Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Reuters đưa tin sau khoảng 15 giờ tranh luận và biểu quyết về hàng chục sửa đổi dự luật viện trợ, Thượng viện Mỹ rơi vào bế tắc vì số phiếu cân bằng 50-50 nên không thể thông qua gói viện trợ trị giá 1.900 tỉ USD.
Nhưng sau đó, lá phiếu của Phó Tổng thống Kamala Harris (với vai trò chủ tịch Thượng viện) đã giúp Đảng Dân chủ chiếm lợi thế, qua đó cho phép họ thúc đẩy dự luật qua cửa Quốc hội.
Đây là bước quan trọng đầu tiên hướng tới việc thông qua các loại dự luật viện trợ Covid-19 toàn diện mà Tổng thống Biden ưu tiên trong chương trình lập pháp của mình, theo lãnh đạo đa số (Dân chủ) Thượng viện Chuck Schumer.
Cuộc bỏ phiếu cũng đánh dấu lần đầu tiên bà Harris, trong vai trò là chủ tịch Thượng viện, bỏ phiếu phá vỡ bế tắc sau khi tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống hôm 20-1.
Trước khi thông qua dự luật, Thượng viện đã đồng ý một loạt sửa đổi về ngân sách, vốn được Hạ viện thông qua hôm 3-2. Do đó, Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu một lần nữa để chấp nhận những thay đổi của Thượng viện, chẳng hạn sửa đổi kêu gọi tăng cường tài trợ cho các bệnh viện nông thôn có nguồn lực bị hạn chế do đại dịch Covid-19.
Các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện và chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố họ muốn nhanh chóng giải quyết đại dịch đã giết chết hơn 450.000 người Mỹ và khiến hàng triệu người mất việc làm.
Cụ thể, 1.900 tỉ USD sẽ được chi để tăng tốc tiêm vắc xin Covid-19 trên toàn quốc. Những quỹ viện trợ khác giúp mở rộng các khoản trợ cấp thất nghiệp đặc biệt dự kiến hết hạn vào cuối tháng 3 tới, hỗ trợ người dân thanh toán hóa đơn và kích thích nền kinh tế.
Năm ngoái, Quốc hội Mỹ thông qua các dự luật khẩn cấp với tổng trị giá khoảng 4.000 tỉ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe do Covid-19 gây ra.