Phó Chủ tịch QH: 'Phải thông qua Luật Hình sự vào kỳ họp thứ 3'

Hoàng Đan |

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật Hình sự là Bộ Luật lớn liên quan trực tiếp quyền con người của công dân nên phải làm rất kĩ, thận trọng, đảm bảo tốt nhất.

Cần tăng hình phạt với tội phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm

Tại phiên thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã có rất nhiều các đại biểu Quốc hội phát biểu và tranh luận về các điều có liên quan.

Liên quan tới quy định xử lý hình sự trẻ em độ tuổi 14-16 tuổi, đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Nghệ An) cho rằng, ở độ tuổi này trẻ chưa đủ chín, chưa đủ khôn để quyết định hành vi của mình.

"Chúng ta nói trẻ phạm tội đã đến mức báo động nhưng khi nói đến vấn đề nhân văn, tôi không ủng hộ việc răn đe trẻ bằng cách đẩy trẻ vào con đường chịu trách nhiệm hình sự", đại biểu Hoa nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, không xử lý hình sự với người dưới 14-16 tuổi, chỉ trừ một số tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. 

"Biện pháp quan trọng nhất là cần tăng cường giáo dục cho người chưa thành niên trong quá trình các em hoàn thiện thể chất và tinh thần", ông Tám nói.

Phó Chủ tịch QH: Phải thông qua Luật Hình sự vào kỳ họp thứ 3 - Ảnh 1.

ĐBQH Tô Văn Tám nêu ký kiến. Ảnh: Quochoi.vn.

Trong khi đó, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) lại đặc biệt quan tâm tới nhóm tội phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Giang, vấn đề thực phẩm bẩn gây bức xúc toàn xã hội. Hành vi vi phạm trong lĩnh vực này nguy hiểm, xâm phạm tới tính mạng và sức khỏe của người nhiều người, mà sức khỏe là vô giá không thể mua được bằng tiền. 

"Hành vi trong lĩnh vực này còn ảnh hưởng tới thể chất, trí tuệ của người Việt Nam nên chúng ta cần phải tuyên chiến với nó, tăng hình phạt tù lên chung thân, thậm chí tử hình với tội này, chứ hiện nay dự thảo mới đề xuất mức phạt tù cao nhất 20 năm thôi", ông Giang nêu ý kiến.

Trước đó, đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) nêu góp ý vào Điều 317 về tội Vi phạm quy định an toàn thực phẩm, Khoản 4, nếu làm chết 3 người phạt từ 12-20 năm tù.

Theo bà Bình, giả sử 1 nhà máy dùng chất cấm trong thực phẩm làm hàng trăm, hàng ngàn người bị chết thì truy cứu trách nhiệm như thế nào?

"Sự việc này đã xảy ra trong thập niên đầu của thế kỷ 21 và có thể xảy ra tại Việt Nam nhất là khi vấn đề an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề nhức nhối như hiện nay, nếu phạt vậy có công bằng với các tội khác có đủ sức răn đe không? Có thể đề xuất khung hình phạt chung thân, tử hình như một số nước áp dụng", bà Bình đề xuất.

Báo cáo giải trình sau các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu tại Hội trường vào chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đã có 49 đại biểu nêu ý kiến phát biểu tranh luận.

Các ý kiến đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ vào 140 điều, trong đó, có 40 điều ở phần chung và 100 điều ở phần các tội phạm.

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ để có phương án tiếp thu, giải trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ và báo cáo thêm để đại biểu có dư địa rộng hơn, toàn diện hơn để xem xét quyết định đạo luật hết sức quan trọng này", Bộ trưởng Long nói.

Về phạm vi sửa đổi, Bộ trưởng nhấn mạnh, buộc phải sửa Bộ Luật này khi chưa có hiệu lực, vì phát hiện một số sai sót.

"Sai sót "kỹ thuật" từ đó dẫn đến nội dung. Đại biểu nói Bộ Luật quan trọng, nên dấu chấm, dấu phẩy không đúng hậu quả cũng khôn lường. Kỹ thuật đến đâu và kỹ thuật ảnh hưởng đến nội dung đến đâu xin phép được ghi nhận", Bộ trưởng nói.

Phải làm rất kỹ, thận trọng

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật Hình sự là Bộ Luật lớn liên quan trực tiếp quyền con người của công dân nên ĐBQH phải làm rất kỹ, thận trọng, đảm bảo tốt nhất.

"Rất nhiều ĐBQH đã phát biểu đề nghị cần xem xét trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 3, tuy nhiên có ý kiến nói cứ làm, khi nào tốt thì trình.

Nhưng phải xác định mốc thời gian, không thể kéo dài mãi được vì đây là sửa đổi bổ sung những điều có thể sai sót của Bộ Luật Hình sự 2015 rồi liên quan đến Luật Tố tụng hình sự, điều tra hình sự, luật tạm giữ, tạm giam nên phải thông qua trong kỳ họp 3", ông Lưu nói.

Theo ông Lưu, về vấn đề cách làm, tiếp thu ý kiến, đề nghị Quốc hội giao cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, rồi cơ quan Tư pháp Trung ương, cơ quan hữu quan, nghiên cứu đầy đủ ý kiến các đại biểu tại hội trường và tại tổ để tiếp thu, chỉnh lý, xây dựng lại dự án luật này.

"Đề nghị các cơ quan tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề có mời chuyên gia, các nhà khoa học để tham gia vào từng nội dung sâu có tính chất chuyên sâu từng điều luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để sớm cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội kỳ họp thứ 3, phải lấy ý kiến các cơ quan, các địa phương, các đoàn thể nữa để cố gắng lấy tối đa để đảm bảo chất lượng bộ luật này", ông Lưu nêu rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại