Song Lang hay còn gọi là Song Loan là một nhạc cụ truyền thống trong dàn nhạc cải lương. Mộc mạc thôi, Song Lang chỉ gồm hai miếng gỗ nhỏ, khi gõ vào nhau tạo tiếng đanh mà vang. Tuy nhỏ nhưng "có võ", Song Lang là món nhạc cụ quan trọng để giữ nhịp trong dàn nhạc.
Vừa hay, Song Lang nếu hiểu theo âm hán Việt lại có nghĩa là hai người đàn ông. Vậy là chỉ qua tựa phim được khéo chọn, khán giả đã nhận ra hai tứ mà đạo diễn Leon Lê muốn thể hiện trong phim: nghệ thuật cải lương và tình yêu đồng tính.
Năm 1993, phim Bá Vương Biệt Cơ của đạo diễn Trần Khải Ca giành giải Cành cọ vàng tại liên hoan phim Cannes. Mối tình đồng tính và những nốt thăng trầm của sân khấu kinh kịch truyền thống đã gây chấn động giới làm phim toàn thế giới, Bá Vương Biệt Cơ mãi mãi là tác phẩm kinh điển nhất của vị đại đạo diễn thế hệ thứ năm Trung Quốc.
Khi poster và trailer của Song Lang mới ra mắt, bộ phim không tránh khỏi bị so sánh với người tiến bối.
Nhưng một khi đã bước vào rạp để thưởng thức phim thì khán giả sẽ biết chắc Isaac không phải là bản sao của Trương Quốc Vinh, còn Song Lang cũng khác hẳn với Bá Vương Biệt Cơ.
Từ cái tựa phim đến từng chi tiết nhỏ, bộ phim diễm lệ một cách rất Việt Nam, khiến bất cứ ai từng sống qua thập niên 80 tại Sài Gòn đều phải nghẹn ngào trước những khung hình đầy hoài cổ.
Trailer phim Song Lang.
Cải lương một thời vàng son
Nếu Bá Vương Biệt Cơ khắc họa nghệ thuật kinh kịch trong thời kỳ bị Cách mạng Văn hóa nghiền nát thì Leon Lê lại chọn kể về cải lương trong thời kỳ vừa trở lại đỉnh cao. Đó là cách đạo diễn trẻ Leon Lê muốn nhớ về môn nghệ thuật dân tộc mà anh yêu mến chứ không dấm dứt tiếc nuối sự lụi tàn của nó.
Nam ca sĩ, diễn viên Issac vào vai Linh Phụng- một giọng ca cải lương được mến mộ đang tìm kiếm nhưng cảm xúc ái ố ở đời thực để thổi hồn cho vai diễn của mình. Isaac xuất thân là một ca sĩ thần tượng, vốn liếng diễn xuất của anh cũng khá ít ỏi và chưa nhận được nhiều lời khen ngợi.
Tuy nhiên khi vào vai Linh Phụng, khán giả không còn thấy một Isaac như họ từng biết khi thấy nét thư sinh gợi nhớ về dung nhan nghệ sĩ Kim Tử Long trên gương mặt anh và nghe anh ca cải lương "ngọt" đến bất ngờ.
Bộ phim nói về cải lương với nhiều lát cắt cuộc đời người nghệ sĩ: khi đứng dưới hào quang sân khấu, khi bị dè bỉu là kiếp "xướng ca vô loài", khi chật vật để gìn giữ nghệ thuật, và cả khi thất thế phải hát rong mưu sinh.
Tuy nhiên, đạo diễn Leon Lê cũng không muốn đánh đố khán giả bởi thực tế là với phần lớn người trẻ hiện đại, cải lương là một thứ đã lui về quá khứ. Nghệ thuật cải lương và vở diễn Mị Châu Trọng Thủy trong phim có thời lượng vừa phải, hiện lên rất đáng yêu và dễ tiếp cận.
Giữa những trường đoạn cải lương dài luôn được lồng ghép khéo léo cảnh nhắc tuồng hay đời sống sinh hoạt của nghệ sĩ bên cánh gà đầy hài hước để khán giả không thấy nhàm chán.
Cải lương và thập niên 80 là sự kết hợp thú vị bởi ở thời điểm này cải lương vẫn chưa đánh mất chất nghệ thuật của chính nó nhưng cũng không hoàn toàn là môn nghệ thuật 100% dân tộc.
Bản chất chữ cải lương đã có nghĩa là thay đổi cho tốt lên. Trong dàn nhạc cải lương có nhạc cụ cổ nhưng có cả nhạc cụ tân như guitar, kèn, trống, khiến nó khác biệt hẳn với hầu hết mọi nghệ thuật kịch hát trên thế giới, nhất là kinh kịch.
Thập niên 80 cũng là thời kỳ đặc biệt khi đất nước đang đứng trước thềm đổi mới. Phong vị thời cuộc trong Song Lang khiến không khí của bộ phim hết sức đặc biệt. Giữa một xã hội đang bất ổn, những số phận vô định vô tình gặp nhau và từ đó nảy nở ra một câu chuyện đẹp đẽ và bi thương nao lòng.
Khi trái tim của hai người đàn ông hòa nhịp rung cảm
Nhân vật chính của Song Lang không phải chàng nghệ sĩ Long Phụng mà lại là tay đòi nợ thuê Dũng "thiên lôi" (Liên Bỉnh Phát thủ vai). Dũng là tay sai đắc lực của dì Năm với phong cách làm việc chuyên nghiệp, không vướng bận tình riêng.
Tuy nhiên, qua cách Dũng đối đãi với những con nợ hay lũ trẻ trong xóm, đạo diễn Leon Lê từng bước bỏ nhỏ cho khán giả về một mặt khác của gã du côn lầm lì này. Dũng cũng có một phương diện khác- học thức, dịu dàng và đầy day dứt, trái ngược hẳn với con người bên ngoài của hắn.
Liên Bỉnh Phát là một gương mặt hoàn toàn mới của làng diễn xuất. Tuy nhiên với lợi thế gương mặt đậm chất điện ảnh và vẻ lãng tử hợp vai, anh đã thể hiện tương đối thành công Dũng "thiên lôi".
Mối tình đồng tính của Dũng và Linh Phụng không sỗ sàng mà ý nhị, đầy tinh tế. Rung cảm của họ có chăng chỉ được thể hiện qua ánh mắt trao nhau còn ngập ngừng.
Tình cảm giữa họ, trước hết là sự đồng cảm của hai con người cô đơn và lạc lõng trong chính thế giới của mình; tiếp đó là tình bằng hữu khi họ ngồi bên nhau chong đèn chơi máy điện tử, đọc sách, ca cải lương và kể chuyện đời mình; rồi cuối cùng mới là một tình yêu vừa chớm nở đã vụt tắt.
Bối cảnh của mối tình đó là một Sài Gòn xưa cũ được đạo diễn chăm chút ra trò trong từng chi tiết: trò chơi điện tử Contra, bộ phim Xóm vắng, tấm biển hiệu máy may Sinco, khách sạn Bát Đạt, bịch cà phê đá,...
Tất cả được sắp đặt cẩn thận trên khung hình tỉ lệ 3:2 chật hẹp, phủ lên một tông màu cũ kĩ, nhiều hạt nhiễu để tạo ra hiệu ứng hoài cổ.
Phần hình ảnh của phim thực sự là một điểm cộng lớn. Đạo diễn Leon Lê không chỉ tạo ra được những khung hình nghệ thuật nhất trên màn ảnh Việt trong thời gian gần đây mà còn tạo ra được một bầu không khí trầm buồn, "gây nghiện" cho phim.
Về mặt âm nhạc, bên cạnh các màn ca cải lương thì việc dùng nhạc trong phim cũng rất khéo léo và nhiều ý tứ.
Trong một cảnh gần cuối phim, khi Dũng ngồi trong quán cà phê với quyết định rẽ lối đời mình, ca khúc Que sera sera huyền thoại được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt - Biết ra sao ngày sau vang lên chính là một điềm báo trước cho cái kết chua xót của phim:
"Biết ra sao ngày sau/ Đời luyến lưu vui cười, khổ đau/ Vì sắc duyên là sâu bể dâu/ Nào ai biết ngày sau/ Đời ta sẽ về đâu".
Song Lang là một tác phẩm điện ảnh đầy tâm đắc, một "viên ngọc quý" của điện ảnh chiếu rạp Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn vài thiếu sót trong kịch bản khiến người xem tiếc nuối.
Đáng lẽ, đạo diễn Leon Lê có thể đi đến tận cùng đời sống của nhân vật và phát triển chiều sâu tâm lý thêm phức tạp thay vì một cốt truyện vẫn còn khá giản đơn.
Cái kết của phim tạo hiệu ứng tốt nhưng thú thực vẫn chưa đủ "ép phê" để khiến khán giả quặn lòng, nhất là khi nó diễn ra khá chóng vánh.
Dù sao đi chăng nữa, đây cũng mới là tác phẩm phim dài đầu tay của đạo diễn Leon Lê. Với chất lượng của nó, khán giả hoàn toàn có thể trông đợi vào những dự án tâm huyết sau này của vị đạo diễn Việt kiều.
Mong rằng, Song Lang sẽ thổi vào điện ảnh Việt một làn gió mới của những tác phẩm bứt phá lối mòn, đậm chất nghệ thuật trong nội dung và hình ảnh nhưng cũng không quá xa cách đời sống hiện thực.