Cụ thể, Dow Jones giảm 2.352,60 điểm, tương đương 9,99%, còn 21.200,62 điểm. Chỉ số này đã giảm mạnh nhất kể từ ngày "thứ Hai đen tối" năm 1987, mất tới hơn 22%.
S&P 500 giảm mạnh 9,5% xuống 2.480,64 điểm, cùng Dow Jones rơi vào thị trường giá xuống, cũng có phiên tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Nasdaq Composite mất 9,4%, chốt phiên còn 7.201,80 điểm.
Thị trường có lúc tạm thời nghỉ giao dịch trong một khoảng ngắn sau khi Fed thông báo tăng cường việc tài trợ thị trường cho vay qua đêm với hơn 500 tỷ USD. Sau đó, sẽ hỗ trợ thêm các hoạt động repo với tổng trị giá 1 nghìn tỷ USD vào ngày 13/3. Ngoài ra, Fed cũng mua thêm các tài sản chứng khoán với các khoản dự trữ.
Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng trở lại mức thấp trong phiên khi các nhà đầu tư đang chờ đợi các biện pháp tích cực hơn để hỗ trợ nền kinh tế và nhắm trực tiếp đến sự bùng phát của dịch bệnh.
Tình trạng bán tháo ở phiên này đã trở nên rất tồi tệ, khi ở đầu phiên công cụ ngắt mạch thị trường đã được kích hoạt trong 15 phút. Dow Jones ghi nhận mức giảm tồi tệ thứ 5 trong lịch sử. Ngay cả đà giảm khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng không thê thảm như lần này.
Russell 2000 mất 11%. Vàng và giá dầu cũng lao dốc. Ngay cả "hầm trú ẩn" an toàn là trái phiếu chính phủ Mỹ cũng không thể tránh được đà bán tháo.
Cổ phiếu của các công ty kinh doanh du thuyền rớt điểm mạnh. Royal Caribbean mất 31,8% trong khi Carnival và Norwegian Cruise Line giảm lần lượt 15% và 20,7%. Các cổ phiếu hàng không như United, Delta và American đều rớt hơn 21%.
S&P 500 đã chính thức bước vào thị trường "gấu", thấp hơn 26% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng trước. Chỉ số Dow đã kết thúc đà tăng mạnh mẽ trong 11 năm ở phiên trước. Chỉ số biến động Cboe (VIX) đã nhảy vọt lên hơn 76 và đạt mức cao nhất kể từ năm 2008.