Những vấn đề bất cập
Họ bị đặt biệt danh là "corona", không ai còn tới các nhà hàng và mọi người đều hiểu luật bất thành văn về việc tránh xa các khu vực khác.
Đây là cuộc sống trong vài tuần qua của cộng đồng 5.000 người dân tại phố người Hoa ở Kolkata - nơi có người Ấn Độ gốc Trung Quốc sinh sống duy nhất trên toàn bộ lãnh thổ nước này.
Những người Trung Quốc đầu tiên của cộng đồng này đã tới Ấn Độ từ 70 năm trước. Tuy nhiên, 3 thế hệ trở lại đây, các công dân này đều được sinh ra và lớn lên trên đất Ấn Độ.
Tuy nhiên, kể từ sau vụ đụng độ bạo lực ở thung lũng Galwan giữa Ấn Độ và Trung Quốc 10 ngày trước, người dân tại đây đều ở trong nhà, lo sợ và e ngại vì sự phẫn nộ của cộng đồng người Ấn Độ.
Đường vào khu phố người Hoa. Ảnh: Madhuparna Das | ThePrint
"Chúng tôi cũng có quyền bỏ phiếu, hầu hết chúng tôi đều sinh ra và lớn lên tại đây. Nhưng có một số kẻ quá khích - những kẻ không hiểu lịch sử và văn hóa - đã nhạo báng và lăng mạ chúng tôi. Họ gào những khẩu hiệu tiêu cực khi họ gặp chúng tôi và yêu cầu chúng tôi 'về nước'," Lee Yao Sien, một cư dân 65 tuổi tại phố người Hoa, nói.
Freddy Liao, một chủ nhà hàng, viết trên Facebook: "Người Ấn Độ gốc Trung Quốc đã sống tại Ấn Độ trong nhiều thế hệ và chúng tôi có nhiều mối liên kết với Ấn Độ hơn là Trung Quốc".
Phố người Hoa ở miền đông Kolkata là nơi người Ấn Độ có thể thưởng thức văn hóa ẩm thực Trung Quốc chính gốc và là một trong những trung tâm sản xuất đồ da Trung Quốc lớn nhất miền đông Ấn Độ.
Một số chủ cơ sở thuộc da nói nguyên liệu nhập từ Trung Quốc cũng bị chặn lại ở hải quan, tuy nhiên các quan chức Ấn Độ đã phủ nhận việc này.
Ảnh hưởng tiêu cực
Dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng lớn cho kinh tế Ấn Độ. Tuy nhiên, căng thẳng Trung-Ấn đã một lần nữa gây ra những rắc rối không nhỏ cho cộng đồng người Hoa.
"Chúng tôi cảm thấy quá bất an nên chúng tôi không còn đi ra khỏi khu phố Hoa nữa. Chúng tôi hầu hết đều ở trong nhà. Những sự kiện gần đây đã khiến người dân phẫn nộ với chúng tôi. Chúng tôi cũng là người Ấn Độ như các bạn. Đây cũng là nhà của chúng tôi. Họ còn muốn chúng tôi trở về đâu cơ chứ?" - ông Lee nói.
Ông cho biết thêm cộng đồng này không phải đối diện với sự thù hằn như vậy trong đợt căng thẳng tại khu vực Doklam năm 2017. Hiện tại, khu phố người Hoa vốn đông đúc ở thành phố Kolkata giờ đây không khác gì một "khu phố ma".
Nhà hàng Beijing nổi tiếng tại đây vẫn tiếp tục đóng cửa, hoạt động kinh doanh chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ.
"Chúng tôi mở cửa nhưng không có khách. Chúng tôi đã gọi điện cho khách hàng thân quen, báo cho họ rằng chúng tôi mở cửa và thực hiện mọi quy định an toàn. Nhưng nhiều người lo ngại và nói rằng họ sợ bị nhiễm virus corona từ một quán ăn của người Trung Quốc," chủ nhà hàng Henry Hou nói.
Gia đình của ông Henry là một trong những gia đình Trung Quốc đầu tiên lập nghiệp tại Kolkata. "Tôi và cha tôi đều sinh ra tại đây. Ông tôi tới Kolkata trước năm 1947. Chúng tôi là người Ấn Độ với ngoại hình của người Trung Quốc. Nhưng con cái tôi không thể ra ngoài chơi, chúng chỉ có thể tới các công viên trong khu vực dành riêng cho người Trung Quốc".
Cảm giác bất an còn tăng cao hơn khi nhiều người ủng hộ bài trừ tất cả những thứ liên quan tới Trung Quốc, bao gồm thức ăn.
"Từ sau vụ đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Ladakh, nhiều người đã nói những điều rất đau lòng... về việc tẩy chay thực phẩm Trung Quốc tại Ấn Độ. Với những người chủ nhà hàng Trung Quốc, hoặc người Ấn Độ gốc Trung Quốc sinh sống tại Ấn Độ, họ không thể làm gì được," chủ nhà hàng Freddy Liao viết.
Ông Freddy nói cộng đồng người Trung Quốc đã hỗ trợ những người thiệt thòi, phân phát thực phẩm cho hơn 6.000 hộ gia đình khi dịch COVID-19 bùng phát. Theo ông, những người Ấn Độ gốc Trung Quốc có mọi loại giấy tờ và quyền lợi hợp pháp để sống trên đất nước này.
Sự phẫn nộ giữa hai quốc gia đã ảnh hưởng công việc kinh doanh tại đây. Ngành thuộc da ở Kolkata - chủ yếu do người Trung Quốc làm chủ - phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, bao gồm chất hóa học và nhiều loại phụ kiện khác.
"Hàng nhập khẩu không được thông qua ở sân bay Kolkata giữa lúc làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc nổ ra. Dường như có một chỉ đạo nội bộ của hải quan Ấn Độ đối với hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc," Imran Khan, thư kí của hiệp hội thuộc da tại Kolkata, nói.
Chieh Wu, một chủ cơ sở thuộc da, nói: "Chúng tôi cứ nghĩ rằng mình an toàn tại Kolkata. Thành phố này không giống như Delhi hay Mumbai. Nhưng doanh nghiệp của chúng tôi đang bị ảnh hưởng tại đây. Hàng hóa đã bị kẹt trong nhiều ngày. Chúng tôi cần những loại hàng hóa nhập từ Trung Quốc, đây là những hàng không thể sản xuất tại Ấn Độ. Chúng tôi đã sinh sống tại Kolkata hơn 3 thế hệ. Nhưng hiện tại tôi cảm thấy như bị tước bỏ quốc tịch."