Phó Đức Phương - 'Hiệp sĩ bản quyền' trở về nhà…

NGUYỄN MẠNH HÀ |

Lần gặp gỡ đầu tiên tôi đã gây ấn tượng đáng kể với Phó Đức Phương. Vừa thấy tôi lò dò bước lên căn gác bé xíu thuộc trụ sở của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) hồi đó còn ở phố Linh Lang, trước nhiều người dự họp, ông đã hồ hởi dứng dậy bước tới bắt tay lắc lắc nói đại ý: “Tớ rất thích những bài gần đây cậu viết…”. Nhưng tất nhiên ông chẳng hề đọc những bài báo của tôi, mà đơn giản nhầm tôi với nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến.

Kể lại để thấy tinh thần liên tài của Phó Đức Phương với một nhạc sĩ thế hệ sau mà ông chưa từng gặp. Sự vui mừng của ông nhân lên hẳn vì Nguyễn Vĩnh Tiến cũng đi theo con đường dân gian - đương đại mà ông là một trong những chủ soái.

Phó Đức Phương - Hiệp sĩ bản quyền trở về nhà… - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương thời còn làm giám đốc VCPMC tại trụ sở trên đường Nguyễn Văn Huyên

Sau đó thì ấn tượng của tôi về ông không có gì nhiều ngoài một ông giám đốc nghiêm trang với bộ mặt lúc nào cũng đăm chiêu trong các buổi họp về bản quyền có báo giới tham dự. Bao giờ ông cũng nói rất nhiều, rất hăng về những vấn đề gây đau đầu với nhiều người dự họp. Đổi lại là nụ cười của các nhạc sĩ, nhất là những người cao tuổi và không quá nổi tiếng. Vì họ bỗng có khoản tiền dối già từ lao động của mình.

Công tác bản quyền không chỉ lấy đi của Phó Đức Phương những sáng tác không có dịp chào đời hay thu nhập cho gia đình (hồi trước chỉ chuyên đi viết bài đặt hàng và dàn dựng các chương trình nghệ thuật mà ông nuôi cả nhà và mua được 2 miếng đất), mà còn đem lại rất nhiều phiền toái. Tôi có dịp chứng kiến khi đi cùng đoàn của VCPMC đến tận Trung tâm Hội nghị Quốc gia để đòi tiền tác quyền cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Phó Đức Phương đích thân ngồi đấu lý với nhà tổ chức. Ông rất quyết liệt nhưng đâu thu được tiền ngay. Đêm nhạc vẫn diễn ra và người ta hẹn sẽ gửi tiền sau… Vụ rầy rà cuối cùng trước khi ông gác kiếm tác quyền có liên quan tới nhạc sĩ Phú Quang- người cũng đang lâm trọng bệnh xung quanh việc chi trả số tiền tác quyền mà VCPMC thu được. Phó Đức Phương bèn tổ chức họp, yêu cầu Phú Quang xin lỗi công khai… Sự căng thẳng rút cuộc cũng chỉ được các trang báo lưu lại.

TA VỀ NHÀ TA

Khép lại quãng đời bão tố gắn với bản quyền, tôi có dịp gặp ông trước thềm liveshow Bộ tứ Sông Hồng của Tùng Dương đầu 2018. Trông ông “giãn nở” hẳn ra, nghĩa là lên cân và tươi tỉnh hơn những lần gặp trước. Ông kể, vẫn hút đều ngày 2 bao thuốc, mỗi lần nhậu vẫn uống được nửa lít rượu, không thì cứ 10-15 li cụng nhau là chuyện thường. Ông có hơn 10 năm tập Năm thức Tây Tạng hay gọi là Suối nguồn tươi trẻ để có được sức bền ấy. “Cái đấy là vô địch”, ông tuyên bố.

“Tớ được bền bỉ sức khỏe đến giờ có lẽ nhờ cái đó là chính. Còn trước đó tớ cũng đã được rèn luyện, từ 19-20 tuổi đã đi lao động ở nông trường. Lao động thực sự, vào rừng chặt chuối, nấu cám lợn, đánh xe bò khỏe lắm. Sau đó tập thể dục cũng dữ dội. Mình bốc mà, làm gì cũng đến tận cùng. Chỉ có chưa tập tạ, tập võ vì không có thì giờ”. Thời gian ở nông trường chính là giai đoạn để chàng sinh viên Sư phạm Toán “lột xác” trở thành sinh viên Nhạc viện đúng như mơ ước từ nhỏ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Tôi không áy náy gì về việc tôi bỏ đi mười mấy năm làm quyền tác giả. Mất đi có thể hàng trăm tác phẩm hay biết đâu mà theo phong cách của tôi trong ấy có mươi, mười lăm bài cực kỳ sâu sắc để đời là chuyện rất có thể, nhưng vẫn phải hy sinh. Có một nhiệm vụ khác rất quan trọng. Nó là vấn đề quyền tác giả, vấn đề công bằng, vấn đề kích thích sự sáng tạo cho tất cả các nhạc sĩ. Đấy là việc rất quan trọng tôi phải làm”.

Ngồi ở cà phê Viện Goethe, ông hào hứng khoe ca khúc mới: Tửu ca. Một trong vài bài hiếm hoi ông tự viết chứ không ai đặt hàng. “Cũng xuất sắc đấy, có những người cho rằng bài này là số một của tôi. Tất nhiên họ yêu quá thì nói vậy. Bài đấy nằm trong phim Thương nhớ ở ai. Có một nhân vật hát bài đó. Lưu Trọng Ninh xin, tớ chưa được nghe. Nhưng bạn bè nghe bảo nhân vật lúc bấy giờ hát bài này hợp lắm”.

Ông đọc lời bài hát: “Thôi trút đi gánh nặng đường xa/ Ngược xuôi bôn ba, nay ta về nhà ta/ Đường trần quá hẹp lắm vực nhiều khe/ Nhà ta mênh mông, trăng dàn bốn bề/ Rượu đôi ba ly uống cạn cái chữ tình/ Xoay đất trời về thuở bình minh/ Gạt đi âu lo, những đợi những chờ/ Giong cánh buồm cho thuyền lộng gió/ Còn chờ gì nữa, hãy tỉnh lại thôi/ Men đây môi đấy, vơi đầy đầy vơi/ Quên đi quên nữa sẽ tỉnh dần thôi…”. Và chốt lại: “Uống rượu đây là để tỉnh, không phải để say. Không lâu đài, cung điện, resort nào mênh mông bằng ngôi nhà của ta, của chúng ta. Ai cũng có một ngôi nhà của bản thể”.

Tâm trạng của một người về hưu khi vẫn còn sung sức của Phó Đức Phương khiến tôi cũng mừng lây. “Từ khi mình quyết định nghỉ, trong lòng nhẹ nhõm như cất đi gánh nặng”, ông nói. “Bây giờ nhiệm vụ của mình là không được để mình thư giãn, nhàn rỗi. Phải lấp đầy thời gian. Phải viết lách, sáng tạo, học hành gì đó. 

Rỗi rãi là hư người, ốm yếu đi, già đi”. Nhưng viết gì thì viết, ông vẫn lắc đầu với hồi ký: “Nhớ được cái gì thì nhớ, cái gì quên thì cứ để cho nó quên. Tớ không biết nhặt nhạnh, gom lại, lưu trữ trong hồ sơ. Hoặc cũng như Trịnh Công Sơn, “sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” cuối cùng theo gió đi, buông hết, trở về với ngôi nhà bản thể”.

Phó Đức Phương - Hiệp sĩ bản quyền trở về nhà… - Ảnh 3.

NSƯT Minh Thu - người sở hữu 2 album nhạc Phó Đức Phương tại liveshow Khúc hát Phiêu ly. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

MỘT TAY PHIÊU LƯU

“Giờ thì có điều kiện rồi”, nhạc sĩ mới về hưu hào hứng. “Tớ chả mấy khi được du lịch. Cả đời tớ đi rất nhiều nơi nhưng toàn kết hợp công việc”. Phó Đức Phương là con người của hành động, khám phá, mạo hiểm. Để chứng tỏ mình “lên thác, xuống ghềnh, lên núi, xuống hang sâu hay đáy biển chả sợ gì” ông kể vài ví dụ. 

Trong đó có kỷ niệm đi thăm một hòn đảo ở Nha Trang cùng 6-7 nhạc sĩ: Nguyễn Cường, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập… “Thấy cả phái đoàn nhạc sĩ thì người ta quý lắm: “Các anh có đi dù lượn không, thích lắm ạ”. Chẳng ai đi cả. Mình lại sợ người ta tủi thân, thôi đi, đeo dù vào lướt trên mặt nước xong hạ xuống. Về đến nơi vẫn thấy các ông đang ngả ngốn bia bọt. 

Lúc sau: “Các anh ơi có xuống đáy biển không”. Chẳng ông nào ừ hữ gì. Thôi được để tôi đi. Họ hướng dẫn mặc đồ lặn, đeo bình, mình cứ đi theo người ta. Độ 20 phút, đúng lộ trình. Về các ông vẫn đang nằm lười biếng. Một lúc sau họ lại bảo: “Các anh ơi còn một trò nữa thích lắm”. Các ông ấy đã bỏ 2 cái rồi thì cái thứ 3 đi làm gì. Còn mình lại ngồi ca-nô phóng trên biển”…

Nhưng chuyến phiêu lưu lớn nhất của người chuyên viết “dân ca” là vào lĩnh vực bản quyền. Đáng khâm phục ở cái tuổi mà người ta chuẩn bị về hưu ông lại lao vào đọc luật, học tiếng Anh để làm công việc bao đồng, không ai xui khiến. Khi đó ông đang công tác ở Cục Nghệ thuật Biểu diễn và được cử đi tham dự các buổi tập huấn về bản quyền với các chuyên gia quốc tế. “Mình đi họp độ ba lần bèn trở thành hạt giống cách mạng”, ông kể “Mình đã từng đau khổ, từng thấm thía vì thấy các tác giả bị thiệt thòi quá nhiều từ mấy chục năm trước, nên được học cái, nó tự dưng sáng bừng. 

Đùng đùng tự mình làm bản kiến nghị cho nhạc sĩ cả nước ký vào, tay cầm lên TƯ Đảng, Quốc hội, Chính phủ mong các cấp quan tâm đến tình trạng xâm hại quyền tác giả âm nhạc đang trầm trọng và công nhiên hàng ngày, đang gây ra những tác động xấu trong âm nhạc nói riêng và đời sống văn hóa xã hội nói chung”. 

Hơn 200 nhạc sĩ đã ký vào bản kiến nghị chỉ do một cá nhân soạn thảo. Để có được số chữ ký đó, Phó Đức Phương phải vào Nam ra Bắc vài chuyến, thời đó đâu đã có e-mail. Các cơ quan họp mất hơn năm sau đó, và trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc đầu tiên của Việt Nam ra đời.

“Tớ bắt tay vào đầy tự giác, hăng hái, nhiệt tình đúng kiểu Trời sắp đặt. Tự nhiên điên hết cả lên, phải làm. Mình giống như người giác ngộ đầu tiên về quyền tác giả ở đất nước này,” nhạc sĩ nói. Lúc bắt đầu thành lập Trung tâm, anh có nghĩ đến sự nghiệp sáng tác sẽ phải hy sinh, tôi hỏi.

 Trả lời: “Tớ không kịp nghĩ đến chuyện đấy. Nhưng khi làm đương nhiên phải bỏ luôn sáng tác vì tớ làm cái gì là làm chết thôi, thậm chí hăm hở cũng giống như sáng tác. Cả đêm nghĩ ngợi bài bản. Thí dụ lấy kiến nghị lên gặp ông này ông kia phải tính toán. Thì không thể nào viết được nữa”.

Liệu khi đang chống chọi với ung thư, ông có thoáng nuối tiếc vì đã không dành thêm thời gian cho sáng tác. Tháng trước, tôi mang câu hỏi đó đến tận phòng riêng của nhạc sĩ. Khi đó ông đã chấm dứt điều trị ở bệnh viện, để theo một phác đồ khác tại nhà. Không còn đâu bóng dáng người nhạc sĩ “giãn nở” tôi gặp 2 năm trước.

Người ông tóp lại, chỉ phần bụng là phình ra. Ông phải nén đau mệt để ngồi trả lời tôi, bằng một giọng nhỏ nhẹ: “Cái gì đến nó đến thôi. Làm sao mà biết được. Mặc dù có lãng phí thời gian dành cho âm nhạc đối với riêng mình nhưng thực ra nó là cái giá xứng đáng phải trả. Bởi nếu không có một người sống chết vì nó, rất hiểu biết và sẵn sàng hy sinh, thì bản quyền âm nhạc không được như bây giờ đâu”.

Ông còn thẳng thắn cho rằng không chỉ riêng mình mà công chúng và cả nền âm nhạc cũng phải chịu thiệt: “Bởi tác phẩm của tớ đồng thời là của công chúng và của đất nước. Khi mình bỏ ra 18 năm làm quyền tác giả thì mình mất bao nhiêu bài. Nhưng đất nước và công chúng yêu nhạc phải chấp nhận để tớ làm cái việc có mục đích và ý nghĩa xa hơn: Đem lại lợi ích cho tất cả các nhạc sĩ, để sau đó mới có nhiều tác phẩm âm nhạc hay hơn”.

Thực ra, 1-2 năm cuối trên ghế giám đốc VCPMC, ông đã thấm mệt. “Vô lý quá”, ông thốt lên. “Cứ phải è cổ đấu tranh với những chuyện lắm lúc nó lệch hết ra khỏi nghệ thuật. Cũng có những lúc thấy oải. Mình nghỉ, anh em bạn bè cũng mừng. Mà mình thấy cũng đủ rồi, gọi là hoàn thành trách nhiệm. Chả lẽ cứ làm mãi. Tính mình cầu toàn, cả lo: Mình rút đi có người thay chưa. Chả bao giờ thấy có người thay cả”…

Cũng giống như việc âm nhạc hóa những trang sử vàng của đất Việt. Sứ mệnh cuối đời ông tự giao cho mình nhưng bị bạo bệnh làm cho dang dở. Tôi muốn nói ông cứ an lòng, thế hệ sau chắc chắn sẽ gánh vác, theo kiểu của họ. Họ sẽ nhìn vào những gì ông để lại mà tiếp tục. Nhưng lại xét cái tinh thần quyết liệt, đã làm là quên chết của Phó Đức Phương, biết đâu chính ông bằng cách nào đó sẽ trở lại, viết tiếp…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại