Mỗi khi quên việc gì đó đang chuẩn bị làm, cứ ăn vào là nhớ lại ngay!
Là nhân viên văn phòng, công việc bàn giấy 8 giờ đồng hồ một ngày, khiến không ít chị em mệt mỏi, thậm chí nhiều khi suy giảm trí nhớ vì cơ thể không được nạp đủ năng lượng lại còn phải lao động trí óc nhiều.
Chị Hà Hải Âu (34 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) là người đã có gia đình, công việc khá bận rộn khi vừa phải chăm sóc con nhỏ, việc nhà, việc cơ quan. Mỗi sáng thức dậy, chị rối bời trong đống việc không tên, nên ít khi có thời gian chăm sóc bản thân, kể cả việc ăn bữa sáng.
Biết thời gian với mình eo hẹp và không ăn sáng là một thói quen rất có hại, nên chị không quên thủ sẵn những thứ nhiều đường ngọt như kẹo, đường trắng, ngũ cốc để trên bàn làm việc. Cứ khi nào thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt là chị uống một ngụm nước đường hoặc nhai vài viên kẹo là đầu óc tỉnh táo trở lại.
"Việc không ăn sáng đối với tôi lâu dần cũng trở thành thói quen, thi thoảng đang làm việc tôi hay choáng đầu gần giống với tụt huyết áp, và mỗi khi đang chuẩn bị làm việc gì đó thì hay quên. Nhưng chỉ cần nhai viên kẹo là tôi lại thấy có năng lượng hoạt động lại ngay" – chị Hải Âu giãi bày.
Đem câu chuyện của mình tâm sự với một đồng nghiệp, khi đó chị Hải Âu mới thấy rằng việc ăn sáng rất quan trọng. Bởi người đồng nghiệp của chị là người thường xuyên ăn sáng và không bao giờ xảy ra tình trạng mất trí nhớ tạm thời, lúc nào trong người cũng tràn đầy sinh lực làm việc.
Cũng từ đó, chị Hải Âu quan niệm rằng, việc ăn sáng đều đặn sẽ giúp cải thiện trí nhớ.
Liệu quan niệm của chị Hải Âu rút ra từ kinh nghiệm của bản thân có đúng hay không?
TS Từ Ngữ giải thích: Chuyện bị đãng trí rồi ăn vào giúp nhớ ra, tinh thần phấn chấn hơn là có thật; nhưng không phải vì ăn sáng mà trí nhớ được cải thiện.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định, bữa ăn sáng là bữa ăn trọng nhất trong ngày, chúng ta không nên bỏ qua nó. Nếu duy trì thói quen ăn sáng đầy đủ thì bữa sáng chính là bữa ăn cung cấp đáng kể lượng canxi, các vitamin thiết yếu và khoáng chất (vitamin A và vitamin C, kẽm và sắt) ở trẻ em và thanh thiếu niên. Do đó, bữa sáng của bạn nên có sữa và ngũ cốc.
TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng VN, chia sẻ quan điểm: "Tôi cho rằng quan niệm "ăn sáng đều đặn giúp cải thiện trí nhớ" là không đúng".
"Đúng là khi anh đói thì anh thiếu năng lượng, thiếu đường ở trên não để hoạt động. Cho nên lúc đó anh tạm thời quên, nhưng khi anh được cung cấp kịp thời lượng đường glucozo trở lại thì đầu óc và trí nhớ lại trở lại bình thường.
Như vậy, với trường hợp như kể trên, theo phân tích của chuyên gia, có thể do không được ăn sáng nên con người bị thiếu lượng glucose làm nguồn năng lượng hoạt động của não ở thời điểm đó (buổi sáng). Có thể thấy đây là trạng thái của tuyệt đại đa số mọi người.
Tuy vậy, ông cũng khuyến cáo chúng ta nên kiểm soát việc sử dụng glucose để làm nguồn năng lượng cho cơ thể. Bởi nếu quá lạm dụng thì rất có thể có nguy cơ bị ảnh hưởng từ quá trình glycation và oxy hóa của các gốc tự do do glucose tạo ra ở bất cứ mô nào trong cơ thể.
Về bữa s áng, thói quen ăn sáng theo giờ giấc cũng phần nào ảnh hưởng đến năng lượng cơ thể con người và tùy từng ngành nghề, không có thước đo chung. Ví dụ đối tượng công nhân 6h vào ca thì họ phải ăn vào 5h – 5h30; học sinh 7h có mặt ở trường thì 6h - 6h30 các cháu phải ăn còn bố mẹ thi ăn vào 7h - 7h30; còn những cán bộ bô về hưu thì có thể ăn sáng vào 8h...
Nhưng tuyệt đối không nên ăn sáng muộn đến 10h vì quá gần bữa ăn trưa, như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe - TS Từ Ngữ nhấn mạnh.