Sau khi kết thúc cuộc họp báo tại Bộ GTVT, ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên các cơ quan báo chí xung quanh những vấn đề xảy ra ở trạm BOT trong thời gian qua.
Theo ông Hào, sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường tránh đã góp phần giúp người dân đi lại thuận tiện hơn và giúp cho Cai Lậy từ thị trấn lên thị xã.
"Trên cơ sở đề nghị của tỉnh Tiền Giang và người dân thì Bộ GTVT đã phê duyệt làm tuyến đường. Sau khi có quyết định phê duyệt, công bố dự án thì chúng tôi vào tham gia xem có khả thi, làm được hay không?
Khi thấy khả thi và tổ chức tín dụng vào thẩm định cũng đánh giá khả thi về quy mô đường, tổng mức đầu tư, vị trí đặt trạm thu phí, chấp nhận cho vay vốn thì chúng tôi thực hiện", ông Hào nói.
Ông cũng nhấn mạnh, trước khi đặt trạm thu phí ở vị trí đó thì Bộ GTVT đã lấy ý kiến các cơ quan có liên quan, ý kiến của địa phương và trên cơ sở phương án tài chính thì đặt ở đó mới có khả năng hoàn vốn.
"Chúng tôi vào tiếp xúc với dự án này trên cơ sở đó chúng tôi mới dám làm và ngân hàng trên cơ sở tính toán lưu lượng phương tiện qua lại, khả năng thu hồi vốn thì mới dám cho vay vốn.
Bây giờ xảy ra như thế này thì chúng tôi không biết nói gì, chỉ trông chờ vào Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước giải quyết hài hòa lợi ích.
Người dân có bức xúc của người dân và chúng tôi chia sẻ điều đó. Nhưng chúng tôi cũng là người dân, doanh nghiệp, có bức xúc của chúng tôi.
Chúng tôi đầu tư, thực hiện theo đúng hợp đồng BOT nhưng làm xong rồi lại xảy ra thế này.
Còn thực sự chúng tôi đang phải chịu áp lực rất lớn của bên cho vay vốn, khi mà đến hạn phải trả, đặc biệt là lãi. Vốn gốc chưa trả được nhưng lãi phải trả ngay, trung bình mỗi tháng giờ chúng tôi phải trả xấp xỉ 10 tỷ đồng", ông Hào nêu rõ.
Thưa ông, sau những vấn đề vừa qua thì liệu có khả năng di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy hiện tại ra vị trí khác không?
Ông Lưu Văn Hào: Chúng tôi chẳng bao giờ muốn di dời trạm thu phí vì nó sai tất cả với các phương án, kế hoạch ban đầu trước khi quyết định đầu tư. Còn bây giờ chỉ trông chờ vào Bộ GTVT, các cơ quan Nhà nước để giải quyết, làm sao đáp ứng được yêu cầu.
Còn không trên cơ sở hợp đồng, Nhà nước, tỉnh Tiền Giang có tiền thì thu xếp trả lại cho chúng tôi và để người dân tháo trạm đi.
Khi lấy lại được tiền rồi thì chúng tôi đi làm việc khác còn kinh doanh mà kiểu như thế này thì chết.
Bây giờ, nếu người dân tiếp tục phản đối, Bộ GTVT thúc ép doanh nghiệp phải di dời trạm BOT thì liệu doanh nghiệp có tính đến phương án kiện các cơ quan chức năng về việc phá hợp đồng không?
Ông Lưu Văn Hào: Việc kiện tụng là không mong muốn và chúng tôi cũng chưa tính đến. Bởi chúng tôi là doanh nghiệp đi làm ăn nên bao giờ cũng muốn đầu tiên phải thương thảo cho có tình, có lý đã, sau đó mới đến phương án cực chẳng đã mới làm.
Trong dự án này, chúng tôi chỉ có hơn 16% vốn còn tổ chức tín dụng cho vay hơn 83% nên mình phải kết hợp với họ để giải quyết như thế nào bởi cái họ bỏ ra lớn hơn mình rất nhiều nên việc đó, chúng tôi chưa nói được hôm nay.
Cuối cùng chỉ mong muốn thế nào giải quyết cho phù hợp nhất còn không được thì giải quyết theo hợp đồng, ở các điều khoản là bồi thường, mua lại...
Trong những ngày qua, cá nhân ông là lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy thê nào?
Ông Lưu Văn Hào: Thực sự những ngày qua, chúng tôi rất đau đầu và nhiều cuộc điện thoại gọi đến cũng chỉ để hỏi một câu duy nhất về trạm thu phí BOT này. Chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng có sự giải quyết phù hợp nhất.