Phó bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang đã phát biểu ví von như trên tại Hội nghị sơ kết đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức với công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP.HCM sáng 3/1.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM: “Chúng ta sẽ đi ăn giỗ tối ngày khi người dân hài lòng cao như thế”. Ảnh: Hồ Văn
Theo ông Trần Lưu Quang, công tác đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức là thước đo hiệu quả trong công việc.Tuy nhiên, một số đơn vị báo cáo khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của cơ quan công quyền là trên 95%, con số này có đáng tin chưa?.
“Khi nghe báo cáo chắc tôi phải gãi đầu, tôi thì hói, tóc thưa mong các đồng chí đừng để tôi gãi đầu nữa, gãi mỗi ngày con gái tôi nó rầy. Theo báo cáo của các đồng chí, tỷ lệ hài lòng của người dân cao dữ lắm, có dám tin hay không?
Tôi không dám chê trách gì. Vì tôi không có thông tin nào để nói lại. Mong các đồng chí lưu ý, nếu người dân hài lòng trên 95% đúng như con số mà tôi được đọc thì anh em chúng ta sướng lắm, tối ngày chỉ đi ăn đám giỗ thôi, vì không có việc gì để làm”, ông Quang chia sẻ.
Theo ông Quang, con số này không đáng tin vì có thể khi đánh giá chỉ, chỉ đánh giá ở những việc dễ làm. Như ở bàn công chứng, người dân đóng tiền, còn cán bộ đóng dấu là xong, khi đó người dân nhấn nút xuất sắc cho vui vẻ.
Thêm nữa, danh sách khảo sát chọn sẵn, có khi chuẩn bị sẵn là những người mình áng chừng là họ ghi tốt cho mình, còn những người hay đi khiếu kiện không dám khảo sát, vì sợ bị chửi.
Ngoài ra, khi hỏi doanh nghiệp (DN) họ có nói thật hay không? Rủi nói thiệt không biết có chuyện gì xảy ra hay không? Biết ra sao ngày mai…cho nên DN họ cũng ngại, không muốn đụng chạm, cứ nói tốt.
“Có phải vậy không? Nếu vậy thì tôi còn rụng tóc dài dài”, lời ông Quang.
Theo ông Quang, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào TP muốn phát triển bền vững thì người dân và DN ngày qua ngày phải hài lòng hơn sự phục vụ của cán bộ dành cho họ.
Theo báo cáo của UBMTTQ TP.HCM, năm 2019, đã chọn 16 sở ngành, 24 quận huyện và UBND 105 phường, xã, thị trấn để khảo sát.
Các điều tra viên đã trực tiếp thực hiện tổng cộng 28.274 cuộc gọi và gặp trực tiếp 2.260 người dân.
Kết quả cho thấy người dân, DN thể hiện mức độ hài lòng của mình đối với thái độ của cán bộ, công chức trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công tại các sở, ngành, quận huyện TP đạt 80% trở lên, có quận, huyện và sở ngành đạt trên 95%.
Điều đáng nói, trong thủ tục hành chính công người dân đi lại để hoàn thành thủ tục ở 16 sở và các quận huyện trên địa bàn TP trung bình từ 2,1 đến 2,9 lần. Dẫn đầu là Sở LĐ-TB&XH có số lần đi lại trung bình trên 4 lần khi làm thủ tục hành chính.
Riêng ở cấp phường, xã có trường hợp dân phải đi lại 7 lần mới hoàn thành thủ tục hành chính.