Đơn xin từ chức của Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Na Uy Jon Nicolaisen sẽ có hiệu lực ngay lập tức. (Ảnh: Reuters)
“Cơ quan Quản lý An ninh Dân sự Na Uy thông báo với tôi rằng lý do mà tôi sẽ không nhận được giấy phép gia hạn thủ tục an ninh là vì vợ tôi là người Trung Quốc, sinh sống tại Trung Quốc, nơi tôi hỗ trợ cô ấy về mặt tài chính", ông Jon Nicolaisen cho hay.
“Ngoài ra, cơ quan này đã xác định rằng tôi không có bất cứ yếu tố cá nhân nào khiến tôi không được thông qua về mặt an ninh, nhưng điều này là không đủ. Giờ đây, tôi phải nhận hậu quả của việc này", Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Na Uy nói thêm.
Đơn xin từ chức của ông Nicolaisen có hiệu lực ngay lập tức, theo một tuyên bố của Ngân hàng trung ương Na Uy. Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ thay thế ông đảm nhận vị trí này.
Na Uy, quốc gia thành viên của NATO, đã siết chặt các chính sách liên quan đến an ninh trong những năm gần đây, khiến trong nhiều trường hợp. Điều này đã gây khó khăn cho nhiều trường hợp người Na Uy kết hôn với một công dân của quốc gia không có hợp tác an ninh với phía Oslo.
Ngoài việc phụ trách chính sách tiền tệ, ông Nicolaisen từng phụ trách giám sát quỹ đầu tư quốc gia trị giá 1.200 tỷ USD của Na Uy - một trong những quỹ lớn nhất thế giới.
Ông Jon Nicolaisen lần đầu tiên được bổ nhiệm làm phó thống đốc Ngân hàng trung ương Na Uy vào năm 2014 và được tái bổ nhiệm nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 4 năm nay. Được biết, ông Nicolaisen và vợ đã kết hôn vào năm 2010.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Oslo không biết về sự việc trên, cũng như lý do từ chức của ông Nicolaisen là gì, theo Reuters.
“Tôi trân trọng những gì mà Jon Nicolaisen đã làm được trên cương vị phó thống đốc, ông ấy đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình với tư cách là một đồng nghiệp thân thiết và chuyên gia có năng lực,” Thống đốc Ngân hàng Trung ương Oeystein Olsen cho biết trong một tuyên bố.
Na Uy là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất Tây Âu với sản lượng dầu khí khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày. Cơ quan tình báo PST của Na Uy hôm 3/12 cho biết Nga, Trung Quốc và một số nước khác đang sử dụng hoạt động gián điệp để thu thập bí mật về ngành dầu khí của nước này.