Ngày 30/3, ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng đoàn công tác đã vào thị sát hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn (giáp ranh giữa xã Jơ Ngây và xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).
Có mặt tại hiện trường, ông Lê Trí Thanh cho biết mức độ tàn phá rừng tại huyện Đông Giang quy mô cũng không lớn nhưng mức độ phá rừng khá nghiêm trọng.
“Cứ mỗi lần nhìn những cây rừng như thế này ngã xuống, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống. Chính quyền, nhân dân và tất cả các lực lượng đã nỗ lực hết sức để bảo vệ rừng, tuy nhiên trong công tác phối hợp bảo vệ rừng còn khó.
Do tỉnh Quảng Nam có diện tích rừng lớn thứ 2 cả nước, nên áp lực lên bảo vệ rừng lớn hơn” - ông Thanh nói.
Tại buổi làm việc sau đó với 2 huyện Đông Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) và các ngành chức năng liên quan, ông Thanh đã công bố địa chỉ email cá nhân: [email protected] nhằm kêu gọi các cơ quan báo chí, quần chúng người dân tích cực tố giác các hành vi xâm hại rừng cũng như hiến kế trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Đông Giang, khu vực xảy ra phá rừng thuộc khoảnh 8,9,10,11 Tiểu khu 41 xã Tà Lu; khoảnh 1,3 thuộc Tiểu khu 140 xã Za Hung (huyện Đông Giang).
Hiện trường có 33 gốc cây bị chặt hạ, ước tính khoảng 45,6 m3 thuộc nhóm III đến nhóm V. Một số gỗ đã chuyển ra khỏi hiện trường, còn lại 5 lóng gỗ và một cây gỗ chưa cưa xẻ khoảng 11m3; 8 phách gỗ xẻ với khối lượng khoảng 2,3m3.
Ngoài vụ phá rừng trên, Công an huyện huyện Nam Giang cho biết, đơn vị vừa triệt phá thành công chuyên án hủy hoại rừng, bắt giữ 7 đối tượng xảy ra tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 giáp ranh giữa 3 xã Zuôich, Tà Pơơ (huyện Nam Giang) và xã Lăng (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).
Theo thông tin bước đầu, các lực lượng chức năng phát hiện tại khoảng 1 và 3 Tiểu khu 355 (thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang) xảy ra vụ phá rừng với số gỗ tự nhiên bị đốn hạ là 34 cây, trong đó gỗ lim 33 cây, xoan đào 1 cây, tổng khối lượng gỗ bị chặt hạ tại hiện trường là hơn 235m3 gỗ tròn (gỗ lim hơn 223m3, xoan đào 12m3).