Trắng đêm đàm phán
Theo Phó Thủ tướng, là diễn đàn kinh tế của 21 thành viên, APEC không tránh khỏi có sự khác biệt quan điểm. Khác biệt cơ bản về hệ thống thương mại đa biên, hay cũng là thương mại tự do nhưng lại có sự khác nhau là tự do mở, tự do cân bằng hay tự do có đi, có lại; các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử, các khía cạnh tạo thuận lợi cho đầu tư.
Trước đây không có nước thành viên nào đặt ra vấn đề không phải thương mại tự do. Tuy nhiên, từ năm 2017, với sự thay đổi ở Mỹ, đã có sự khác biệt về quan điểm đối với khái niệm hoàn toàn mới là "tự do thương mại nhưng phải cân bằng"; hoặc nhiều nước đặt vấn đề tại sao phải có một hệ thống thương mại đa phương?
Các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC tới Hội nghị cấp cao ngày 11-11 - Ảnh: APECVIETNAM
Sự khác biệt về quan điểm trong hội nghị lần này thể hiện rõ nhất trong việc xây dựng văn kiện của hội nghị cấp cao và hội nghị liên bộ trưởng. Lẽ ra Tuyên bố Cấp cao và Tuyên bố hội nghị liên bộ trưởng phải ra được sớm hơn song bị kéo dài ngoài dự kiến. "Mất tới 6 ngày 5 đêm ròng rã thương lượng các văn kiện này. Theo thông lệ, hội nghị liên bộ trưởng ngày 8-11, khi kết thúc phải thông qua văn kiện của cấp bộ trưởng cũng như trình văn bản lên Hội nghị Cấp cao để thông qua. Song đến cuối ngày hội nghị vẫn chưa thông qua được nên chủ nhà Việt Nam đã phải quyết định kéo dài thêm đến sáng hôm sau với hy vọng các cấp làm việc sẽ thương lượng được với nhau"- Phó Thủ tướng kể.
Tuy nhiên, làm việc qua đêm, đến sáng hôm sau vẫn không đi đến kết quả vì còn quá nhiều khác biệt trong các vấn đề như hệ thống thương mại đa biên, chấp nhận thương mại tự do cân bằng hay công bằng, hay có đi có lại… Việt Nam phải quyết định chấm dứt họp hội nghị bộ trưởng nhưng Phó Thủ tướng sau đó đã tới trao đổi với tất cả các trưởng đoàn chấp nhận phương án tạm thời thông qua về nguyên tắc là sẽ có Tuyên bố cấp bộ trưởng, và Tuyên bố cấp cao, tiếp tục dành thời gian cho các làm việc các cấp tiếp theo. Đây là điều hiếm gặp trong các hội nghị song chủ nhà Việt Nam xác định cần phải có, và các nước cũng cần một tuyên bố của hội nghị.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (giữa) cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 11-11 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ
"Tôi cũng nói rõ là các nước không thể tới đây, đi về mà không có Tuyên bố bộ trưởng và Tuyên bố cấp cao, yêu cầu các nước hết sức hợp tác, linh hoạt cùng nhau xây dựng một văn bản"- ông kể.
Ngôn ngữ mạnh hơn tuyên bố của G20
Qua quá trình thương lượng với rất nhiều cuộc tham vấn các trưởng đoàn trên từng câu chữ để đi đến một giải pháp chấp nhận được, đến tận đêm trước khi diễn ra Hội nghị Cấp cao, tức đêm 10-11 mới thống nhất văn bản, tạo được sự đồng thuận"- Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng khẳng định văn bản này có những vấn đề liên quan đến thương mại, đầu tư, còn có ngôn ngữ mạnh hơn so với tuyên bố của G20 trước đó.
"Các nước đến với hội nghị sự khác biệt giữa các nước lớn như vậy, để có được Tuyên bố chung thôi đã là hết sức khó khăn. Có những lúc tưởng hội nghị chỉ có thể ra được tuyên bố chủ nhà, hiệu lực không bằng tuyên bố chung. Nhưng sau cùng APEC 2017 đã có đươc Tuyên bố Cấp cao kèm theo 2 phụ lục, tuyên bố bộ trưởng kèm theo 4 phụ lục dù trước đó nhiều nước không tán thành. Cũng phải cần có "thủ thuật" là trước khi đưa vào Tuyên bố bộ trưởng, Việt Nam đã đưa vào thông qua 4 phụ lục trước, đến lúc quay trở lại thông qua Tuyên bố Bộ trưởng thì dĩ nhiên đưa 4 phụ lục vào. Chúng ta đã đạt được những điều tưởng chừng không thể có được".
"Tại Tuyên bố của lãnh đạo cấp cao, trong bối cảnh hiện nay mà đưa được vào nội dung "chúng tôi nhấn mạnh vai trò của APEC trong việc ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương" là câu phải dành rất nhiều thời gian để thương lượng mới có được và cuối cùng đưa được vào văn kiện, rất khó khăn mới đưa được vào văn kiện. Hoặc câu "Chúng tôi nhắc lại cam kết không gia tăng bảo hộ đến hết năm 2020 và tái cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ bao gồm mọi tập quán thương mại không công bằng…" là hết sức khác biệt. Những nội dung G20 không thể thương lượng để đưa được vào mà APEC đưa được vào, khẳng định rõ APEC vẫn là một cơ chế để thỏa thuận về tự do thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, chống chủ nghĩa bảo hộ"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
"Ví dụ, trong văn kiện, chỉ 1 từ "a" và "the" mà phải tranh cãi mất rất nhiều thời gian. Vì "a" là không xác định và "the" là đã có, đã tồn tại. Chúng ta có thể thấy đằng sau mỗi ngôn từ của văn kiện là cả 1 khái niệm về kinh tế, thương mại tự do"- Phó Thủ tướng nói.
Trong hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều về kinh tế, thương mại mà Việt Nam đạt được kết quả tiếp tục duy trì APEC là một diễn đàn thương mại tự do trong khu vực, tạo thuận lợi hóa đầu tư, là một thành công không nhỏ. Đây là 1 trong 2 hội nghị APEC trong vòng 10 năm qua mà có gần như đầy đủ các nhà lãnh đạo các nền kinh tế đến dự. Đặc biệt, lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự CEO summit.
"Trong trao đổi nhiều nước bạn bè, nhiều người cho rằng may năm nay APEC tổ chức tại Việt Nam mới ra được văn kiện do Việt Nam có quan hệ đối tác toàn diện, chiến lược với nhiều nước… tạo thế khi đi thương lượng. Các nhà lãnh đạo nhận lời dự APEC từ rất sớm: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe… Rất nhiều nhà lãnh đạo muốn thăm chính thức Việt Nam dịp này song do hội nghị tổ chức ở ngoài Hà Nội nên chỉ có khả năng đón tối đa 4 nhà lãnh đạo cấp cao"- Phó Thủ tướng tiết lộ.
Tại sao lại là 2017 mà không phải năm nào khác?
Ý tưởng Việt Nam trở thành chủ nhà APEC 2017 manh nha từ năm 2011 và sau khi được Bộ Chính trị đồng ý, Việt Nam đã đề xuất đăng cai vào năm 2012, tại Vladivostok (Nga). Tại sao Việt Nam lại chọn năm 2017? Chủ trương thông suốt của Việt Nam là đăng cai APEC 2017 để thể hiện tích cưc chủ động hội nhập quốc tế, phát huy vai trò vị thế của Việt Nam, nhưng năm 2017 có những điểm đặc biệt.
Diễn đàn APEC đến 2020 sẽ hoàn thiện các mục tiêu Bogor, như vậy, năm 2017 đã phải bắt đầu tính đến tương lai APEC sau năm 2020 sẽ như thế nào. Do đó, tại APEC 2017, Việt Nam đã đưa ra vấn đề tầm nhìn của APEC sau năm 2020, "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", từ đó đưa ra được những vấn đề chung của APEC, tạo động lực tăng trưởng mới, cũng là tạo vị thế Việt Nam, dấu ấn Việt Nam.
Một điểm khác nữa là năm 2017 là thời điểm vừa kết thúc nhiều cuộc tuyển cử của các thành viên APEC. Việt Nam đăng cai APEC vào năm 2017 sẽ là năm đầu tiên của các lãnh đạo mới hoặc tái đắc cử, khi đó họ sẽ đến tham dự APEC và thăm Việt Nam.
Trong các nền kinh tế APEC, năm 2017 có hơn 10 thành viên vừa trải qua tuyển cử, trong đó có nhiều lãnh đạo mới và tái đắc cử, điều này sẽ làm tăng vị thế của Việt Nam trong nhiệm kỳ của họ. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Việt Nam đầu tiên sau Đại hội Đảng, và Tổng Thống Mỹ vì dự Hội nghị Cấp cao APEC nên đã đi thăm một số nước ở châu Á trong năm đầu nhiệm kỳ.
Như vậy, Việt Nam khẳng định được vai trò vị thế trong khu vực, đồng thời tăng cường, thúc đẩy hơn nữa quan hệ với các đối tác lớn bởi các thành viên APEC là những nước có vai trò quan trọng bậc nhất trên thế giới và trong khu vực.