Công ty cổ phần nước sạch sông Đà có trách nhiệm chính bảo vệ nguồn nước
Bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình đã có trao đổi với PV xung quanh vụ việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.
Theo ông Ninh, thông tin báo cáo của Công an tỉnh ông nắm được, đến nay, cơ quan công an vẫn đang tạm giữ hình sự đối với Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994, trú tại tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám là nghi phạm đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà.
"Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, làm rõ", ông Ninh nói.
Trước câu hỏi, mới có một xe tải dầu thải đã gây khủng hoảng rất lớn như vậy rồi và nếu không có biện pháp cụ thể bảo vệ nguồn nước thì sau này có thể không còn là dầu mà chất độc khác sẽ ra sao?
Trả lời câu hỏi, ông Ninh cho rằng, đây là vấn đề kiểm soát, bảo vệ nguồn nước vào, thuộc trách nhiệm của công ty.
"Hiện toàn bộ khu vực hồ, nhà máy... vào khoảng 16km2 và đây là cả một khu vực rất lớn nên cần kiểm soát thường xuyên.
Cần lắp camera để theo dõi, giám sát, bởi có đưa lực lượng công an ra giám sát cũng không thể nào có lực lượng lớn để theo dõi một khu vực rộng như vậy.
Do đó, công ty nước phải kiểm soát đầu vào. Trách nhiệm của công ty nước phải được nâng cao, tất cả nguyên liệu sản xuất cần được đảm bảo", ông Ninh nói.
Trong vụ việc sông Đà, theo thông tin Hà Nội cung cấp thì Công ty CP nước sạch sông Đà biết được việc xả dầu thải nhưng không báo cáo và với những hậu quả đã xảy ra, một số ý kiến ĐBQH, luật sư đặt vấn đề có thể xem xét xử lý hình sự đối với doanh nghiệp.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Ninh cho hay, hiện cơ quan điều tra đang làm, việc này phải do cơ quan điều tra xác định.
"Bây giờ đã khởi tố vụ án rồi nên phải do bên điều tra xác định chứ không thể nói hình sự hay không hình sự", ông Ninh nêu và nhấn mạnh, sự việc xảy ra mức độ nghiêm trọng như vậy thì phải xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm về sau để đảm bảo nguồn nước.
Về việc người dân có nên kiện doanh nghiệp cung cấp nước ra tòa sau vụ việc này không? Ông Ninh nêu quan điểm, ông chưa thấy có việc kiện và ở đây sẽ tùy theo mức độ, người dân thấy thế nào.
"Tuy nhiên, ở đây, công ty đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân trong việc cấp nước lại, xử lý đầu nguồn", ông nói thêm.
Trước một số thông tin cho rằng, nhà máy nước sông Đà đã báo cho chính quyền Hòa Bình về vụ xả trộm dầu thải nhưng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng địa phương chậm? Ông Ninh cho rằng, khi nhận được thông tin, cán bộ huyện tỉnh đi xác định ở các vị trí đó.
"Về sau, đơn vị có thuê Trung tâm ứng phó sự cố môi trường xử lý và dừng cung cấp nước. Tôi cũng gặp anh Tốn và nói rất băn khoăn, bởi trên tất cả thông số đều không có gì nên họ mới không dừng cấp nước nhưng như người dân phản ánh mùi khét ở nước rất ghê.
Chính tôi đến điểm bên ngoài nhà máy thấy mùi khét như cao su cháy và mùi rất khủng khiếp", ông Ninh nêu.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà có tiết kiệm lời xin lỗi?
Trong cuộc họp báo, đại diện của công ty nước sạch sông Đà chưa xin lỗi mà cho rằng, sau khi có kết luận cuối cùng sẽ xin lỗi, thậm chí, nói mình là nạn nhân chịu thiệt hại lớn... Phóng viên đã đề nghị ông Ninh nêu quan điểm về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi, ông Ninh nhấn mạnh: "Theo tôi, đã cung cấp nước sạch phải đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Khi chưa đảm bảo thì trước hết phải nhận trách nhiệm là người cung cấp nước cho người dân.
Bây giờ công ty nói thực chất một số số liệu vẫn đảm bảo nhưng người dân phản ánh nước đó có mùi khét thì mình phải chịu trách nhiệm".
Trước câu hỏi, cá nhân ông có thấy đại diện Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà tiết kiệm lời xin lỗi không? Ông Ninh cho rằng:
"Thực ra là do họ. Người đại diện ở cuộc họp báo ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty nói là người làm thuê còn tại Hòa Bình là Phó Giám đốc đến theo tôi dự đoán anh này khả năng, trách nhiệm chỉ đến mức độ vậy thôi".
Lãnh đạo Tỉnh ủy Hòa Bình thông tin thêm, hiện tỉnh đang có hướng đề nghị làm sao là nước mặt sông Đà thì họ phải lấy ở nước mặt sông Đà là chính.
"Họ phải bơm từ sông Đà lên và có bể chứa, sau đó, mới bơm lên lọc, chuyển về Hà Nội. Tuy nhiên, đây mới là hướng của tỉnh sẽ đề nghị", ông Ninh cho hay.