Pho tượng gỗ có thể đứng lên ngồi xuống ở Hải Phòng

Hà An - Nguyễn Hoàn |

Làng Bảo Hà, xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nổi tiếng với nghề tạc tượng gỗ truyền thần. Ngôi làng truyền thống này còn lưu giữ, thờ tượng Đức Linh Lang Đại Vương, pho tượng gỗ có thể đứng lên, ngồi xuống một cách nhẹ nhàng, khoan thai.

Pho tượng Đức Linh Lang Đại Vương tại miếu Bảo Hà.

Tượng gỗ đứng lên ngồi xuống

Cách trung tâm TP Hải Phòng khoảng 40km, miếu Bảo Hà (hay còn gọi là Tam Xã Linh Từ, tên nôm là miếu Cả) ở làng Bảo Hà, xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) được xây dựng từ thời Hậu Lê, cuối thế kỷ thứ XIII, thờ Linh Lang Đại Vương và ông Tổ nghề tạc tượng - sơn mài Nguyễn Công Huệ.

Ngôi miếu hơn 700 năm tuổi này được nhiều người biết đến với pho tượng độc đáo, mang ý nghĩa tâm linh, là biểu tượng cho ngôi làng truyền thống với nghề tạc tượng, múa rối.

Trong Miếu Bảo Hà, pho tượng Đức Linh Lang Đại Vương được tạc cao 1,7m, tương đương chiều cao của người thật. Với nét mặt khôi ngô, đầu đội vương miện, thân khoác áo lụa bào, trong tư thế ngồi trên ngai vàng, tay cầm văn tự, có thể đứng lên một cách nhẹ nhàng, khoan thai và ngồi xuống từ từ.

Người dân làng Bảo Hà, xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) coi bức tượng Đức Linh Lang Đại Vương như báu vật và luôn bày tỏ niềm tự hào khi sở hữu một cổ vật, biểu trưng cho ngôi làng truyền thống.

Pho tượng gỗ có thể đứng lên ngồi xuống ở Hải Phòng - Ảnh 2.

Ông Đặng Văn Thạnh - Thủ từ miếu Bảo Hà cho biết, pho tượng có thể đứng lên ngồi xuống là nhờ sự khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân xưa, kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật tạc tượng và múa rối cạn.

"Pho tượng có thể chuyển động là nhờ hệ thống truyền lực kéo đẩy nối giữa cánh cửa với các khớp của pho tượng. Bởi vậy khi tôi mở cánh cửa sẽ truyền lực lên pho tượng theo nguyên tắc 'cánh tay đòn', bức tượng dần đứng lên và ngược lại. Còn khi tôi đóng cửa, bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu” – ông Đặng Văn Thạnh nói.

Pho tượng gỗ có thể đứng lên ngồi xuống ở Hải Phòng - Ảnh 3.

Pho tượng Đức Linh Lang Đại Vương có thể đứng lên ngồi xuống.

Cũng theo ông Thạnh, năm 1991 miếu Bảo Hà được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ở địa phương, ngôi miếu được coi là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa làng nghề, lưu giữ giá trị tốt đẹp cho tới muôn đời sau. Do đó, người dân địa phương thường đến tham quan, vãn cảnh, ngắm pho tượng đứng lên ngồi xuống và bái lễ.

Lưu truyền làng nghề tạc tượng gỗ truyền thần

Ngoài ngôi miếu có pho tượng đứng lên ngồi xuống, Bảo Hà còn nổi tiếng với làng nghề tạc tượng gỗ truyền thần. Nhiều nghệ nhân tạc tượng làng Bảo Hà đã đi nhiều nơi trong và ngoài vùng để làm tượng chùa, làm quân rối cho các phường rối.

Ông Đỗ Văn Bưởng, nghệ nhân tạc tượng truyền thần ở làng Bảo Hà cho biết, những tác phẩm tạc tượng do những nghệ nhân làng Bảo Hà làm ra có phong cách nghệ thuật riêng, rất độc đáo, không chỉ giống y hệt với ảnh mẫu mà nó còn toát lên thần thái của người được làm tượng.

Pho tượng gỗ có thể đứng lên ngồi xuống ở Hải Phòng - Ảnh 4.
Pho tượng gỗ có thể đứng lên ngồi xuống ở Hải Phòng - Ảnh 5.

Nghệ nhân làng Bảo Hà (Hải Phòng) tạc tượng gỗ truyền thần.

Để biến một khúc gỗ vô tri thành một bức tượng như ảnh mẫu là vô cùng vất vả. Thông thường để làm ra một bức tượng, ông Bưởng phải mất một tuần nhưng có những bức tượng khó, ông phải làm cả tháng.

"Hiện nay, ở làng Bảo Hà còn rất nhiều người lưu truyền nghề thổi hồn vào những khúc gỗ. Các sản phẩm mà các nghệ nhân trong làng làm đa dạng, có đủ các mẫu mã, sản phẩm khác nhau. Để có thêm kinh tế và đáp ứng nhu cầu thị trường, các nghệ nhân còn nhận làm thêm các sản phẩm khác như: bàn thờ, câu đối, sản phẩm trưng bày… tuỳ theo yêu cầu của khách hàng”, ông Đỗ Văn Bưởng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại