img

Trần Thị Quỳnh Ngọc trở thành Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường khi mới ở tuổi 20. Vì sao một cô gái còn rất trẻ, yêu thích nghệ thuật và hoạt động xã hội quyết định lao vào cùng mẹ gánh vác công việc của tập đoàn bất động sản thuộc hàng lớn nhất Việt Nam?

Trước khi được chọn để theo nghiệp kinh doanh này, tôi cũng có thắc mắc hỏi bố rằng: Kinh doanh khô khan quá! Con thích cái gì nghệ thuật hơn. Nếu chọn, con sẽ làm các hoạt động xã hội như giáo dục, văn hóa mang lại giá trị cho cộng đồng nhiều hơn là làm kinh doanh. Nó khốc liệt quá!

Bố tôi nói với con gái: "Kinh doanh cũng là một loại nghệ thuật và quản trị được một doanh nghiệp như Nam Cường là nghệ thuật đỉnh cao". Vì câu nói đó mà suốt cả cuộc đời này tôi sẽ đi tìm câu trả lời.

Phó chủ tịch 9x của Tập  đoàn Nam Cường: “Đất cũng có linh hồn nên mình không thể làm gì hồ đồ với đất được” - Ảnh 1.

Khi còn sống, bố tôi có thể kể rất nhiều điều về mình nhưng ông là một người đặc biệt - không bao giờ nói về mình cả. Ông chỉ làm thôi. Tác phong cũng rất mộc mạc, có lẽ do ông xuất thân là nông dân và cái mộc mạc đó đã ăn vào máu, trở thành cái gen, và điều đó cũng được truyền lại cho con cái.

Về sau này, khi bố mất rồi, lúc tôi 19 tuổi, tôi mới nhận ra có những bài học không lời nhưng vô giá. Những thứ của cha mẹ để lại cho con cái là cái phúc, cái đức, là uy tín mà tôi và Nam Cường được hưởng ngày hôm nay.

Khi bố tôi ở tuổi 50, trong mình mang bệnh nặng, mẹ con tôi hay hỏi: Sao bố không làm bớt đi để dành thời gian bên gia đình nhiều hơn, bố cũng đâu cần thêm tiền nữa? Bố nói là đôi khi người chọn nghề, đôi khi là nghề chọn người. Công việc của bố bây giờ không còn mục đích là để kiếm tiền nữa, nếu dừng lại các con ăn cả đời vẫn không hết; nhưng bố nghĩ là bố cần làm điều gì đó để đời, cho xã hội.

Phó chủ tịch 9x của Tập  đoàn Nam Cường: “Đất cũng có linh hồn nên mình không thể làm gì hồ đồ với đất được” - Ảnh 2.

Ý tưởng đó đã ăn vào máu của bố, và làm một cô gái trẻ như tôi phải nghĩ rằng: Đó là con đường mà mình cần bước tiếp.

Dù không có điều kiện để học tập bài bản nhưng trong thâm tâm bố tôi luôn muốn làm điều gì đó bền vững, để đời. Ông nói làm ra tiền thì dễ, ai cũng làm được, nhưng làm điều gì đó có ích để sau này mình còn hay mất người ta vẫn ngợi khen thì mới có ý nghĩa. Đó là lý tưởng sống của bố tôi. Ông đã làm, sống và đam mê đến mức không dừng lại được. Ông như một ngọn đuốc tự đốt cháy mình trong công việc, trong cuộc sống, luôn hết mình, và không nghĩ cho bản thân.

Kể từ ngày bố tôi mất, chúng tôi đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất với những lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Hai mẹ con chúng tôi với sự ủng hộ của đội ngũ cán bộ nhân viên miệt mài quên ngày tháng cũng dần vượt qua những sóng gió.  Một doanh nghiệp phát triển 30 năm dựa vào tố chất cá nhân của bố tôi – người đã mất, đã vượt qua cơn khủng hoảng kép của cả bất động sản đóng băng và khủng hoảng tài chính kinh tế trong nước giai đoạn 2008. Đối với chúng tôi, đó là một kỳ tích.

Phó chủ tịch 9x của Tập  đoàn Nam Cường: “Đất cũng có linh hồn nên mình không thể làm gì hồ đồ với đất được” - Ảnh 3.
Phó chủ tịch 9x của Tập  đoàn Nam Cường: “Đất cũng có linh hồn nên mình không thể làm gì hồ đồ với đất được” - Ảnh 4.

Người ta cứ hỏi là tại sao chủ tịch (bà Lê Thị Thuý Ngà – Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường) lại chọn chồng xấu thế? Mẹ tôi nói là lúc bấy giờ không biết là xấu hay đẹp, chỉ biết là gặp người này chân chất thì nghĩ đó là tình yêu. Đó cũng là một điều tự hào của gia đình tôi.

Lại có người khác hỏi, ngày xưa chị có biết là sau này anh ấy giàu thế không? Sao chị lại lấy anh ấy? Mẹ tôi trả lời là cũng do mắt nhìn nữa. Lúc đó chỉ thấy một tảng đá lớn thôi, lúc bê về bổ ra bên trong lại có ngọc chứ không phải tự nhiên thấy ngọc sẵn ở ven đường.

Tôi nhận ra rằng những thứ thô ráp, mộc mạc bên ngoài có thể ẩn chứa những điều rất tốt đẹp ở bên trong. Cũng vì thế, tôi không muốn làm cái gì dễ và giống mọi người.

Phó chủ tịch 9x của Tập  đoàn Nam Cường: “Đất cũng có linh hồn nên mình không thể làm gì hồ đồ với đất được” - Ảnh 5.

Bố nói với tôi: "Con ạ, hãy chọn thứ ngon nhất mà ăn, chọn thứ đẹp nhất mà mặc, chọn nơi đẹp nhất mà trải nghiệm, nhưng hãy chọn con đường khó nhất mà đi". Đó là cách giáo dục mà bố - một người không được đào tạo bài bản- đã truyền lại cho tôi: đặt giá trị tận hưởng bên cạnh giá trị của lao động.

Thế hệ F1 của Nam Cường là tay trắng làm nên, còn F2 như chúng tôi thì được đào tạo bài bản hơn nhưng điều đó cũng cũng không hẳn là thế mạnh riêng vì giờ tất cả mọi người đều được đào tạo như thế.

Phó chủ tịch 9x của Tập  đoàn Nam Cường: “Đất cũng có linh hồn nên mình không thể làm gì hồ đồ với đất được” - Ảnh 6.

Tuy nhiên, tôi thấy rất may mắn khi được trao cơ hội đi học tập, tu nghiệp ở Anh 8 năm. Trong 8 năm ấy, tôi luôn biết ơn cha mẹ đã định hướng và chọn môi trường ở Anh chứ không phải một nước khác. Môi trường đó giúp tôi nhận ra, một quốc gia phát triển hơn nước mình cả trăm năm, họ đã xây dựng được một nền tảng vững chắc nhưng vẫn để lại nhiều thứ bền vững cho đời sau, phát triển công nghiệp hóa nhưng vẫn duy trì, bảo tồn được thiên nhiên.

Ở trường, nghiên cứu chuyên ngành Địa lý Kinh tế cho tôi cái nhìn tổng thể về địa chất, địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế, địa lý chính trị… với tư duy về nền tảng và phát triển bền vững.

Khi về nước, tôi luôn trăn trở là đến bao giờ Việt Nam mình mới làm được những điều như họ? Đến bao giờ mình phát triển mà vẫn bảo tồn được thiên nhiên? Làm thế nào để đặt hai chữ bền vững trong bối cảnh phát triển bất động sản như hiện nay?

Thực tế thì chữ bền vững trong phát triển bất động sản làm rất khó và có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Và theo đúng phong cách mà bố tôi để lại, tôi chọn con đường khó nhất để đi và quyết tâm tìm lời giải đáp, để đi đến cùng.

Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên: "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Tôi tin điều đấy. Đất cũng có linh hồn, và mình không thể làm điều gì hồ đồ với đất được.

Phó chủ tịch 9x của Tập  đoàn Nam Cường: “Đất cũng có linh hồn nên mình không thể làm gì hồ đồ với đất được” - Ảnh 7.

Nam Cường định vị mình là nhà phát triển và đầu tư bất động sản tận tâm. Tôi xin lưu ý là nhà phát triển bất động sản khác với nhà đầu tư bất động sản thông thường. Các dự án mà chúng tôi theo đuổi có đặc thù đòi hỏi sự phát triển dài hạn hơn dự án thông thường rất nhiều. 

Chúng tôi sẽ phải có trách nhiệm về nơi ở cho tương lai của nhiều thế hệ. Điều này khác với việc ngày hôm nay bán trên giấy, ngày mai bỏ đi và khách hàng kêu trời với sản phẩm mà họ nhận bàn giao nhưng không biết sau này ai sẽ chăm sóc và gìn giữ sự phát triển bền vững ở đó.

Là nhà phát triển chúng tôi thấy trên thị trường có 10 sản phẩm thì 8 cái đang nói về eco, garden rồi green. Tôi mừng và thấy rất vui vì canh tranh là đòn bẩy cần thiết để tạo ra sự tiến hóa, làm cho khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Khách hàng khắt khe hơn thì mới có áp lực khiến chủ đầu tư phải đổi mới nhanh và mạnh hơn.

Phó chủ tịch 9x của Tập  đoàn Nam Cường: “Đất cũng có linh hồn nên mình không thể làm gì hồ đồ với đất được” - Ảnh 8.

Vậy con đường của mình ở đâu? Chúng tôi đang định vị Nam Cường gắn liền với bền vững. Bền vững bằng uy tín, bằng cam kết song hành với khách hàng từ đầu đến cuối, bền vững trong cách tư duy về quy hoạch đô thị. Phát triển sản phẩm bất động sản bền vững đòi hỏi phải dài hơi, đặt con người vào trung tâm, có nhiều đánh đổi và trong đó Nam Cường sẽ chấp nhận thiệt đi về lợi nhuận.

Chúng tôi sẵn sàng làm điều đó để mang lại những giá trị mà mình theo đuổi. Đó cũng là một niềm tự hào nữa được dựa trên nền tảng tài chính minh bạch, có di sản của một nhà phát triển bất động sản đã tạo dựng được vị thế trên thị trường. Đó cũng là sự khác biệt của Nam Cường, sự tận tâm và tự tin là mình sẽ vững bước trên con đường riêng, không cạnh tranh với ai cả.

Phó chủ tịch 9x của Tập  đoàn Nam Cường: “Đất cũng có linh hồn nên mình không thể làm gì hồ đồ với đất được” - Ảnh 9.

Hiện nay, hầu hết mọi người đều muốn leo lên đỉnh tháp nhu cầu của Maslow để khẳng định bản thân khi hướng vào đẳng cấp, sang chảnh... quy mô rất lớn, những sản phẩm cao cấp được định vị bằng giá tiền, tiện ích và sự xa xỉ. Còn Nam Cường - bằng những trải nghiệm sau rất nhiều sóng gió để trụ vững tới ngày hôm nay lại nhận thấy rằng, khi đã qua mọi thứ trong cuộc sống thì người ta mới nhận ra bình an là thứ quan trọng nhất.

Khi bỏ tiền đầu tư vào một tài sản mà mình chắt chiu cả đời cho bản thân và con cái, người ta phải có niềm tin, phải thấy an tâm trước đã. An tâm là cái đất đó tốt, an tâm là chủ đầu tư tận tâm, an tâm là nơi đó an toàn. Ở đó trẻ con có thể an tâm chạy nhảy, vui đùa với chân trần trên đất.

Phó chủ tịch 9x của Tập  đoàn Nam Cường: “Đất cũng có linh hồn nên mình không thể làm gì hồ đồ với đất được” - Ảnh 10.

Tôi là một người mẹ, Chủ tịch Nam Cường là một người bà; chúng tôi hiểu giá trị của việc trẻ con được chạy nhảy chân trần trên đất. Chúng tôi hiểu những điều mà trẻ con thành phố phải đánh đổi so với thú vui của trẻ con ở nông thôn... Đó là hệ quả của đô thị hóa không bền vững.

Với quy mô hoạt động hiện nay của Tập đoàn cho chúng tôi cơ hội hiện thực hóa khát vọng làm một điều gì đó thay đổi, làm nên một quần thể để những ai tin vào sự phát triển bền vững có thể đến ở cùng. Chúng tôi đưa mọi thứ về chân tháp Maslow, về những điều cơ bản như trẻ con có thể chạy thoải mái với chân trần trên đất.

Sản phẩm của chúng tôi cao cấp không tính bằng giá tiền mà ở gói giá trị sống. Chúng tôi sẽ tiên phong về giải pháp sống, lối sống. Phụ nữ không nhất thiết là phái yếu, chúng tôi có bản năng rất mạnh mẽ và niềm tự tôn của phụ nữ. Chỉ có chúng tôi mới hiểu gia đình cần như thế nào để hạnh phúc. Từ sự thấu hiểu đó, tôi nghĩ rằng nhà của Nam Cường phải là tổ ấm. Đó là tâm huyết và ước mơ nho nhỏ của tôi.

Nếu người khác là xanh, sôi nổi, xa hoa…. thì Nam Cường chỉ chân chất, mộc mạc thôi. Và đó cũng là cái tôi muốn theo đuổi mỗi ngày để nhớ về người cha nông dân của mình: Làm gì cũng làm thật, làm gì cũng làm rất chân chất và Nam Cường chỉ là An lành thôi.

Hoàng Ly
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ08/03/2018