Từ khi thời đại internet phát triển, nền văn hóa của các nước Nhật, Hàn, Thái Lan,... ngày càng phát triển mạnh hơn thì những chương trình truyền hình của TVB không còn thịnh như ngày xưa.
Ngay cả những người dân sống ở Hong Kong cũng phải công nhận rằng, TVB đã thật sự là dĩ vãng.
Với tâm trạng hoài niệm cổ xưa, một nhiếp ảnh gia người Hong Kong Trương Nhất Phương đã làm một chuyến thăm lại phim trường TVB ngày xưa (hay còn gọi là phim trường Thiệu Thị), nơi được xem là Hollywood Châu Á do Thiệu Dật Phu sáng lập.
Phim trường Thiệu Thị (Shaw Studio) nằm ở vịnh Thanh Thủy, phía đông Hong Kong, cách xa trung tâm thành phố, muốn đi đến đó phải đi bằng nhiều phương tiện bao gồm tàu điện ngầm, xe buýt thì mới có thể đến đúng địa điểm.
Trong ấn tượng của nhiếp ảnh Trương, thứ xuất hiện trước mặt ông khi đến đây là một phim trường tồi tàn.
Các bức tường phủ đầy rêu xanh cùng những dây leo. Chỉ có biển hiệu ở ngay cổng vào mới nhắc lại cho người ta biết nơi đây từng lừng lẫy thế nào.
Phim trường Thiệu Thị - nhân chứng cho một thời đại hoàng kim của nền điện ảnh Hong Kong
Phim trường Thiệu Thị được xây dựng vào năm 1961, sau đó được chuyển tên sang thành đài truyền hình TVB vào năm 1988.
Năm 2003, phim trường TVB lúc bấy giờ phải di dời, chuyển đến Tseung Kwan O và tồn tại đến ngày nay.
Có thể nói, phim trường Thiệu Thị chính là nhân chứng cho một thời hoàng kim của điện ảnh và truyền hình Hong Kong, là nơi đưa nhiều tên tuổi vươn ra thế giới và thành công vang dội đến ngày hôm nay.
Trong thời kỳ hoàng kim, phim trường Thiệu Thị được xem là studio hiện đại và lớn nhất Châu Á với hơn 23 tòa nhà nằm trong khu phức hợp có diện tích lên đến 186 ngàn mét vuông với nhiều phòng như phòng lồng tiếng, phòng hậu kỳ, phòng in màu, phòng thí nghiệm,...
Không những thế, nhiều người nói rằng chỉ cần phim do Thiệu Thị sản xuất thì chắc chắn là phim hay.
Ngoài ra, có người còn khẳng định Thiệu Thị đã một tay tạo nên ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong bởi những cơ sở vật chất, máy móc được trang bị hiện đại nhất thời bấy giờ.
Vào thời kỳ hưng thịnh, đây là nơi làm việc của hơn 3000 nhân viên và sản xuất hàng nghìn bộ phim.
Phim cổ trang ngày xưa được quay tại đây.
Cảnh hoang tàn ghê rợn của phim trường từng lừng lẫy một thời bị bỏ hoang đến đau lòng
Khu nhà nghỉ dành cho nhân viên.
Bước vào cổng chính của phim trường Thiệu Thị có thể thấy được một con dốc cao và kéo dài đến cuối đường. Đó là Tòa nhà Phát thanh Truyền hình TVB HOUSE.
Đội ngũ nhiếp ảnh gia đã cố gắng tiến vào sâu hơn nhưng lại vô tình bước vào nơi kích hoạt báo động cảm ứng, nên họ đành nhanh chóng rút lui.
Cuốn tiểu thuyết kinh dị được tìm thấy trong phim trường.
Nhiếp ảnh gia họ Trương cho hay, sau khi từ phim trường Thiệu Thị quay về anh mới biết rằng tại đây có rất nhiều vụ tự tử, đặc biệt là khu nhà nghỉ dành cho nhân viên. Vì vậy, ngày trước có nhiều tin đồn ghê rợn tại nơi đây.
Có người nói rằng, vào những năm 60, ở phim trường Thiệu Thị xuất hiện nhiều câu chuyện kinh dị không khác gì phim.
Năm 1966, một nữ diễn viên trực thuộc hãng phim Thiệu Thị tên Lý Đình đã treo cổ tự vẫn tại phòng tắm trong phòng 102, nằm ở tầng 3 của khu nhà dành cho nhân viên cũ.
Đến năm 1969, một đạo diễn tên Tần Kiếm, người thất bại trong hôn nhân, từng cờ bạc thiếu nợ và ngoại tình với Lý Đình cũng đã treo cổ cùng một vị trí với nhân tình.
Thông báo về cái chết của nữ diễn viên Lý Đình.
Ngoài ra còn rất nhiều diễn viên khác cũng quyết định quyên sinh tại đây khiến phim trường ngày càng trở nên u ám không gì có thể diễn tả được.
Chính vì thế nên không có gì lạ khi phim trường Thiệu Thị được người dân Hong Kong đưa vào danh sách những nơi đáng sợ nhất xứ Cảng Thơm.
Cho đến này, các nghệ sĩ TVB khi nhắc đến phim trường Thiệu Thị còn có một hành động bất thành văn chính là, khi quay phim không nên nhìn trần nhà thì có thể nhìn thấy những điều không nên thấy.
Căn phòng "Không phận sự miễn vào" ở phim trường.
Những đồ vật còn sót lại.
Rời khỏi khu vực nhà nghỉ, đội ngũ nhiếp ảnh gia tiếp tục bước vào trường quay của tòa nhà.
Họ nói rằng để tìm kiếm một ánh sáng rõ ràng thật sự rất khó khăn, may mắn thay mọi người đều có đèn pin mạnh nên cũng có thể nhìn được một vài thứ.
Đó là những tạp chí rải rác, áp phích phim cũ, đĩa mềm không biết bên trong lưu trữ gì… và nhiều vật phẩm khác.
Trong những năm 80, 90, ngành công nghiệp phim Thiệu Thị dần suy tàn, Thiệu Dật Phu đã chuyển sang TVB và xây dựng đế chế truyền hình.
Phim trường nơi quay bản tin cùng như những chương trình tạp kỹ.
Ngoài ra, lớp đào tạo nghệ sĩ của TVB thời đó cũng sản xuất một số lượng lớn diễn viên nổi tiếng như Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vỹ, Châu Tinh Trì, Trương Mạn Ngọc,... cùng nhiều đạo diễn, nhà biên kịch và nhà sản xuất nổi tiếng.
Vào năm 1995, trong kho đạo cụ bất ngờ bị hỏa hoạn khiến toàn bộ đạo cụ bị thiêu rụi và sau đó cũng được tu sửa lại nhưng không giữ được sự nguyên vẹn như xưa.
Năm 2003, phim trường TVB chuyển từ vịnh Thanh Thủy sang Tseung Kwan O sau khi trải qua sự bành trướng, hỏa hoạn và tái định cư hơn nửa thế kỷ.
Và phim trường Thiệu Thị ngày ấy ở vịnh Thanh Thủy giờ đây là cảnh hoang tàn và dần bị lãng quên.