Cách đây ít lâu, anh Nguyễn Hoành Tiến, Phó TGĐ cấp cao của Momo - một startup “kỳ lân” (chỉ các doanh nghiệp được quốc tế định giá trên 1 tỷ USD) đã xuất hiện trong chương trình Podcast Human Voice, thuộc hệ sinh thái Giải thưởng Hành động Vì cộng đồng - Human Act Prize 2024. Trong một bài viết sau đó, chúng tôi đã lược ghi lại những lời chia sẻ xúc động và ý nghĩa của anh Tiến về dự án Giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại Việt Nam (Newborns Vietnam).
Còn trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiết lộ thêm nhiều câu chuyện về những điều tốt đẹp ẩn bên trong app thanh toán Momo - được coi là ứng dụng thanh toán “quốc dân” tại Việt Nam với hàng chục triệu người dùng.
Để gây quỹ cho Newborns Việt Nam, một trong các hoạt động của chúng tôi là tổ chức các giải chạy, trong đó phong trào thể thao quốc tế ở Đà Nẵng IRONMAN 70.3 tổ chức hàng năm đều đứng ra kêu gọi tài trợ cho Newborns. Hay như gần đây thì có các giải chạy của Techcombank tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM cũng tài trợ cho Newborns.
Ngoài ra, cũng không thể không nói tới một cộng đồng rất nhiều anh chị em bạn bè người Việt ở nước ngoài. Nhiều người không những tự quyên góp tiền cá nhân của mình, mà họ còn đi tìm những doanh nghiệp, những tổ chức tại nước ngoài để kêu gọi tham gia, đóng góp cho những hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
Dù vậy, để cho các hoạt động xã hội hoạt động bền vững thì chúng tôi nhận ra rằng cần phải có một nền tảng công nghệ tiện dụng, giúp tạo ra được nguồn quỹ ổn định. Và đó chính là việc mà chúng tôi làm với Heo đất Momo.
Trong vòng gần 5 năm trở lại đây, tổng số tiền được gây quỹ thông qua Heo đất Momo vào khoảng 353 tỷ đồng, số tiền này được chuyển đến cho các quỹ, các tổ chức xã hội đồng hành với Heo đất Momo. Có khoảng hơn 50 tổ chức khác nhau, với những hoạt động mà có lẽ mọi người đã khá quen thuộc như là: mổ tim cho trẻ em, phẫu thuật hở hàm ếch, xây trường, dự án Nuôi Em, sinh kế cho đồng bào những vùng khó khăn v.v.
Nhưng sự khởi đầu của Heo đất Momo thì lại không phải câu chuyện tiền, mà từ quan điểm của những người sáng lập dự án là: Làm sao ứng dụng này có thể giúp cho rất nhiều người sống tốt mỗi ngày.
Công ty chúng tôi có một anh tên là Hùng, giám đốc của một bộ phận về công nghệ. Sáng dậy, việc đầu tiên anh ấy bao giờ anh cũng ưu tiên làm là anh đi bộ đủ 10.000 bước chân, sau đó thì vào Momo “cho heo ăn” (khi đi bộ, ứng dụng ghi nhận số bước chân và quy đổi ra lương thực cho heo ăn - pv), xong anh ấy lấy được một con heo vàng, mang con heo vàng đấy quyên góp cho một hoạt động xã hội nào đó đang đăng lời kêu gọi trên Momo. Với anh ấy thì khi nào xong các việc như vậy mới gọi là một buổi sáng “đầy đủ”.
Một cô tên là Bình, mẹ một người bạn của tôi, năm nay 70 tuổi. Ngày nào cô cũng cố gắng đi bộ, ngày mưa thì cô đi trong nhà miễn sao cho đủ số bước chân để có được một con heo vàng, rồi cô đem quyên góp cho tổ chức xã hội.
Với tất cả những người đang dùng Heo đất Momo, hoặc là đi bộ, hoặc là tham gia “Trường học Momo”, đối với hàng triệu người ấy, việc đầu tiên là mọi người có một cuộc sống tốt hơn mỗi ngày (tốt cho sức khỏe, học thêm kiến thức mới…), và kết quả của tất cả những việc sống tốt hơn mỗi ngày đó là có thể mang các con heo vàng tặng cho người khác.
Mỗi con heo vàng đem tặng thì tương đương với khoảng 200 Việt Nam đồng. Các doanh nghiệp đồng hành với Heo đất Momo sẽ mang số tiền thực tế, tương ứng với số heo vàng, để tài trợ cho dự án hay tổ chức xã hội nào đó.
Chúng tôi có một thống kê rất thú vị, là giá trị trung bình của một lần quyên góp trên Heo đất Momo là 2000 Việt Nam đồng.
Ở ngoài kia, không ai coi chuyện tặng, cho 2000 đồng là nhà từ thiện cả. Thế nhưng, với mô hình này thì chúng ta có tới hàng triệu nhà từ thiện thực sự.
Và những nhà từ thiện đó là ai? Như tôi nói, có thể là một phụ nữ đã lớn tuổi, một chị nội trợ, một anh công nhân, một bác xe ôm… Cuộc sống của mọi người thật ra cũng không có dễ dàng gì, nhưng hàng ngày họ vẫn làm một điều gì đó để có thể giúp được cho người khác.
Giá trị đặc biệt của cách làm này là ở chỗ đó. Nó mang lại cho mọi người một niềm vui, một cái cảm giác rằng cuộc sống này thật là hảo sảng, vui vẻ hơn rất nhiều, ngay cả khi cuộc sống của ai đó, nhìn từ bên ngoài, thì thấy rất là khó khăn.
Ngoài việc người dùng Momo tặng heo vàng (để doanh nghiệp đồng hành với Momo quy đổi ra tiền thật) thì họ cũng có thể tặng thẳng tiền từ tài khoản Momo của mình cho các tổ chức xã hội.
Và vì vậy cho nên khoản tiền 353 tỷ của chúng tôi là bao gồm cả hai phần đó: Phần mà các doanh nghiệp đồng hành mang lại cho các tổ chức xã hội thông qua việc quy đổi số lượng heo vàng; và phần mà tự bản thân người dùng gửi thẳng cho các dự án kêu gọi tài trợ trên nền tảng.
Thông qua quá trình này, chúng tôi nhìn thấy một mô hình gọi là Win - Win - Win, tức là cả ba bên đều có lợi. Cộng đồng - người dùng Momo có lợi, Những người được tổ chức xã hội giúp đỡ có lợi, và Doanh nghiệp đồng hành với Momo có lợi.
Bạn có thể sẽ hỏi: Doanh nghiệp đầu tư tiền để “đổi heo vàng thành tiền thật” (rồi chuyển tiền cho tổ chức xã hội) thì được lợi gì?
Theo một cách truyền thống thì các doanh nghiệp chi tiền để làm các hoạt động xã hội (thuật ngữ gọi là CSR) có thể mang câu chuyện đó đi làm PR, truyền tải thông điệp về đóng góp của họ cho cộng đồng.
Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy có một mô hình mới, mô hình làm CSR mới, đó là các doanh nghiệp mang luôn cái hoạt động mà họ muốn làm về để chính nhân viên của mình và khách hàng của mình thực hiện và chung tay.
Sự gắn kết này (giữa người dùng Momo với các doanh nghiệp) thông qua hoạt động CSR tạo nên một giá trị về thương hiệu cho bản thân doanh nghiệp đó. Hay nói cách khác, chính các doanh nghiệp có thêm một sợi dây kết nối với rất nhiều những người dùng của mình, thông qua nền tảng Heo đất Momo.
Không có gì tốt hơn với doanh nghiệp khi được kết nối với khách hàng của chính mình một cách đẹp đẽ. Thay vì gắng sức làm truyền thông hay quảng cáo, thì chuyển hướng sự đầu tư đó để khách hàng của mình có thêm cơ hội giúp đỡ những người khác.
Ví dụ như một chương trình mà chúng tôi có làm trong năm nay là dự án kết hợp giữa ba bên Vietnam Airlines, Momo và PanNature.
Cứ mỗi một đơn hàng mua vé Vietnam Airlines bằng ứng dụng Momo, thì hai bên Vietnam Airlines và Momo sẽ quyên góp một khoản tiền 10.000 đồng cho dự án “Góp lá vá rừng”, nhằm vá rừng rừng nguyên sinh tại hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình. Dự án này cho tổ chức do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) vận hành. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã có đủ khoản tiền quyên góp để vá tương đương gần 50ha rừng ở địa bàn nói trên.
Rất nhiều người nói với tôi rằng: “Ơ mình không biết là mua một cái vé mà có thể tạo được một tác động như thế”. Có một người bạn tôi cũng khoe với tôi là chương trình “Góp lá vá rừng” đó xuất hiện trên màn hình của Vietnam Airlines hàng ngày, và cảm giác rất vui khi có thể góp phần dù rất bé, tạo ra được một cái tác động như vậy.
Dự án “Góp lá vá rừng - Vì Một Việt Nam Xanh và Phát Triển Bền Vững”, với sự hợp tác ba bên Vietnam Airlines - Momo - PanNature. Dự án này cùng với 31 dự án khác đã được vào Vòng chung khảo Giải thưởng Hành động vì cộng - Human Act Prize 2024 do Báo Nhân dân chủ trì, Công ty Cổ phần VCCorp đồng tổ chức.
Có một lần, anh em chúng tôi trong nhóm vận hành Heo đất Momo nói rằng bây giờ mình đang có mấy triệu người dùng đang tham gia vào chuyện quyên góp. Tôi có nói với các em: “Anh không tin Việt Nam mình chỉ có 10 triệu người tốt. Anh nghĩ là Việt Nam mình có 100 triệu người tốt”.
Khi nói như vậy, tôi thật sự hoàn toàn nghĩ rằng, mỗi một người ở Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia và làm được những điều tốt ở cho những người xung quanh, miễn là chúng ta có những công thức tốt, mô hình tốt để mọi người có thể lan tỏa được những giá trị tốt đẹp trong lối sống của chính mình.
Rất nhiều anh chị em, bạn bè, những người xung quanh tôi khi nhìn thấy người thân, bạn bè của mình tham gia vào các chương trình hoạt động xã hội, mọi người rất tự hào, mọi người rất vui, và muốn học theo những mô hình đấy.
Tôi có một người bạn, anh ấy phàn nàn trong sự sảng khoái: “Em không hiểu, em mua cho vợ em một đôi giày, em đưa vợ em đi mua vé để vợ em đi tham dự giải chạy, mà vợ em không bao giờ chạy. Nhưng không hiểu vì sao, chương trình của các anh có gì, mà vợ em xỏ một đôi giày ra ngoài đi chạy, chạy cả 1km và cuối cùng là để quyên góp được 1000 đồng! Làm sao mà 1000 đồng của các anh có thể làm cho vợ em đi chạy, trong khi bình thường cô ấy không bao giờ tham dự vào các giải chạy cả!”.
Các hoạt động thể thao tại Việt Nam gần đây đã bắt đầu thay đổi, bây giờ người ta đã dần đưa được các hoạt động xã hội, kêu gọi từ thiện vào trong đó. Và tôi tin rằng là đến một lúc nào đó thì Việt Nam sẽ rất giống các tổ chức khác, các nước khác. Ở nhiều nước bây giờ là các hoạt động thể thao nếu bạn không quyên góp hoạt động xã hội, bạn sẽ không được tham dự vào.
Dù vậy tôi cũng nghĩ, nhiều hoạt động của các tổ chức, các doanh nghiệp hiện đang còn rất rời rạc, như vậy rất khó để có thể tạo ra được một hành trình bền vững. Do đó, nếu mình có thể kết hợp được rất nhiều các doanh nghiệp khác nhau, những tổ chức khác nhau, thậm chí là giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành, thậm chí là giữa các doanh nghiệp đang có sản phẩm hay dịch vụ cạnh tranh với nhau chẳng hạn, trong các hoạt động vì cộng đồng, thì mình có thể tạo ra được một tác động lớn hơn rất nhiều…
* Ghi và biên tập lời kể nhân vật, từ chương trình Podcast Human Voice.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
- Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
- Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok
Gala trao giải Human Act Prize 2024 diễn ra ngày 14/12 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ vinh danh các dự án, ý tưởng xuất sắc, những hành động vì cộng đồng đã và đang truyền cảm hứng cống hiến, dấn thân vì một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org