị thành niên, tức là khoảng dưới 14 tuổi.
Người mắc bệnh phải ít nhất 16 tuổi và lớn hơn trẻ bị hại ít nhất 5 tuổi. vì đây là một thuật ngữ mới nên hiện nay chưa có cách hiểu cụ thể về ấu dâm, nhưng có thể hiểu “ấu dâm” là kẻ phạm tội có hành vi sờ soạng, ôm ấp, hôn hít, đụng chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ em nhưng chưa thực hiện hành vi giao cấu.
1. Sớm trò chuyện với con về các bộ phận cơ thể
Giúp con gọi tên các bộ phận cơ thể và sớm trò chuyện với bé về các bộ phận này.
Sử dụng chính xác từ ngữ hoặc ít nhất dạy con những từ con có thể dùng để mô tả các bộ phận.
Việc giúp con cảm thấy thoải mái khi dùng đúng từ và hiểu đúng nghĩa sẽ giúp bé diễn đạt mạch lạc khi có điều bất thường xảy ra.
2. Một số bộ phận cơ thể là riêng tư và những giới hạn cơ thể
Hãy nói với con: Những bộ phận này là "riêng tư", "bí mật" và không phải ai cũng có thể xem/nhìn. Giải thích với con rằng tất cả mọi người phải nhìn thấy con có quần áo che phủ các bộ phận kín.
Đồng thời, mẹ cũng cần dặn con: Trong một số tình huống, bác sĩ có thể khám, nhưng chỉ khi có bố/mẹ ở cạnh và đó là vì bác sĩ khám cho con mà không phải lý do nào khác.
Ngay từ khi trẻ bắt đầu có nhận thức, thường là khi trẻ 3 tuổi, phụ huynh cần chỉ cho trẻ biết những vùng kín trên cơ thể người khác không được đụng chạm, dù là cha mẹ cũng phải xin phép.
Hãy dặn con: Không ai được phép sờ, chạm vào bộ phận riêng tư của con hay yêu cầu con sờ, chạm vào bộ phận riêng tư của họ.
Bố mẹ thường bỏ sót không dạy con về phần sau của câu trên. Các vụ xâm hại tình dục thường bắt đầu với việc đứa trẻ được yêu cầu sờ/chạm vào các bộ phận riêng tư của "yêu râu xanh".
3. Giữ bí mật về những việc xảy ra liên quan đến các bộ phận riêng tư là không tốt
Hầu hết các tội phạm ấu dâm đều dặn nạn nhân phải giữ bí mật về việc xảy ra.
Chúng có thể đưa ra yêu cầu một cách rất thân thiện, ví dụ: "Chú/ông rất thích chơi với cháu, nhưng nếu cháu kể với người khác về việc chúng ta đã chơi gì, chú/ông sẽ không được đến chơi với cháu nữa".
Hoặc có thể đe doạ: "Đây là bí mật riêng của hai chú/ông cháu mình. Nếu cháu kể với bất kỳ ai, chú/ông sẽ nói đây là ý tưởng của cháu và cháu sẽ gặp rắc rối lớn".
Hãy nói với con: Dù người khác có nói gì, việc họ yêu cầu con giữ bí mật về việc xảy ra liên quan tới các bộ phận riêng tư trên cơ thể con là không đúng. Con luôn phải nói cho mẹ biết ngay khi có bất kỳ ai cố gắng yêu cầu con phải giữ bí mật.
4. Không ai được chụp ảnh các bộ phận riêng tư của con
Khía cạnh này thường bị nhiều bố mẹ bỏ qua. Tội phạm ấu dâm có cả một thế giới riêng bệnh hoạn. Những người này thích chụp và kinh doanh qua mạng hình ảnh khỏa thân của trẻ em.
Để tránh nguy cơ trở thành nạn nhân hình ảnh của chúng, bố mẹ cần dạy con không cho phép người khác chụp ảnh các bộ phận riêng tư của bé.
Chúng ta quy định với trẻ đây là “vùng bí mật”, chỉ có cha mẹ được chạm vào những lúc vệ sinh hoặc con bị đau cần kiểm tra. Đó là môi, hai bên ngực, mông và bộ phận sinh dục.
5. Dạy con thoát khỏi những tình huống đáng sợ hoặc khó chịu
Một số bé không dám nói "không", nhất là với người lớn tuổi. Hãy dặn bé: Con hoàn toàn được quyền yêu cầu người lớn đi chỗ khác, nếu như cảm thấy có điều gì sai trái đang diễn ra.
Hãy dạy con một số từ/cụm từ để bé có thể thoát khỏi tình huống này. Khi ai đó muốn nhìn, sờ vào phần kín của con, hãy nói: "Con muốn đi vệ sinh, con buồn tè"... và bỏ đi.
6. Thống nhất từ "mật mã" với con
Khi trẻ lớn hơn một chút, bố mẹ có thể thống nhất với con một mật mã hoặc mật khẩu riêng để bé có thể dùng trong tình huống cảm thấy bất an, nguy hiểm.
Mật mã này thậm chí có thể sử dụng ngay tại nhà khi có khách tới, hoặc dùng lúc đi chơi hay sang nhà bạn ngủ...
7. Con sẽ không gặp rắc rối nào nếu cho mẹ biết bí mật cơ thể
Nạn nhân thường không kể chuyện đã xảy ra vì sợ gặp rắc rối. Đây chính là điểm yếu tội phạm ấu dâm nắm được để đe doạ các bé.
Thế nên, mẹ phải chủ động nói trước với con: "Con sẽ không bao giờ gặp rắc rối gì nếu kể tất cả cho mẹ nghe".
8. Con có thể cảm thấy buồn buồn như lúc bị cù hoặc dễ chịu khi cơ thể bị đụng chạm
Một số phụ huynh và sách dùng khái niệm "đụng chạm tốt và đụng chạm xấu" để phân biệt hành vi lạm dụng.
Tuy nhiên điều này có thể gây lầm lẫn, vì trong nhiều trường hợp, việc lạm dụng không phải lúc nào cũng chỉ gây đau đớn hoặc khó chịu. Do vậy, khái niệm "đụng chạm bí mật" mô tả chính xác hơn hành vi xâm hại.
9. Nguyên tắc này áp dụng không chỉ với người quen mà còn bạn bè con
Đây là điểm quan trọng bạn cần trao đổi kỹ với con. Khi mẹ hỏi chuyện con về "kẻ xấu", bé thường mô tả các nhân vật trong truyện tranh hay phim hoạt hình.
Bạn có thể nói chuyện với con thế này: "Khi mẹ tắm cho con, mẹ có thể chạm vào phần kín của con. Ngoài mẹ ra không ai được phép sờ vào đó, kể cả bạn, cô, dì, chú, bác hay thầy, cô giáo. Bất cứ ai sờ vào chỗ kín của con như vậy đều là người xấu.
10. Không nhận quà người lạ, học thuộc số điện thoại người thân
Cha mẹ dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ. Nếu ai ngỏ ý nhờ giúp đỡ, trẻ phải chạy đi báo người lớn, công an vì bản thân không đủ khả năng làm việc này.
Phụ huynh cũng lưu ý các con học thuộc số điện thoại của người thân; không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng; đi chơi cùng nhóm bạn 3-4 người; không đi một mình khi trời tối...
Và đừng quên luôn tập tình huống giả để giúp con rèn được kỹ năng xử lý tình huống và mạnh bạo hơn nếu không may sự việc xảy ra.
Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường như sợ đi học, cha mẹ cần nhạy cảm hỏi lý do, nhẹ nhàng chia sẻ để con bày tỏ nguyên nhân.
Chúng tôi nghĩ là đã đến lúc các vị phụ huynh phải quan tâm thật nhiều đến vấn đề này, phải đồng hành cùng con, hướng dẫn cho con, giúp con có được sự bản lĩnh, sự tự tin và khả năng ứng phó một cách linh hoạt với bất kỳ tình huống nguy hiểm nào có thể xảy ra đối với mình trong cuộc sống.
(t/h)