Sáng nay, 7-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã làm việc với Ban chỉ đạo chương trình số 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”.
Theo báo cáo về kết quả công tác của Ban Chỉ đạo chương trình 04 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trình bày, nhìn chung, công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực văn hóa- xã hội.
Hai bộ quy tắc ứng xử do thành phố ban hành (gồm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội) được các cấp và nhân dân hưởng ứng, thực hiện.
Bước đầu đã tạo những chuyển biến tích cực về văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị và văn hóa ứng xử trong các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Các lĩnh vực phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển du lịch… cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Riêng về mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, Ban Chỉ đạo chương trình 04 đã chỉ đạo tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…
Dù vậy, qua thảo luận, các thành viên Ban Chỉ đạo chương trình 04 cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế như: việc triển khai kế hoạch xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở nhiều nơi còn hình thức; hay việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của cán bộ công chức thành phố và quy chế ứng xử nơi công cộng vẫn chưa thực sự đi vào đời sống.
Tình trạng người dân ứng xử thiếu văn hóa, văn minh, kể cả cán bộ ứng xử không đúng mực vẫn diễn ra khá phổ biến…
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP – Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả hơn cuộc vận động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, trong đó phải đưa nội dung này vào sinh hoạt thường kỳ của các chi bộ, đảng bộ, các đoàn thể…
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề xuất giao UBND TP xây dựng các chế tài xử lý nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm trong thực hiện bộ quy tắc ứng xử của thành phố, trước hết là với cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng đó, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình 04 cũng đề xuất có cơ chế xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực đầu tư nâng cao hạ tầng xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, văn hóa có giá trị vô cùng to lớn trong đời sống cũng như sự phát triển hiện nay.
Nếu một quốc gia không phát triển được nền tảng văn hóa tinh thần bền vững thì cũng không phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế muốn phát triển được phải dựa trên nền tảng của tinh thần, văn hóa.
Người đứng đầu Đảng bộ Thành phố đề nghị, thời gian tới, Ban Chỉ đạo chương trình 04 phải đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện kế hoạch xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phải làm sao để mọi người dân Hà Nội đều nhận thức đầy đủ và sống, cư xử sao cho xứng đáng với văn hóa người Hà Nội. Đó là lối sống nhân ái, nhân văn, chung thủy và thượng tôn pháp luật.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng đề nghị Ban Chỉ đạo chương trình 04 phải đặt mục tiêu rõ ràng, đến năm 2020, việc triển khai 2 Bộ quy tắc ứng xử của thành phố phải tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, trước hết là thay đổi với cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị thành phố.
Đặc biệt, phải tập trung trước hết vào nhóm cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với dân.
Còn đối với việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng với người dân Thủ đô, muốn không hình thức thì phải tuyên truyền liên tục để dần thay đổi ý thức, bởi xây dựng nếp sống thanh lịch là việc rất công phu.
Bí thư Thành ủy cho rằng, phải hình thành được các mô hình điểm từ khu dân cư đến xã phường, quận huyện, đồng thời tập trung làm trước tại các chợ, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, hay các nơi bến tàu xe, điểm giao thông…
Xem bài gốc TẠI ĐÂY