Lỗi trình bày
Đặc điểm dễ nhận diện đầu tiên của một luận án kém chất lượng là lỗi trình bày. PGS Vương Xuân Tình giải thích, một nghiên cứu sinh năng lực kém thường kém ngay ở cách trình bày.
“Tôi dám chắc có nhiều nghiên cứu sinh rất kém về văn phạm, và nếu muốn có luận án, hầu như phải nhờ người khác sửa văn.
Nhưng người khác sửa đâu xuể! Có thể ai đó lý sự rằng, văn phong là chuyện vặt; song ngược lại, nếu tiến sĩ mà viết câu văn không nên, có đáng tiến sĩ không?”, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học đặt câu hỏi.
Theo PGS, một số lỗi trình bày thường mắc trong trình bày luận án có thể như: Nhiều lỗi sai chính tả và lỗi đánh máy; câu sai hoặc kém chuẩn mực (câu cụt, tối nghĩa, ngô nghê, lòng thòng, rằng thì là mà); các đoạn văn (paragragh) không có cấu trúc, ý nọ nhằng ý kia, lộn tùng phèo…
Ông kể, cách đây chưa lâu, có đồng nghiệp phàn nàn với ông rằng vừa phản biện một luận án bảo vệ cấp cơ sở, có trang tới 30 lỗi.
Với những luận án như vậy, sau 2-3 tháng được chỉnh sửa theo quy định, khó có thể hết lỗi, nên “hở sườn” là chắc.
Lỗi lôgic
Lỗi này thường mắc với phần tiêu đề, mục tiêu luận án một đằng, nội dung một nẻo.
“Cách đây cũng chưa lâu, có đồng nghiệp phàn nàn với tôi rằng, đã từng đọc một luận án bảo vệ cấp cơ sở, trong ruột luận án chỉ có 7 trang phù hợp với tiêu đề”, ông Tình chia sẻ.
Bên cạnh đó, biểu hiện lỗi logic còn ở mục tiêu, nhiệm vụ một đằng nhưng kết luận một nẻo; tiêu đề ở mục lục và tiêu đề ở nội dung không giống nhau; ý của phần sau đá ý phần trước; tiêu đề, nội dung của bản tóm tắt khác bản chính văn...
Đạo văn
Đạo văn là lỗi thường gặp ở những luận án kém chất lượng. Lỗi này cũng không khó phát hiện.
PGS cho biết, có thể truy tìm bằng các biểu hiện như: Sử dụng cấu trúc, lấy ý, lấy tài liệu của những luận án đã bảo vệ thành công hoặc những công trình có nhiều liên quan, song không trích dẫn hoặc trích dẫn mập mờ, không minh bạch.
Bạn đọc còn có thể tìm ra nguyên đoạn viết của tác giả những công trình kể trên song chỉ thay số liệu, thay địa chỉ để biến thành sản phẩm của nghiên cứu sinh.
Nếu muốn tìm những công trình nghiên cứu sinh dễ đạo văn, bạn có thể xem tên những công trình có liên quan mật thiết với luận án ở phần Tài liệu tham khảo của luận án.
Hội đồng kém chuẩn mực
Thông tư 05 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2012 quy định rõ thành viên Hội đồng thẩm định phải am hiểu về đề tài và lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh; có công trình công bố về lĩnh vực của đề tài luận án trong 3 năm tính đến ngày thành lập hội đồng.
Tuy nhiên, việc thành lập hội đồng có thể tùy tiện theo kiểu “cơ cấu”, cánh hẩu, đãi đằng; để “giao lưu”, “mặt trận” với nhau…
Bởi thế, như PGS chia sẻ, không ít tình trạng một người ngồi quá nhiều hội đồng; lĩnh vực nào cũng ngồi; chẳng có chuyên môn cũng ngồi; về hưu hàng chục năm không có nghiên cứu, viết lách gì nữa cũng ngồi; làm quan chức ở trên vẫn lộn về ngồi…
Để tìm hội đồng như vậy cũng không khó. Người quan tâm có thể tìm qua hồ sơ luận án lưu tại Thư viện Quốc gia; qua lưu trữ ở Phòng Đào tạo của cơ sở đào tạo (với Hội đồng bảo vệ cấp cơ sở và bảo vệ chuyên đề).
Từ các hội đồng này, nếu thấy tần suất của “nhà” khoa học nào đó xuất hiện quá nhiều, có thể đặt câu hỏi: Ông/ bà ấy làm việc ở đâu ? Đương chức hay về hưu ? Chuyên môn sâu về lĩnh vực gì ?...; và sẽ tìm ra nhiều yếu tố thiếu chuẩn mực, thậm chí cả “nhóm lợi ích”.