Tại Việt Nam ung thư gan đứng ở vị trí số 1 tỷ lệ mắc mới và tử vong, các bệnh lý về gan cũng đều đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân của tình trạng này có liên quan đến viêm gan virus, chế độ ăn uống, lối sống kém lành mạnh. Các yếu tố này đều khiến lá gan bị hao mòn lúc nào không hay biết.
Thức ăn đường phố
PGS.TS. BS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho hay, ăn uống đúng cách có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ lá gan khoẻ mạnh. Gan là tạng lớn nhất của cơ thể giữ chức năng đảm nhận các phản ứng sinh hoá, lọc chất độc.
Ngày nay, với lối sống hiện đại, năng động, cách ăn của giới trẻ cũng có nhiều sự thay đổi. Người trẻ thích ăn thức ăn đường phố nhiều hơn. Các loại thức ăn đường phố thường là những món ăn giàu năng lượng, chất béo được chế biến bằng phương pháp chiên, rán, nướng. Bên cạnh, đó các món ăn đường phố thường khó kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khoẻ, trong đó có cả sức khỏe của lá gan.
Thức ăn đường phố (ảnh ST)
Theo PGS Trịnh Thị Ngọc, cách bảo vệ lá gan tốt nhất là hạn chế ăn thức ăn đường phố. Thay vào đó nên ăn các bữa ăn lành mạnh tại nhà, chế biến bằng phương pháp luộc, hấp, chú trọng bổ sung thêm rau xanh.
Ăn quá nhiều thịt
Theo Kết quả khảo sát được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng quốc gia trong năm 2019-2020, người Việt cũng có xu hướng ăn thịt nhiều hơn.
Hiện, trung bình mỗi ngày một người ăn 136,4g thịt, trong khi năm 2010 mức tiêu thụ chỉ là 84g. Đặc biệt, người dân ở thành phố ăn thịt ở mức khoảng 155,3g thịt/người/ngày.
Theo nhu cầu khuyến nghị dành cho người Việt Nam, số lượng protein/ngày ở nhóm 19-30 tuổi, với nam giới là 68-74g, còn với nữ giới là 60-63g. Tỉ lệ giữa protein động vật/protein tổng số là từ 30-35%. Tỉ lệ giữa lipid động vật/lipid tổng số không nên vượt quá 60%. So với mức khuyến nghị này, lượng thịt mà người Việt sử dụng đang cao hơn gần gấp đôi.
Ăn nhiều thịt gây hại cho gan (ảnh ST)
PGS Trịnh Thị Ngọc cho rằng: “Hiện nay người trẻ đang ăn quá nhiều thịt. Ăn thịt gây ra gánh nặng cho đường tiêu hoá, gan và thận. Việc ăn thịt, đặc biệt là các loại thịt chiên, rán sẽ làm gia tăng nguy cơ tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ”.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, ăn nhiều thịt cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như: đái tháo đường, tim mạch, huyết áp…
Gỏi, rau sống
Theo PGS Trịnh Thị Ngọc, người Việt thường có thói quen ăn các loại gỏi cá, tôm, rau sống. Tại một số địa phương, vào mùa hè, mọi người thích ăn gỏi cá vì nghĩ rằng sẽ mát. Tuy nhiên, thói quen ăn gỏi các loại cá nước ngọt, rau sống trồng dưới nước có thể làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng (sán lá gan). Sán lá gan khi vào cơ thể ký sinh tại mô gan (sán lá gan lớn) hoặc đường mật (sán lá gan nhỏ) gây ra những tổn thương cho gan.
Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Ngọc cũng đã gặp không ít trường hợp bị nhiễm sán lá gan do ăn rau sống.
Gỏi cá (ảnh ST)
Chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế việc ăn các món ăn sống, chế biến từ cá nước ngọt, rau sống để giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Tuyệt đối không ăn ngũ cốc mốc chứa nấm gây độc cho gan.
Bên cạnh thói quen ăn uống, PGS Ngọc cũng khuyên người dân nên hạn chế uống rượu, bia. Vì rượu, bia có thể tàn phá gan một cách nhanh chóng. Lạm dụng rượu, bia sẽ gây ra những bệnh lý về gan, xơ gan thậm chí ung thư gan.
Ngoài ra, những người đã có bệnh lý về gan, viêm gan virus nên đi khám định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người khoẻ mạnh nên 6 tháng đi khám một lần, bởi siêu âm gan là cách đơn giản để giúp phát hiện sớm các bệnh lý về gan.