"Khó khăn thì vô vàn. Nếu có thể, các bạn hỗ trợ CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm..."

Nội dung: Thanh An; Thiết kế: Trang Đinh; Ảnh: Việt Hùng |

"Đến thời điểm này, CDC Hà Nội đang có thể gọi là phải đáp ứng, đáp ứng và đáp ứng mọi diễn biến của dịch bệnh trong tình trạng thiếu rất nhiều thứ" - ông Khổng Minh Tuấn, PGĐ CDC Hà Nội cho biết.

Hà Nội đang chạy đua với thời gian để tăng cường xét nghiệm diện rộng làm cơ sở cho chiến lược truy vết, khoanh vùng, dập dịch, tránh khả năng phải xã hội do bùng phát dịch Covid-19.

Nhiệm vụ của CDC Hà Nội lúc này là đáp ứng mọi yêu cầu của phòng, chống dịch. Nhưng, như GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), tổng chỉ huy hệ thống xét nghiệm và chẩn đoán Covid-19 đã chia sẻ trong tin nhắn dành cho các nhà thiện nguyện vào ngày 11/5:

"Cảm ơn vì các bạn đã nghĩ đến chúng tôi, khó khăn thì vô vàn... Nếu có thể, các bạn hỗ trợ cho CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm..."

Điều gì đang diễn ra ở Trung tâm phòng chống bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội vào những ngày này?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội để biết thêm chi tiết.

Khó khăn thì vô vàn. Nếu có thể, các bạn hỗ trợ CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm... - Ảnh 2.

Thanh An: Có thông tin cho rằng những lần bùng phát dịch trước đây, Hà Nội đã làm đến hơn 90.000 xét nghiệm để chẩn đoán ra 64 ca Covid-19 dương tính. Đến thời điểm này liệu chúng ta có đủ năng lực để theo đuổi chính sách tăng cường xét nghiệm diện rộng không thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Chúng tôi đang làm mọi cách để có được nhiều kết quả xét nghiệm nhất, và kết quả xét nghiệm phải chính xác nhất. Muốn nói điều gì cũng cần phải có thời gian, nhưng hiện nay chúng tôi đang theo đuổi chính sách đó.

Có thể vất vả, cực khổ cho một số lực lượng nhưng giữ được sự ổn định cho toàn cộng đồng. Đấy là cái giá rất rẻ cho một chiến lược chống dịch có khoa học. Vậy thì tại sao chúng ta không kiên trì thực hiện mà lại hỏi nhau đủ năng lực hay không đủ năng lực? Chưa đủ năng lực thì phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng cho bằng đủ chứ.

Khó khăn thì vô vàn. Nếu có thể, các bạn hỗ trợ CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm... - Ảnh 3.

Nhìn lại những đợt dịch trước đây, chúng ta triển khai giãn cách xã hội và khoanh vùng trên diện rộng ngay lập tức. Kết quả, chúng ta vượt qua đỉnh dịch nhưng ảnh hưởng đời sống kinh tế - xã hội không nhỏ.

Đến lúc này, từ kết quả xét nghiệm, chúng ta đã có cơ sở khoa học để dự đoán nguy cơ lây nhiễm đến đâu, xu hướng phát triển của từng ổ dịch rộng hay hẹp. Như vậy, chúng ta có thêm sự lựa chọn để quyết định chiến lược và chiến thuật khoanh vùng, cách ly hay thực hiện giãn cách xã hội một cách trúng và đúng.

Thật ra chúng tôi không lo lắng đến chuyện đủ hay không đủ năng lực. Chúng tôi biết rõ ràng năng lực xét nghiệm của chúng ta đang đáp ứng rất tốt. Điều chúng tôi quan tâm hiện nay là xác định nguyên nhân nào tác động đến hiệu quả của hệ thống xét nghiệm, từ đó bổ sung hơn, hoàn thiện hơn.

Thanh An: Những nguyên nhân nào có thể giúp hệ thống xét nghiệm đạt được hiệu quả phòng chống dịch, thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Để xét nghiệm diện rộng thành công cần 2 yếu tố, chủ quan và khách quan.

Chủ quan là nhân lực huy động đi lấy mẫu - yếu tố này chúng ta phải thường xuyên đào tạo và tăng cường theo từng quy mô phát triển của dịch bệnh.

Còn khách quan là những yếu tố như vật tư tiêu hao, sinh phẩm xét nghiệm. Nhóm này được chia làm 2 loại. Sinh phẩm chính phục vụ chẩn đoán Sars- CoV- 2, cho đến hiện nay, Hà Nội sử dụng một nguồn duy nhất do công ty Việt Á cung cấp.

Nguyên nhân khách quan này bất khả kháng và phụ thuộc toàn bộ vào năng lực của nhà cung cấp. Ngoài sinh phẩm chính ra, mỗi kết quả xét nghiệm Covid-19 còn đòi hỏi kèm theo hàng trăm sinh phẩm phụ khác.

Hiện nay, lãnh đạo chỉ quan tâm sinh phẩm của Việt Á đủ chưa. Nhưng sự quan tâm, giải quyết lúc này cần phải được chia đều cho tất cả các loại nguyên vật liệu đầu vào của quá trình xét nghiệm.

Vì nếu như không lưu tâm giải quyết ngay những khó khăn phát sinh thì khi một trong số hàng trăm sinh phẩm phụ kia có vấn đề về thiếu nguồn cung, tăng giá hay khó khăn trong quá trình nhập khẩu... là rất nguy hiểm. Lúc đó, phụ lại thành chính.

Thanh An: Nếu nói như vậy thì có nghĩa là có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến cho hệ thống xét nghiệm đang được vận hành hiện nay bị ảnh hưởng phải không, thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Những thứ tưởng như không quan trọng hay to tát có thể gây ra tê liệt hệ thống là sự thật.

Tôi đơn cử, vật tư đơn giản như ống lấy mẫu, ống bảo quản tăm bông sau khi lấy dịch hầu họng. Nếu trong 1 ngày lấy 1.000 mẫu, Hà Nội không thiếu ống, nhưng 1 ngày lấy đến 5.000 - 10.000 mẫu thì chắc chắn thiếu, vì nhiều lẽ.

Mà nếu thiếu cái này thì mẫu đâu để phòng xét nghiệm làm việc? Xét nghiệm không làm được việc thì lấy kết quả đâu cho ban chỉ đạo phân tích và đưa ra chính sách?

Khó khăn thì vô vàn. Nếu có thể, các bạn hỗ trợ CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm... - Ảnh 5.

Thanh An: Tại sao Hà Nội lại có thể thiếu đến cả thứ đơn giản nhất, rẻ tiền nhất trong toàn bộ quy trình chống dịch, thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Đến thời điểm này, CDC Hà Nội đang có thể gọi là phải đáp ứng mọi diễn biến của dịch bệnh trong tình trạng thiếu rất nhiều thứ và thiếu vào các thời điểm cụ thể.

Thực ra không phải riêng CDC mà tất cả các cơ quan khác của sở y tế đều trong tình trạng này. Mọi hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đều phải tuân thủ theo cơ chế đấu thầu mua sắm công. Ai mua người ấy phải chịu trách nhiệm. Mua thừa sẽ bị phê bình thất thoát lãng phí mà mua thiếu lại càng nguy hiểm.

Khó khăn thì vô vàn. Nếu có thể, các bạn hỗ trợ CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm... - Ảnh 6.

Vì sự bất cập đó nên ngành y tế thường xuyên đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế đặc thù trong công tác dự phòng vật tư y tế, thiết bị tiêu hao, sinh phẩm phòng chống dịch. Chúng tôi cũng đã trình bày rất rõ những đặc thù ở đây là gì rồi.

Dự báo dịch là phải dự báo xa, không thể dự báo gần được. Nếu dự báo gần quá, đến lúc dịch bùng lên, quy mô lớn hơn, sự chuẩn bị, xoay không kịp là nguy hiểm rồi.

Chính vì thế, việc dự trù vật tư, sinh phẩm có thể không thật chính xác, có thể dùng hết hoặc không dùng hết thì chúng ta cũng phải chấp nhận tiêu hao trong bối cảnh dịch bệnh chưa được khống chế. Nhưng hiện nay đề xuất này rất khó để các cơ quan tài chính hiểu và thông qua bởi vì còn liên quan đến vấn đề tiết kiệm ngân sách.

Khó khăn thì vô vàn. Nếu có thể, các bạn hỗ trợ CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm... - Ảnh 7.

Chúng ta cũng thấy các nước trên thế giới chẳng khác gì Việt Nam hay Hà Nội, có lúc sẽ rơi vào tình trạng “thiếu cấp tính” vật tư y tế. Tuy nhiên nhiều nước đã có nguồn dự trữ phòng chống dịch của quốc gia.

Cơ quan điều phối cấp quốc gia sẽ là địa chỉ chịu trách nhiệm phân bổ nguồn lực này để trong bối cảnh cụ thể, một tỉnh hay một địa phương nào đó thiếu thì sẽ điều phối các địa phương chưa sử dụng cung cấp ngay.

Việt Nam đang áp dụng chính sách 4 tại chỗ, sử dụng ngân sách địa phương cho các giải pháp phòng chống dịch. Điểm này phát huy được tinh thần chủ động nhưng vẫn nên có sự điều tiết cơ chế chính sách chung từ trung ương, từ cơ quan đầu mối.

Phải làm được vậy thì mới tránh được tình trạng vì mua bằng ngân sách nên tỉnh này không thể chuyển cho tỉnh khác dù 1 tỉnh đang thừa còn 1 tỉnh đang thiếu và cần gấp. Cùng lắm các địa phương chỉ điều phối xuống quận, huyện được thôi chứ chưa điều chuyển linh hoạt giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thanh An: Tôi vẫn chưa hiểu về câu chuyện thiếu ống bảo quản tăm bông sau khi lấy dịch hầu họng?

Ông Khổng Minh Tuấn: Vì cơ chế không cho phép chúng ta dự trữ quá nhiều trong một thời gian nhất định, cho nên, vào thời điểm nhu cầu tăng cao đột biến, mọi thứ sẽ bị thiếu. Thiếu là do không chuẩn bị kịp.

Thêm một lý do nữa là đơn vị cung cấp trên thị trường không nhiều, những vật tư, sinh phẩm này lại không có thời hạn sử dụng dài cho nên vào lúc khan hiếm thì giá thành tăng rất cao. Ống nhựa bảo quản đó nếu mua trên thị trường thường có giá 25.000 đồng/ống, bây giờ đã tăng lên thành 60.000 - 70.000 đồng/ống cho 1 mẫu xét nghiệm.

Với giá thành này, cơ chế mua sắm không giải quyết ngay được mà phải giải trình rất mất thời gian. Để xử lý tình huống khẩn cấp lúc này, toàn bộ CDC Hà Nội đang dùng chính nguồn lực của mình tự mua ống nhựa về bố trí anh chị em tự pha chế môi trường bảo quản. Kết quả, mỗi một mẫu xét nghiệm, ngân sách nhà nước đang chỉ phải chi số tiền cỡ 2.000 - 3.000 đồng/ống.

Khó khăn thì vô vàn. Nếu có thể, các bạn hỗ trợ CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm... - Ảnh 9.

Bắt đầu từ ngày 5/5 cho đến nay, trung bình cứ 3 ngày CDC Hà Nội làm đến 17.000 mẫu xét nghiệm Covid-19, nếu nói làm lợi cho ngân sách nhà nước thì CDC Hà Nội đã tiết kiệm ngân sách cho thủ đô rất nhiều.

Lúc nào người của CDC Hà Nội cũng phải đáp ứng bằng được mọi tình huống bùng phát dịch. Chúng tôi đã rất nỗ lực nhưng mọi chuyện đều rất khó nói vào lúc này...

Khó khăn thì vô vàn. Nếu có thể, các bạn hỗ trợ CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm... - Ảnh 10.

Thanh An: Vậy người dân thủ đô cần lưu ý điều gì về tính chất của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Mấu chốt của đợt bùng phát dịch lần này chính là tốc độ lây nhiễm nhanh. Trước đây, chu kỳ từ lúc nhiễm virus cho đến ủ bệnh và có thể lây sang người khác khá dài.

Hiện nay chúng tôi đang nhìn thấy chu kỳ có xu hướng ngắn lại rất nhanh. Ghi nhận qua một số ổ dịch được phát hiện cho thấy, sau 3 - 4 ngày đã là 1 chu kỳ rồi. Cá biệt, có những trường hợp chỉ sau 2,5 ngày tính từ thời điểm tiếp xúc đã bắt đầu có khả năng lây bệnh.

Trong khi đó, lịch trình của đối tượng lây nhiễm rất dày đặc. Tại cùng một thời điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra rất nhiều ca bệnh mới, mỗi ca bệnh như vậy liên quan đến rất nhiều địa phương khác nhau.

Chính vì thế cho nên, nếu như y tế không nhanh, người bệnh khai báo không đầy đủ, rồi phối hợp giữa các lực lượng, các địa phương không chặt chẽ thì đương nhiên, khoanh vùng truy vết được tất cả các đối tượng nghi nhiễm Covid-19 là rất khó khăn.

Đơn cử như bắt đầu từ đêm mùng 4 rạng sáng ngày mùng 5/5, ta xác định được ca bệnh ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Nhưng cho đến nay, tức là sau hơn 7 ngày rồi, không phải tất cả những người từng đến bệnh viện đó đã được giám sát.

Thứ nhất, có thể vì lý do nào đó người dân vẫn chưa nghe được thông tin về dịch bệnh, hoặc nghe rồi nhưng chưa khai báo. Công tác tra cứu danh sách bệnh nhân cũng không đơn giản.

Danh sách bệnh nhân và người nhà bệnh nhân do bệnh viện cung cấp hiện nay đang rất không đầy đủ. Quá nhiều thông tin thiếu, đặc biệt là địa chỉ. Có tên xã đã là tốt rồi nhưng phần nhiều trong danh sách chỉ có tên huyện.

Khó khăn thì vô vàn. Nếu có thể, các bạn hỗ trợ CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm... - Ảnh 12.

Bệnh nhân diện bảo hiểm y tế thì địa chỉ còn chính xác nhưng bệnh nhân không có bảo hiểm thì thông tin lại rất mông lung. Ngay như sáng hôm 11/5, chúng tôi phải tra một trường hợp theo địa chỉ huyện Phúc Thọ - Hà Nội mới. Bây giờ làm gì có huyện nào là “huyện Phúc Thọ - Hà Nội mới”! Tra thế thì làm sao nhanh được.

Với những thông tin nhiễu loạn như vậy, mình chậm chân ngày nào thì ca lây nhiễm sẽ tăng ngày đó. Đấy là những nguy cơ lớn nhất và đáng lo ngại nhất đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Hà Nội hiện nay.

Trước tình hình đó, không chỉ người dân Hà Nội mà nhân dân cả nước cần nhớ rằng 5K là điều kiện bắt buộc để vượt qua đợt dịch lần này. Trong 5K, cá nhân tôi nhận thấy đối với cộng đồng mấu chốt vẫn là khẩu trang.

Covid-19 là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dùng khẩu trang chúng ta coi như có cho mình một hàng rào.

Trong khi chờ chìa khóa thoát dịch là vắc xin thì hàng rào khẩu trang chính là một loại vắc xin đơn giản, rẻ tiền nhưng rất hiệu quả. Nó ngăn chặn ngay nguồn lây nhiễm. Hơn nữa, nó rất thuận tiện. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể sử dụng được kể cả trẻ nhỏ nếu được người lớn hướng dẫn, giúp đỡ.

Khó khăn thì vô vàn. Nếu có thể, các bạn hỗ trợ CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm... - Ảnh 13.

Thanh An: Vậy CDC Hà Nội đang giải quyết những nguy cơ lớn nhất và đáng lo ngại nhất trong đợt dịch này như thế nào thưa ông?

Ông Khổng Minh Tuấn: Nỗi sợ nhất của chúng tôi hiện nay là Hà Nội sẽ xảy ra nhiều ổ dịch trên nhiều địa bàn thành phố. Nếu để tình trạng đó xảy ra, chúng tôi sẽ thực sự gặp vấn đề.

Còn lúc này, dù nhìn nhận diễn biến dịch với những nguy cơ lớn nhất và đáng lo ngại nhất, song qua thống kê ta sẽ thấy, Hà Nội với 30 quận, huyện thì ghi nhận có Gia Lâm, Đông Anh, Phúc Thọ, Thanh Trì và 1 vài khu vực nhỏ nữa ở cấp độ nguy cơ bùng phát dịch cao và rất cao. Như vậy là mới ở tỷ lệ 1/5 - 1/6 trên toàn thành phố thôi, không phải quá nhiều.

Với tình hình trên chúng tôi đang thực hiện chiến lược quận, huyện này hỗ trợ quận, huyện kia. Và thực tế, lực lượng của các trung tâm y tế quận, huyện vẫn tự lo được, chưa đến mức quá tải.

Chỉ với một vài ổ dịch quy mô lớn, cấp bách và đặc biệt nguy hiểm như trường hợp ổ dịch Bệnh viện K hôm trước thì CDC thành phố phải huy động nhân lực của 5 quận, huyện hỗ trợ cho K Tân Triều. Phải nói rằng các tổ Covid-19 cộng đồng của Hà Nội đang làm việc rất chủ động, chuyên nghiệp.

Khó khăn thì vô vàn. Nếu có thể, các bạn hỗ trợ CDC Hà Nội nhé, họ khổ lắm... - Ảnh 14.

Thậm chí, chúng tôi đã chuẩn bị phương án đáp ứng cho tình huống 29 - 30 quận, huyện của Hà Nội phát sinh khu vực nóng, lúc mà không ai hỗ trợ được cho ai nữa. Làm công tác dự phòng luôn đòi hỏi chúng tôi nhìn xa hơn tình hình thực tế mấy bước để nếu có lâm vào nguy cấp cũng phải ở thế chủ động.

Lúc đó Hà Nội hướng đến giải pháp những chỗ nóng vừa vừa sẽ phải tự lực, những chỗ nóng quá, khó khăn về nhân lực thì phải huy động lực lượng dự bị như sinh viên các cơ sở đào tạo y tế. Biện pháp này Hà Nội đã từng làm qua các đợt bùng phát dịch trước đây.

Và đương nhiên khi 30/30 quận, huyện của Hà Nội đều phát sinh điểm nóng sẽ cần tính đến việc kích hoạt mọi biện pháp chống dịch cấp cao nhất.

Thanh An: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất nhiều thông tin hữu ích này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại