* Phóng viên: Trong năm 2020, khi đảm nhận vai trò kép vừa là Chủ tịch ASEAN 2020 vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam sẽ gặp khó khăn và thuận lợi gì?
- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh : Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, việc đảm nhiệm vai trò kép là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm 2020. Vai trò thành viên của HĐBA LHQ là một vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm của Việt Nam; đồng thời cũng nâng cao vai trò của Việt Nam trong việc đóng góp vào các vấn đề toàn cầu. Đây không phải là lần đầu tiên, năm 2008-2009, Việt Nam đã là thành viên của HĐBA LHQ và đã có đóng góp cho các vấn đề toàn cầu, vấn đề hòa bình, an ninh của thế giới. Tuy nhiên, lần này chúng ta vào HĐBA LHQ với trọng trách hết sức nặng nề vì tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp; có rất nhiều vấn đề tại LHQ, đặc biệt trong HĐBA, trong đó vấn đề lợi ích khác biệt trong HĐBA rất lớn.
Mặc dù gia nhập vào một thời điểm hết sức khó khăn nhưng đó cũng là cơ hội cho Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm, đóng góp của mình. Ngay tháng đầu tiên trở thành thành viên của HĐBA LHQ, Việt Nam đã là Chủ tịch của HĐBA và trong vai trò này, Việt Nam đã được đánh giá cao, thể hiện khả năng, trách nhiệm của chúng ta.
* Vậy Việt Nam đã thể hiện sự chủ động của mình như thế nào?
- Vừa qua, tôi đã chủ trì phiên thảo luận mở của HĐBA LHQ - phiên thảo luận mà các nước thành viên của LHQ đều có thể tham gia chứ không chỉ thành viên HĐBA LHQ. Điều rất đáng mừng và không ít ngạc nhiên là chủ đề mà chúng ta đề xuất đã được các nước tham gia với số lượng cao kỷ lục - 110 nước tham gia. Tôi cũng đã xem lại tất cả cuộc họp của HĐBA LHQ, số lượng cũng chưa bao giờ đạt mức như tại phiên thảo luận mở của chúng ta, điều đó cho thấy chủ đề chúng ta đặt ra, đề xuất của Việt Nam là rất phù hợp và đúng thời điểm. Các nước thấy rằng hơn bao giờ hết càng phải nâng cao vai trò, tầm quan trọng của Hiến chương LHQ.
Trước đây, HĐBA cũng đã từng có các cuộc thảo luận về các khía cạnh liên quan đến Hiến chương LHQ vào các năm 2015, 2016, 2018 nhưng lần này, cuộc thảo luận diễn ra đúng vào thời điểm các nước thấy rằng Hiến chương hiện nay có thể đang bị một số nước không tôn trọng; việc chúng ta nêu quan điểm là các nước, đặc biệt là các ủy viên của HĐBA LHQ phải là những nước đi đầu tôn trọng Hiến chương LHQ, đã đáp ứng suy nghĩ chung của các nước thành viên khác. Các nước tham gia phát biểu rất tích cực. Điều này cũng cho thấy Việt Nam đã đi vào đúng hướng dòng chảy cũng như lợi ích của các nước, tạo được sự quan tâm của các nước đối với chủ đề của chúng ta.
Đồng thời, chúng ta cũng có một vai trò hết sức quan trọng là Chủ tịch ASEAN. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta cũng rất mong muốn chủ đề "gắn kết và chủ động thích ứng" của chúng ta đáp ứng quan tâm chung của các nước ASEAN hiện nay là cần tăng cường đoàn kết nội khối, tăng cường kết nối để có thể thích ứng, hay chủ động thích ứng với những biến đổi của tình hình thế giới; đặc biệt trong sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực, những vấn đề kinh tế, thương mại đặt ra.
Chúng ta may mắn khi trong tháng 1-2020, cùng lúc vừa là Chủ tịch HĐBA và bắt đầu năm Chủ tịch của ASEAN. Việt Nam đã đề xuất một sáng kiến là tổ chức thông tin về ASEAN với HĐBA LHQ. Đây là lần đầu tiên tại HĐBA LHQ tổ chức thông tin về ASEAN như vậy. Việt Nam, Chủ tịch của ASEAN 2020, nêu đề xuất vấn đề này với chủ đề thảo luận tăng cường hợp tác giữa LHQ - ASEAN và những đóng góp của ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Qua đó nhằm tăng cường quan hệ của ASEAN với HĐBA và các tổ chức LHQ, đồng thời nâng cao vai trò, hình ảnh của ASEAN tại LHQ.
* Trong bối cảnh biển Đông có diễn biến phức tạp, với vai trò kép như đã nêu, Việt Nam sẽ đóng góp gì để duy trì hòa bình?
- Biển Đông là đường biển hết sức quan trọng về thông thương hàng hóa, là vấn đề quan tâm chung của tất cả các nước, không chỉ các nước trong khu vực. Đương nhiên đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, vấn đề chủ quyền là vấn đề thiêng liêng, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam; cũng như tất cả các nước đều có nhiệm vụ như thế.
Vấn đề quan trọng nhất là các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Đây cũng là việc chúng ta phát huy vai trò. Khi Việt Nam tham gia vào HĐBA LHQ, cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nêu cao vấn đề tăng cường chủ nghĩa đa phương, tức là các cơ chế đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ở biển Đông cũng vậy. Nếu các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982 và giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình thì sẽ bảo đảm được hòa bình. Nhưng nếu diễn ra các hoạt động vi phạm chủ quyền của các nước, đương nhiên là các nước ASEAN sẽ có một lập trường chung là phải đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và yêu cầu phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982. Các nước ASEAN hiện nay cũng đang trong quá trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử với Trung Quốc nhằm bảo đảm các mục tiêu và nguyên tắc đó.
Đối tác xây dựng và đáng tin cậy
Việt Nam thường xuyên được nhóm các nước châu Á chọn là ứng cử viên cho cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và đã 2 lần trúng cử với số phiếu rất cao. Điều đó cho thấy Việt Nam được nhìn nhận như một đối tác xây dựng và đáng tin cậy của không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn của cộng đồng quốc tế. Đó là bởi Việt Nam được đánh giá cao về sự độc lập và tự chủ trong những vấn đề ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh quốc tế và đồng thời cũng do Việt Nam có kỹ năng và kinh nghiệm.
Việc Việt Nam đảm nhiệm cương vị kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là lợi thế có một không hai dù thách thức là không nhỏ. Việc ra quyết sách của HĐBA được thực hiện theo nguyên tắc đa số và mỗi thành viên thường trực đều có quyền phủ quyết. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tác động vào quá trình đó bằng cách tham vấn với các thành viên khác trên những vấn đề cụ thể.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn vì HĐBA sẽ vận động Việt Nam bỏ phiếu đối với nhiều vấn đề. Nếu Việt Nam có quan điểm độc lập đối với những vấn đề lớn thì vai trò của Việt Nam sẽ được đánh giá cao hơn và điều đó giúp có thêm nhiều ảnh hưởng hơn. Nếu chủ động nêu quan điểm, Việt Nam có thể xây dựng quan hệ với những thành viên không thường trực khác và như vậy sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của Việt Nam đối với lời văn của các nghị quyết về những vấn đề tác động đến hòa bình và an ninh quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer