Phó Tư lệnh IRGC nói Hải quân Iran "bất bại" từ 1987: Báo Mỹ phản pháo bằng sự thật lịch sử không thể chối cãi

Hồng Anh |

Trước tuyên bố đầy tự tin của Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, vừa qua báo Mỹ đã đăng tải bài viết chứng minh sự thật hoàn toàn trái ngược.

Iran khoe thành tích "bất bại" từ năm 1987

Hôm thứ 4 (24/7) vừa qua, Phó Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Phó đô đốc Ali Fadavi, đã tuyên bố rằng hải quân nước này đang sở hữu chuỗi thành tích "bất bại" trong mọi cuộc đối đầu kể từ năm 1987, theo Fars News.

"Kể từ năm 1987, tất cả kẻ thù đều đã thất bại trước IRGC; chúng đã phải nhiều lần thừa nhận thất bại, và kể từ đó không có quốc gia nào dám gây hấn với Iran", Phó Tư lệnh Fadavi khẳng định.

Tuyên bố trên được đưa ra gần một tháng sau khi lực lượng Không quân của IRGC bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái (UAV) của Mỹ - mà phía Tehran cáo buộc là đang hoạt động trong không phận của Iran gần eo biển Hormuz.

Sau vụ việc kể trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng lực lượng Không quân Mỹ đã "sẵn sàng lên đạn", chuẩn bị tấn công nhằm vào các mục tiêu của Iran vào hôm sau. Tuy nhiên, chỉ vài phút trước khi lệnh tấn công được thực thi, ông Trump đã bất ngờ quyết định hủy lệnh khi nhận được thông tin rằng sẽ có đến 150 người thiệt mạng vì đòn không kích này.

Phó Tư lệnh IRGC nói Hải quân Iran bất bại từ 1987: Báo Mỹ phản pháo bằng sự thật lịch sử không thể chối cãi - Ảnh 1.

Phó Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Phó đô đốc Ali Fadavi. Ảnh: Almasdar News.

Cũng trong ngày 24/7 vừa qua, tờ tạp chí The National Interest của Mỹ đã đăng tải một bài viết có tiêu đề: "The Iranian Navy's Sorry History of Losing Every Fight" của tác giả David Axe* - tạm dịch là "Lịch sử đáng buồn của Hải quân Iran khi thua cuộc trong mọi cuộc chiến" - dường như là lời đáp trả gián tiếp trước tuyên bố đầy tự tin của Phó Tư lệnh IRGC Fadavi, do bài viết có nhắc đến thất bại của Iran trong Chiến dịch Praying Mantis của Mỹ năm 1988.

Sau đây là nội dung lược dịch của bài viết trên.


Căng thẳng đã leo thang tại vùng vịnh Ba Tư sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận kiềm chế hạt nhân được kí kết giữa Iran và nhóm P5+1 vào năm 2015.

Quân đội Mỹ đã cáo buộc Iran gây ra một số cuộc tấn công và bắt bớ các tàu dân sự tại vùng Vịnh trong mùa hè năm nay. Trước tình hình ấy, Hải quân Mỹ đã điều tàu sân bay USS Abraham Lincoln và hạm đội xung kích, và Không quân Mỹ đã triển khai các oanh tạc cơ B-52, cũng như các tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 tới vùng Vịnh.

Nếu chiến tranh nổ ra, thì các lực lượng của Mỹ sẽ nhắm tới lực lượng hải quân "nhỏ bé" của Iran, cũng như các tàu chiến của IRGC.

Trận chiến sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Hạm đội tàu chiến của Iran đã có lịch sử thất bại lâu năm trong những trận đối đầu với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác.

Lịch sử thất bại lâu năm của Hải quân Iran

Trong Thế chiến II, phe Đồng minh đã lo ngại rằng Iran - dù trên lý thuyết là một quốc gia trung lập - nhưng vẫn có nguy cơ về phe Đức quốc xã và tước đoạt nguồn dầu mỏ của quân Đồng minh. Vì vậy nên vào ngày 25/8/1941, lực lượng của Khối Thịnh vượng Chung và Xô viết đã tấn công Iran.

Các tàu chiến của Anh và Australia đã tấn công bất ngờ vào cảng Abadan. Tàu HMS Shoreham đã khai hỏa nhằm vào tàu chiến Palang của Iran. Chẳng mấy chốc, toàn bộ hạm đội Iran đã bị tiêu diệt, còn Tổng tư lệnh Hải quân của Iran - Đô đốc Gholamali Bayandor thì bỏ mạng trong trận hải chiến này.

Lực lượng quân đội của Anh và Liên Xô đã chia rẽ Iran và phế truất shah (vua) của họ. Trong hai thập kỷ sau cuộc hải chiến ấy, chế độ mới tại Iran đã xây dựng lại lực lượng hải quân với các tàu chiến chủ yếu là của Anh, và ngày nay một vài tàu trong đó vẫn đang trong biên chế.

Lực lượng Hải quân mới của Iran đã chiến đấu hết mình trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq năm 1980-1988. Các cuộc tấn công của Iran nhằm vào các tàu chở dầu - trong đó gồm một số tàu trung lập, và một số khác thừa nhận là tàu cung ứng cho Iraq - đã khiến thế giới phẫn nộ.

Năm 1987, Washington đã chấp thuận đề nghị của Kuwait, cho phép tàu chở dầu của họ treo cờ Mỹ và được tàu chiến của Hải quân Mỹ hộ tống qua vịnh Ba Tư. Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch Earnest Will của Mỹ, kéo dài từ tháng 7/1987 - 9/1988. Một số động thái trong chiến dịch này cũng đã gây tổn thất không nhỏ đối với lực lượng Hải quân Iran.

Khi đó, Hải quân Mỹ đã chuyển đổi chiếc hai xà lan phục vụ khai thác dầu mỏ thành "căn cứ trên biển" cho lực lượng đặc nhiệm, trực thăng vũ trang. Quân đội Mỹ cũng đã triển khai các chiến đấu cơ trên tàu chiến của lực lượng hải quân.

Ngày 21/9/1987, các trực thăng Little Bird của Trung đoàn Không vận Đặc nhiệm 160 của quân đội Mỹ đã tấn công tàu Ajr của Iran khi con tàu này đang đặt mìn, buộc thủy thủ đoàn của tàu Iran phải rời tàu bỏ chạy.

Vài ngày sau đó, các trực thăng Little Bird tiếp tục đánh chìm ba tàu tuần tra của Iran.

Phó Tư lệnh IRGC nói Hải quân Iran bất bại từ 1987: Báo Mỹ phản pháo bằng sự thật lịch sử không thể chối cãi - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Wikimedia.

Ngày 16/10/1987, một tàu dầu của Kuwait trúng tên lửa Iran, khiến 19 người bị thương. Đáp trả động thái này, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã nhắm vào hai giàn khoan dầu không hoạt động được IRGC sử dụng làm căn cứ cho đội tàu cao tốc vũ trang.

Các tàu chiến của Mỹ đã bao vây giàn khoan này, ép các thủy thủ Iran bỏ chạy. Sau khi các đặc công của Mỹ đã thu thập xong tất cả tài liệu bị người Iran bỏ lại, 4 tàu khu trục của Mỹ đã nã súng và phá hủy giàn khoan.

Ngày 14/4/1988, tàu khu trục USS Samuel B. Roberts đã bị trúng thủy lôi của Iran khi đang hộ tống tàu chở dầu qua vịnh Ba Tư, khiến Mỹ quyết định mở chiến dịch Praying Mantis, điều lực lượng tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu của Iran trên vùng biển này.

Hai tàu khu trục của Mỹ và một tàu tấn công đổ bộ mang theo một tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến đã tấn công một căn cứ của IRGC tại một giàn khoan dầu. Phía Iran đã bắn trả, và nhận lại đòn hỏa lực mạnh mẽ từ tàu khu trục và trực thăng Marine Cobra của Mỹ. Sau đó lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã ập vào giàn khoan và bắt giữ một xạ thủ Iran còn sống sót.

Các tàu cao tốc của Iran đã đột kích ba tàu chở hàng dân sự. Khi quân Iran rút lui, máy bay ném bom Enterprise A-6 của Mỹ đã tấn công, đánh chìm một tàu cao tốc bằng bom chùm.

Tàu tên lửa tấn công Joshan của Iran đã bắn một tên lửa chống hạm Harpoon vào một nhóm tàu ​​chiến Mỹ nhưng bị trượt. Phía Mỹ đã đáp trả bằng lửa Harpoon và Standard, sau đó nhấn chìm Joshan bằng hỏa lực.

Trong khi các tàu chiến của Mỹ đối đầu với các đòn không kích của Iran, thì các tàu khu trục cũ từ thập niên 60 của Tehran cũng được điều động tham gia trận chiến. Tàu Sahand và Sabalan nhắm vào máy bay A-6 của Mỹ nhưng chỉ như "trứng chọi đá", sau đó A-6 đã phản công bằng tên lửa và bom dẫn đường bằng laser, khiến tàu Sahand bị đánh chìm và tàu Sabalan bị hư hại nặng nề.

Ít nhất 56 công dân Iran đã thiệt mạng trong trận hải chiến này, trong khi phía Mỹ chỉ có 2 linh thủy đánh bộ thiệt mạng khi trực thăng của họ bị rơi. Bị Mỹ đánh cho tơi tả, hạm đội tàu chiến của Iran đã rút lui, và kể từ đó họ cũng chưa đạt được thành công nào khác khi đe dọa Mỹ và các nước láng giềng.


* Tác giả David Axe là biên tập viên mảng Quốc phòng của tạp chí The National Interest.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại