Phó đồn Biên phòng cửa khẩu hầu tòa vụ phá rừng Pơ mu chấn động Quảng Nam

Đình Thức |

Phó đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang thỏa thuận giá khai thác, vận chuyển gỗ Pơ mu từ rừng ra đến đường ô tô.

Ngày 5/6, Tòa án quân sự Quân khu V (trụ sở tại Đà Nẵng) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lê Xuân Chính, Đại úy – nguyên Phó đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) cùng 20 đồng phạm khác về tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng.

Theo cáo trạng, Chính quen biết Giám đốc công ty cổ phần Minh Hà (trụ sở tại Đà Nẵng) là Tiêu Hồng Tư (SN 1967).

Phó đồn Biên phòng cửa khẩu hầu tòa vụ phá rừng Pơ mu chấn động Quảng Nam - Ảnh 1.

Bị cáo Chính (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) cùng các đồng phạm tại phiên tòa xét xử

Tháng 3/2016, Chính chở một người tên Nguyễn Văn Quang (SN 1982) sang Lào thăm xưởng gỗ của Tư tìm khu vực có gỗ pơ mu, thông đỏ, dổi để khai thác.

Tháng 5/2016, Quang cùng Nguyễn Văn Thắng (SN 1978) phát hiện khu vực Tiểu khu 351 rừng phòng hộ Nam Sông Bung (xã La Dêê, huyện Nam Giang) có gỗ pơ mu. Hai người này báo tin cho Chính rồi sau đó thỏa thuận số tiền 8 triệu đồng/m3 cho việc khai thác, vận chuyển gỗ pơ mu thành phách từ rừng phòng hộ ra đường ô tô.

Phó đồn Biên phòng cửa khẩu hầu tòa vụ phá rừng Pơ mu chấn động Quảng Nam - Ảnh 3.

Các bị cáo trong đường dây phá rừng Pơ mu gây chấn động tỉnh Quảng Nam

Tháng 6/2016, Quang huy động 17 người vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ. Quang nói với những người khai thác gỗ rằng: "Làm cho ông Chính biên phòng, làm cho nhà nước; làm cho ông Tư giám đốc nên anh em yên tâm, cứ làm tẹt ga, không sao đâu. Việc này có ông Chính, ông Tư lo hết rồi".

Cáo trạng cũng cho biết, khi vụ việc phá rừng Pơ mu rừng phòng hộ Nam Sông Bung bị phát hiện, Chính đã gọi điện yêu cầu Quang trốn sang Lào và cho các lâm tặc rút về quê.

Quang thực hiện theo nhưng sau đó từ Lào về TP.HCM và bị bắt.

Vụ phá rừng Pơ mu ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung khiến 37 cây gỗ pơ mu thuộc nhóm IIA - nhóm thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm bị chặt phá.

Tổng khối lượng gỗ pơ mu bị các bị can khai thác trái phép là 53,123 m3 với tổng giá trị thiệt hại được xác định là hơn 3,2 tỉ đồng.

Phiên tòa xét xử Chính và đồng bọn dự kiến kéo dài trong 3 ngày.

Trước đó, vụ án đã được Tòa án quân sự Quân khu V đưa ra xét xử tại tỉnh Quảng Nam từ ngày 19 – 21/1 nhưng bị tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vì tòa có căn cứ cho rằng có đồng phạm khác; việc điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại