Từ đầu năm đến nay, người tiêu dùng lại chứng kiến những cuộc giải cứu. Từ củ cải, dưa chuột, su hào hay gần đây nhất là dưa hấu. Tình trạng nông sản ế ẩm, rớt giá, không có người thu mua đã trở thành điệp khúc quen thuộc. Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này.
Vì lý do gì mà hết lần này đến lần khác nông sản lại kêu cứu?
Thực ra số lượng cuộc giải cứu nông sản năm nay đã giảm đi nhiều so với trước đó. Dù vậy, việc giải cứu nông sản hiện vẫn còn ở một số vùng.
Những địa phương có nông sản cần phải giải cứu thường có ba đặc điểm. Thứ nhất là vùng có độ chuyên canh quá cao. Theo đó, toàn bộ làng, xã cùng làm ra một loại nông sản. Thứ hai nông dân không rải vụ dẫn đến việc thu hoạch hoa màu cùng một thời điểm. Thứ ba là việc phụ thuộc vào một số ít, cá biệt chỉ là một thị trường là Trung Quốc, dẫn đến không chủ động trong việc phân phối. Tổng hợp cả ba yếu tố này lại thì việc kêu cứu là điều tất lẽ.
Theo tôi liên quan nhiều đến địa phương, các hợp tác xã kiểu cũ, tương đối bảo thủ, chậm thay đổi. Ví dụ như ở Quảng Nam, Sở Nông nghiệp tỉnh phải có trách nhiệm với việc nông sản thừa mứa không có đầu ra như thế. Hiện tượng này không phải xảy ra lần đầu mà năm nào cũng có. Tại sao nông dân các vùng khác lại không bị?
Việc giải cứu nông sản có nên tiếp tục?
"Giải cứu" tức là huy động nguồn lực xã hội. Việc này không thể kéo dài được. Người đô thị cũng không nên giải cứu nông dân vì càng làm như thế nông dân càng ỷ lại, khiến họ giữ thói quen cũ, chờ đợi được bao tiêu sản phẩm. Trong khi đó, đối với nền kinh tế thị trường, việc đầu tiên là phải tự lo, khó khăn gì Nhà nước mới hỗ trợ sau.
Đồ hoạ: Hương Xuân
Mặt khác, chuyện giải cứu nông sản cũng không giúp cho người dân thoát được lỗ, giải cứu nông dân vẫn lỗ nặng.
Như vậy, bất đắc dĩ lắm xã hội mới phải nhúng tay vào việc này. Người nông dân phải tập cách nghĩ trước khi bắt tay vào làm. Họ cần phải biết thị trường cần gì, muốn gì... Ban đầu chưa quen thì cần có sự hỗ trợ của địa phương, về sau họ sẽ tự làm. Nông dân Mộc Châu đa phần là người dân tộc, giờ họ sắm sửa cả ô tô để chuyển rau về giao cho siêu thị Hà Nội, họ không cần ai giải cứu.
Vậy cần phải giúp người nông dân tiếp cận theo góc độ nào?
Phải giúp họ tiếp cận theo chuỗi giá trị, làm theo đơn đặt hàng của thị trường chứ không phải cứ sản xuất ra mà không biêt bán cho ai. Theo đó, cán bộ khuyến nông của địa phương phải giúp họ thành lập được hợp tác xã, tổ hợp tác để tham gia kết nối với thị trường.
Ví dụ đối với những địa phương mà chúng tôi tư vấn, quy trình làm thị trường gồm ba bước. Thứ nhất, người nông dân nhỏ, lẻ phải hợp tác với nhau làm thị trường. Cách đơn giản nhất là lập thành các tổ hợp tác, cao hơn là hợp tác xã.
Thứ hai, khi quyết định làm gì thì phải có sự thống nhất với thương lái địa phương. Hợp đồng nếu được ký thì tốt, không thì phải có cam kết bảo đảm sản phẩm sẽ được thu mua.
Tuy nhiên, thị trường bao giờ cũng tiềm ẩn rủi ro, vì vậy không thể dựa vào việc thu mua của một nguồn được. Các nông sản cần giải cứu thời gian qua chủ yếu dựa vào một thị trường duy nhất nên khi cầu giảm thì thiệt hại của nông dân rất lớn. Các đầu ra phải đa dạng mới giảm được rủi ro.
Nông dân Nhật Bản họ không bao giờ bán cho một người, bao giờ cũng ít nhất là ba. Ví dụ, 30% bán cho siêu thị, 30% bán cho quán ăn và 30% bán tại chỗ cho địa phương.
Thứ ba, cần phải có những đào tạo phù hợp cho cán bộ khuyến nông địa phương. Những người này trước này mới chỉ tư vấn về kỹ thuật, chưa biết làm về thị trường. Họ cần được đào tạo để có thể trở thành người tư vấn cho nông dân.
Một trong những yếu tố để hình thành chuỗi giá trị thành công là có sự tham gia của doanh nghiệp. Theo ông, làm thế nào để người nông dân bắt tay được với các doanh nghiệp?
Đối tượng hợp tác với nông dân chủ yếu là doanh nghiệp thương mại. Hiện các đơn vị như Vineco, Coorp Mart cũng ký hợp đồng với nông dân. Tuy nhiên, để tham gia vào chuỗi, người nông dân phải làm ăn chuyên nghiệp hoá, thực hiện theo yêu cầu của thị trường. Việc sản xuất cũng phải ổn định, sản lượng đồng đều, khả năng cung ứng đều đặn. Do đó, cá nhân sản xuất nhỏ lẻ sẽ không thực hiện được mà phải nhiều hộ liên kết lại với nhau. Đấy là mô hình hợp tác xã.
Cảm ơn ông!