Phim trường "Mưa đỏ" - Đỉnh cao của nghệ thuật phục dựng

Ánh Dương |

Phim trường "Mưa đỏ" về cuộc chiến ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 được dựng hoành tráng bên sông Thạch Hãn, tái hiện cuộc chiến ác liệt năm xưa.

Xây dựng phim trường bên dòng Thạch Hãn

Điện ảnh QĐND và đoàn làm phim mong muốn tái hiện sống động và chân thực nhất giai đoạn lịch sử chiến tranh của dân tộc tại thập niên 70, đặc biệt là năm 1972 với 81 ngày đêm lịch sử tại Quảng Trị. Vì vậy, Điện ảnh QĐND đã đầu tư xây dựng, tái hiện kỹ lưỡng bối cảnh trên phim trường tại Quảng Trị; huy động sự tham gia, phối hợp của các quân binh chủng trong quân đội, cùng nhiều vũ khí, trang bị, đạo cụ, phương tiện phục vụ cho cảnh quay.

Theo Thượng tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, Phó Trưởng ban Chỉ đạo sản xuất phim truyện điện ảnh "Mưa đỏ" cho biết: "Đây là bộ phim chiến tranh có quy mô lớn. Bối cảnh chính Thành Cổ và các bối cảnh lẻ như Sở Chỉ huy Tiền phương Ngụy, trạm quân y,.. sẽ được đặt tại Quảng Trị. Đây là nơi có giá trị lịch sử và ý nghĩa lớn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ; một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong chiến tranh".

Phim trường Mưa đỏ - Đỉnh cao của nghệ thuật phục dựng - Ảnh 1.

Thượng tá Nguyễn Thu Dung - Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, Phó Trưởng ban Chỉ đạo sản xuất phim truyện điện ảnh "Mưa đỏ"

Đỉnh cao của nghệ thuật phục dựng

Điện ảnh Quân đội nhân dân đã đầu tư thời gian, tâm huyết cho những bối cảnh khác của bộ phim như hầm mổ, trạm phẫu, Sở chỉ huy quân VNCH, đoàn tàu vận chuyển tân binh…Từng chi tiết như những rễ cây ăn lan trong hầm mổ, lớp tường xanh rêu do không gian ẩm thấp, trạm phẫu tiền phương núp dưới những tán cây rừng, với những đồ đạc đơn sơ như chiếc chõng cứu thương ghép tạm bằng tre nứa nhưng toát lên được tinh thần và ý chí của những người lính năm xưa. Những phân cảnh tại hầm mổ, trạm phẫu đã để lại cho diễn viên và ekip đoàn làm phim rất nhiều xúc động, bởi tính chân thực của bối cảnh, đã tái hiện được nỗi đau của chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Đồng thời, đạo cụ của các nhân vật sĩ quan VNCH cũng được kỳ công sưu tầm, phục chế tới từng chi tiết nhỏ nhất. Rất nhiều hiện vật là hiện vật quý, chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng, chính vì thế, để tái hiện được trong phim, đoàn làm phim đã nhân bản với tỉ lệ 1:1 để phục vụ các cảnh quay.

Đặc biệt nhất của bộ phim là phim trường Thành Cổ được tái hiện lại chân thực phỏng theo di tích Thành Cổ lịch sử. Đoàn làm phim và đội ngũ hoạ sĩ đã nghiên cứu kết cấu của Thành cổ Quảng Trị trên thực tế, từ đó lên thiết kế bối cảnh bảo đảm sát như nguyên mẫu. Để bảo đảm tính chân thực nhất, đoàn làm phim cũng mời chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử và các cựu chiến binh từng tham chiến tại Thành Cổ để đưa ra các góp ý, tư vấn về chi tiết trong quá trình xây dựng.

Phim trường Mưa đỏ - Đỉnh cao của nghệ thuật phục dựng - Ảnh 2.

Bối cảnh phim trường "Mưa Đỏ" được đầu tư công phu tại tỉnh Quảng Trị.

Việc xây dựng phim trường ngay bên dòng sông lịch sử vừa mang ý nghĩa tri ân các anh hùng liệt sĩ, vừa có thể tận dụng được dòng sông lịch sử để tái hiện lại những hình ảnh trong chiến tranh như cảnh vượt sông của bộ đội ta, cảnh chuyển thương trong mưa bom bão đạn… giúp tăng tính chân thực và cảm xúc khi ghi hình, đồng thời giảm bớt phần nào chi phí thiết kế bối cảnh. 

Đồng thời theo Thượng tá Kiều Thanh Thúy – Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, Giám đốc sản xuất phim truyện điện ảnh Mưa đỏ:"Trong quá trình sản xuất phim "Mưa đỏ", Điện ảnh QĐND cũng gặp phải không ít khó khăn như: nhân sự và kinh nghiệm làm phim quy mô lớn của Điện ảnh QĐND hạn chế; kinh phí, thủ tục đấu thầu phức tạp, khó khăn cho ngành nghề đặc thù là sản xuất phim điện ảnh. Việc đầu tư cho bối cảnh, trang phục và đạo cụ cần bảo đảm chính xác tính lịch sử, tính thẩm mỹ. Vì vậy đơn vị phải sưu tầm, tham khảo ý kiến các chuyên gia về việc tái hiện trang phục, vũ khí, và các đạo cụ chiến tranh sao cho đúng thời kỳ. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết tại Quảng Trị mưa nắng khắt nghiệt ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công, xây dựng bối cảnh".

Phim trường Mưa đỏ - Đỉnh cao của nghệ thuật phục dựng - Ảnh 3.

Thượng tá Kiều Thanh Thúy – Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, Giám đốc sản xuất phim truyện điện ảnh "Mưa đỏ".

Bộ phim "Mưa đỏ" tái hiện lại một giai đoạn hào hùng và thiêng liêng trong lịch sử đất nước, đoàn phim phải thận trọng trong cách xây dựng câu chuyện, bối cảnh, và hình tượng nhân vật để không làm sai lệch hay gây hiểu nhầm về sự kiện lịch sử. Những thuận lợi và khó khăn này là một phần trong quá trình hoàn thiện Mưa đỏ, giúp bộ phim truyền tải đúng tinh thần và tôn vinh những hy sinh của con người trong lịch sử Việt Nam.

Phim trường Mưa đỏ - Đỉnh cao của nghệ thuật phục dựng - Ảnh 4.

Phim trường Mưa đỏ - Đỉnh cao của nghệ thuật phục dựng - Ảnh 5.

Một số hình ảnh bối cảnh ghi hình bộ phim "Mưa Đỏ"


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại