Rating lẹt đẹt
Năm 2023 trôi qua với không nhiều dấu ấn đọng lại ở các bộ phim truyền hình giờ vàng . Hơn 10 bộ phim chiếu trên sóng đài truyền hình quốc gia trong đó có thể kể đến những cái tên như Gia đình mình vui bất thình lình , Nơi giấc mơ tìm về , Dưới bóng cây hạnh phúc, Chúng ta của 8 năm sau …
Tuy nhiên chưa phim nào đạt rating (tỷ suất người xem) quá 6%. Gia đình mình vui bất thình lình quy tụ dàn sao như NSND Lan Hương, Doãn Quốc Đam , Thanh Sơn, Khả Ngân ... nhưng mức rating cao nhất cũng chỉ đạt 4.6.
Gia đình mình vui bất thình lình quy tụ nhiều "sao" nhưng rating không cao.
Phim Nơi giấc mơ tìm về của đạo diễn Trịnh Lê Phong cũng không tạo hiệu ứng tốt, rating dao động từ 3-3.5%. Không ngại cưới, chỉ cần một lý do có Hoàng Thùy Linh đóng chính ghi nhận tỷ suất người xem khiêm tốn. Phim dài 30 tập, đang phát sóng tới tập 25 và nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Không ít người xem nhận định đây là bộ phim thất bại về nội dung và diễn xuất của nhân vật chính. Không ngại cưới, chỉ cần một lý do có mức rating thấp, thường duy trì ở mức dưới 4%.
Bức tranh chung của phim truyền hình trong năm 2023 càng ảm đạm nếu so sánh với những bộ phim từng làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ như Hương vị tình thân, Về nhà đi con , Người phán xử...
Về nhà đi con lập kỷ lục về số người xem trên sóng giờ vàng.
Báo cáo của Hệ thống đo lường định vị khán giả truyền hình Việt Nam cho thấy bộ phim Về nhà đi con (2019) đạt trung bình rating 14.1% tại thị trường Hà Nội. Tập có rating cao nhất đạt 21.68%.
Theo bảng giá quảng cáo của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam, với thời lượng quảng cáo khoảng 8 phút mỗi tập, đơn vị sản xuất phim thu về khoảng 1-1,5 tỷ đồng. Sau 85 tập, Về nhà đi con thu về 122,6 tỷ đồng tiền quảng cáo.
Thành tích đáng nể về doanh thu cùng câu chuyện xúc động về tình cảm gia đình giúp bộ phim oanh tạc nhiều giải thưởng, trong đó có giải Phim truyền hình ấn tượng nhất của VTV Awards 2019.
Trước Về nhà đi con , Người phán xử được xem là phim truyền hình Việt tạo ra nhiều hiệu ứng bất ngờ. T hị phần khán giả theo dõi bình quân mỗi lượt phát sóng của bộ phim này cũng lên đến con số 37.3%. Nghĩa là cứ 100 người xem truyền hình trong cùng khoảng thời gian phát sóng thì có hơn 37 khán giả đón xem bộ phim này.
Nhiều tranh cãi
Nhiều tình huống trên phim truyền hình cũng trở thành đề tài tranh luận trên mạng xã hội. Gần đây nhất, t ập 17 phim Chúng ta của 8 năm sau vừa lên sóng hôm 12/12 gây chú ý với c ảnh học sinh nữ đánh nhau trong giờ học.
Lan Nhi (Chu Diệp Anh) và Khánh Chi - học sinh của Nguyệt ( Quỳnh Kool ) - có thái độ không đúng mực ngay trong giờ học. Đây không phải lần đầu Lan Nhi thách thức, cãi lại giáo viên. Nguyệt (Quỳnh Kool) vì ngăn cản học sinh đánh nhau mà bị ngất xỉu. Phân đoạn bị chê phi thực tế và phản giáo dục.
Gia đình mình vui bất thình lình cũng mất điểm với người xem vì loạt tình tiết thừa thãi, bi kịch hóa như: cả tập phim xoay quanh việc nhân vật đi ăn nhưng quên trả tiền, để nhân vật bị sảy thai liên tiếp, mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối...
Cách xây dựng nhân vật chính cũng là yếu tố làm nên thành công của phim.
Một số phim gây tiếc nuối khi kịch bản hấp dẫn nhưng lại mắc lỗi trong cách xây dựng nhân vật chính . Dương (Lương Thanh) - nữ chính phim Biệt dược đen - là cảnh sát nhưng lại thương xót thủ phạm, thậm chí còn có ý định bao che, không báo cáo về những manh mối mình có được về hung thủ.
Tương tự, Phương ( Hồng Diễm ) phim Hành trình công lý sắm vai luật sư nhưng quyết định phản bội thân chủ rồi được khen ngợi hết lời. Việc làm của Phương bị khán giả chỉ trích vì phạm vào điều tối kỵ của luật sư.
Vì sao kém sức hút?
Nhìn lại những phim Việt giờ vàng lên sóng năm 2023, biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương chỉ ra điểm sáng ở khâu lựa chọn diễn viên đắt giá hơn, kịch bản cũng cho thấy sự khắt khe hơn.
Cảnh chiến đấu ở biên giới trong Cuộc chiến không giới tuyến , cảnh lao động chân tay ở chợ hoa quả Long Biên giữa ngày hè gần 40 độ C (phim Cuộc đời vẫn đẹp sao )... là minh chứng cho thấy diễn viên cùng các thành viên khác trong ê-kíp đều có sự lăn xả, không ngại thực hiện những cảnh quay khó.
Về tỷ suất người xem, biên kịch Thanh Hương cũng cho rằng nếu những bộ phim trước đây dễ đạt rating 2 con số, hiện nay tìm một phim có mức rating ổn định ở mức 6% cũng khó khăn.
"Nguyên nhân khách quan và chủ quan đều đúng. Phim Việt ngày nay không chỉ phát sóng trên các đài truyền hình, mà các phân đoạn nhỏ cũng được đăng tải trên mạng xã hội. Ngoài ra, tình trạng xâm phạm bản quyền cũng khiến rating phim sụt giảm", chị Thanh Hương chia sẻ với Tiền Phong.
Phim giờ vàng đang đánh mất sức hút.
Bàn về điểm yếu ở phim truyền hình Việt, nữ biên kịch cũng nhận định phim Việt so với các nước cũng chịu nhiều thiệt thòi như tự do sáng tạo còn khuôn khổ, mức đầu tư thấp.
"Một số ngôi sao màn ảnh có thái độ làm việc không nghiêm túc, không giữ vững tư cách đạo đức khiến khán giả quay lưng cũng gây ảnh hưởng tới tác phẩm truyền hình. Ngoài ra, tình trạng lặp lại các tình tiết quen thuộc như đánh ghen, ngoại tình khiến nội dung các bộ phim không có sự đặc sắc", biên kịch Thanh Hương nói.
Chị cũng cho rằng cần quản lý chặt chẽ những nội dung có xu hướng bạo lực, dung tục gây ảnh hưởng đến khán giả xem truyền hình. Phim Việt chưa được như phim Thái Lan, Singapore, Philippines... và rất khó để đặt lên bàn cân với phim truyền hình Hàn Quốc hay Hong Kong (Trung Quốc).
Sự khác biệt dễ nhận ra ở khâu sáng tạo kịch bản. Ngoài ra, biên kịch Thanh Hương cho rằng văn hóa thưởng thức phim truyền hình ở Việt Nam cũng cần nhìn nhận lại.