3 ổ gà trên quốc lộ 1, nơi xảy ra vụ tai nạn làm ông H.M.P., Phó chủ nhiệm UBKT Thị ủy Đông Hòa tử vong. (Ảnh: KHẮC TRẦN)
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thị ủy (UBKT) Đông Hòa tử vong nghi do xe sụp hố ga chết liệu có bất khả kháng?
Sáng 14/11, Thượng tá Trần Khắc Quang - Trưởng Công an thị xã Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) cho biết đơn vị vẫn đang tiếp tục điều tra để kết luận nguyên nhân vụ tai nạn giao thông khiến ông H.M.P. (44 tuổi, Phó chủ nhiệm UBKT Thị ủy Đông Hòa) tử vong.
Thông tin từ Công an thị xã Đông Hòa cho biết, khoảng 20h50 ngày 12/11, ông P. đi xe máy trên quốc lộ 1 theo hướng Bắc - Nam, đến đoạn qua khu phố 2 (phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa) thì gặp tai nạn, bị thương nặng và qua đời khi đang được cấp cứu.
Theo công an, có 3 ổ gà nằm về phía bắc vị trí ngã của xe máy do ông P. cầm lái khoảng 30m, xe máy của ông không có dấu hiệu tác động của ngoại lực.
"Nguyên nhân vụ tai nạn đang được khẩn trương điều tra để kết luận, bước đầu nghi do xe nạn nhân bị sụp các ổ gà trên đoạn quốc lộ này", Thượng tá Quang cho hay.
Trao đổi với PV Infonet, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Tai nạn giao thông là một trong những tình trạng xảy ra thường xuyên ở hầu hết các địa phương trên cả nước.
Bên cạnh những tai nạn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan thì cũng không ít những tai nạn do khách quan mang lại. Nhìn vào thực tế có thể thấy, hệ thống giao thông trên 64 tỉnh, thành khá phức tạp; mỗi tuyến đường có chất lượng và tuổi thọ khác nhau, cần phải được sự quản lý, kiểm tra giám sát thường xuyên, chặt chẽ của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Để xảy ra tai nạn chết người do ổ gà trên quốc lộ 1 thì trách nhiệm thuộc về ai? Trước hết cần phải điều tra làm rõ nguyên nhân của tai nạn xảy ra.
Luật sư Hoàng Tùng trao đổi với PV Infonet về vụ việc.
Theo Luật giao thông đường bộ 2008, đường giao thông của từng địa phương thuộc quyền quản lý của Sở Giao thông Vận tải địa phương đó. Đây là cơ quan có trách nhiệm quản lý, giám sát, sửa chữa đường giao thông. “Ổ gà, ổ voi” đều phải do cơ quan này phát hiện và khắc phục.
Nếu như nguyên nhân xảy ra tai nạn do đơn vị thực hiện thi công, sửa chữa không đảm bảo thực hiện thi công nhanh chóng khi phát hiện lỗi “ổ gà, ổ voi” và bảo đảm các biện pháp cảnh báo an toàn trong quá trình nhận thực hiện thi công, sửa chữa công trình thì Sở Giao thông Vận tải của địa phương đó sẽ có trách nhiệm bồi thường theo khoản 1 điều 584 Bộ luật Dân sự, người có trách nhiệm có thể sẽ phải chịu mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo Điều 281 Bộ luật Hình sự về tội ''Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông''.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự cũng nói rằng, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Như vậy, nếu rơi vào trường hợp bất khả kháng theo khoản 2 điều 584 nêu trên, Sở Giao thông Vận tải sẽ không phải bồi thường. Đó là trường hợp tai nạn do sự kiện bất khả kháng gây ra''.
Luật sư lý giải thêm: ''Nếu do thiên tai, bão lũ bất ngờ, dù Sở Giao thông đã cố gắng cảnh báo, sửa chữa nhưng do nhiều hạn chế khách quan mà không thể đảm bảo an toàn gây ra tai nạn thì Sở Giao thông sẽ không phải bồi thường.
Để đi được tới kết luận, ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm cụ thể như thế nào, trước hết việc cần làm đầu tiên là điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Nếu nguyên nhân nằm ở sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước thì cần xử lý nghiêm để làm bài học cho sự tắc trách này, bởi việc xảy ra tai nạn giao thông do sự xuống cấp của các công trình giao thông đã xảy ra rất nhiều từ trước tới nay''.
Phó chủ nhiệm UBKT Thị ủy tử vong có phải trách nhiệm thuộc Bộ Giao thông vận tải?
Cùng trao đổi về vụ việc này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật phân tích: ''Bảo trì đường bộ là thực hiện các công việc bảo dưỡng và sửa chữa đường bộ nhằm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của đường đang khai thác.
Đường bộ đưa vào khai thác phải được quản lý, bảo trì với các nội dung sau đây: Theo dõi tình trạng công trình đường bộ; tổ chức giao thông; kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất''.
Mặt đường quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên hư hỏng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. (Ảnh: Báo Dân trí)
Nói về trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ Luật Giao thông đường bộ, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng: “Hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm. Còn hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm.
Việc quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước do chủ đầu tư tổ chức quản lý, bảo trì theo quy định.
Do đó, khi để xảy ra tai nạn trong quá trình sửa chữa, bảo trì hệ thống quốc lộ thì trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông vận tải.
Trong vụ tai nạn giao thông gây hậu quả chết người này, cơ quan điều tra cần phải khởi tố vụ án để điều tra.
Việc trên quốc lộ 1 có quá nhiều vị trí hư hỏng nhưng đơn vị sửa chữa đường hoặc cơ quan quản lý đường bộ không cảnh báo, không đảm bảo an toàn giao thông là có dấu hiệu vi phạm.
Đối với vụ việc này, công an nên sớm khởi tố vụ án để điều tra dấu hiệu về tội ''Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông'' hoặc tội ''Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định trong Bộ luật Hình sự''.
Luật sư Diệp Năng Bình trao đổi với PV Infonet về vụ việc.
Điều 281 Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lí công trình giao thông như sau: Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, dẫn đến hậu quả làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật. Không khắc phục kịp thời đối với công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông.
Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại mà chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa.
Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;
Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng.
Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đặt tín hiệu phòng vệ khi thi công, sửa chữa công trình giao thông. Không thu dọn, thanh thải biển hiệu phòng vệ, rào chắn, phương tiện, vật liệu khi thi công xong. Vi phạm quy định khác về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông.