Ngày 12/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024.
Không để làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương
Trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng rất lớn khi tăng lương vào thời điểm 1/7 , Phó Thủ tướng đề nghị làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý , "thành thói quen", làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.
"Phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp, đôn đốc theo sát tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật Giá. Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội, để người dân hiểu, chia sẻ và nhận thức cho đúng.
“Cái gì chúng ta kiểm soát được thì kiểm soát chặt, cái gì thị trường quyết định thì phải theo sát để có những cơ chế phù hợp, ví dụ như xăng dầu hiện nay là phải bình ổn”, Phó Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực của mình điều phối cho tốt, không để tăng giá, đáp ứng được yêu cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu và chiến lược lớn, có tác động lớn đến chỉ số CPI.
Điều chỉnh giá phải đánh giá kỹ tác động
Về điều chỉnh giá dịch vụ công theo thẩm quyền, Phó Thủ tướng lưu ý phải phù hợp, trong đó nêu rõ mức độ, thời điểm tăng giá và phải phối hợp với Tổng cục Thống kê các cơ quan có liên quan đánh giá tác động.
Các đơn vị thực hiện nghiêm kịch bản điều hành giá, đề xuất tăng giá hàng hóa, dịch vụ phải nêu rõ thời điểm và lộ trình và mức độ, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá. Phó Thủ tướng thẳng thắn: "không gửi là các đồng chí chịu trách nhiệm. Sau này đề xuất điều chỉnh mà không được đồng ý, ảnh hưởng đến tới việc chung, tới sản xuất kinh doanh, tác động tới CPI thì các đồng chí chịu trách nhiệm".
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng bình quân 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Đáng chú ý, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%, làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,6%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.