Phim truyền hình Mộng phù hoa được lấy cảm hứng về giai thoại cô Ba Trà nổi tiếng "đệ nhất mỹ nữ Sài Gòn" thập niên 30, 40 trong dân gian.
Cô Ba Trà được miêu tả trong thực tế là người đàn bà quyến rũ, biết khéo tận dụng nhan sắc và giá trị của bản thân.
Thế nhưng khi chuyển thể hình ảnh của cô Ba Trà lên màn ảnh nhỏ, Mộng phù hoa đã hơi "quá tay” khi biến nhân vật người đẹp huyền thoại một thời trở thành một nàng búp bê vô tri, không có khả năng tự vệ, dễ dàng buông xuôi theo nghịch cảnh để trở thành kỹ nữ.
Đàn bà khổ là đàn bà bị cưỡng bức?
Nhìn lại các bộ phim truyền hình lấy đề tài người phụ nữ Nam Bộ xưa như Con nhà nghèo, Lòng dạ đàn bà, Ngọn cỏ gió đùa, khán giả dễ dàng nhận thấy hầu hết nhân vật nữ chính trong phim đều phải chịu sự hành hạ thân xác của đàn ông.
Thực sự thì những số phận như vậy chính là hiện thực xã hội thời bấy giờ. Nhưng khi được chuyển tải vào Mộng phù hoa, câu chuyện này lại trở nên phản cảm và vô lý khiến người xem cảm thấy hình tượng phụ nữ bị rẻ rúng.
Ba Trang trong phim liên tục bị cưỡng hiếp.
Chỉ trong thời lượng 10 tập đầu của Mộng phù hoa, cuộc đời ngang trái của cô Ba Trang (Kim Tuyến thủ vai) mà phim miêu tả chỉ là để nhân vật nhiều lần bị cưỡng bức và phải bán thân.
Trải qua nhiều biến cố cuộc đời nhưng nhân vật người đẹp Ba Trang vẫn giữ nguyên tính cách ngây thơ, cả tin đến ngờ nghệch. Sau khi bị mẹ ruột ruồng rẫy, Ba Trang bị dụ dỗ bởi những lời ngon ngọt của bà dì Huê, bất đắc dĩ rơi vào chốn ăn chơi phong lưu của Sài thành.
Chỉ riêng chi tiết Ba Trang bị bà dì lừa gạt thôi cũng đã được bộ phim khai thác lặp đi lặp lại không dưới ba lần.
Khi rời khỏi nhà dì, cô tiếp tục bị một người đàn bà lõi đời khác là Chính Phương lợi dụng.
Bị lợi dụng quá nhiều lần mà Ba Trang vẫn cứ dại khờ khiến người xem không thể đồng cảm cùng nhân vật.
Thậm chí sau khi thất thân, Ba Trang lại hóa thành dễ dãi trong việc bán sắc bán thân. Trải qua 16 tập phim là vô số lần người đẹp qua tay đủ loại đàn ông, nhưng dường như cô không hề nỗ lực làm gì để thoát khỏi nghịch cảnh đó.
Sau hai lần chịu nhục với bố dượng và hai lần nữa bởi chủ nhà, Ba Trang vẫn hoàn toàn không có sự đề phòng trước hay tự bảo vệ mình ngoài khóc lóc gào thét.
Đến lần bán thân thứ ba thì khiến khán giả phải tự hỏi, liệu cô gái này còn nhận biết được phẩm giá của bản thân hay không?
Bị cha dượng làm nhục, Ba Trang chỉ biết chạy vòng quanh nhà la hét một cách ngớ ngẩn chứ không chịu lao ra ngoài thoát thân.
Việc hết lần này đến lần khác đẩy Ba Trang vào bi kịch theo cùng một mô típ thiếu sáng tạo, thêm vào đó là tính cách nhân vật nhu nhược, một chiều khiến câu chuyện kém thuyết phục và thiếu chiều sâu.
Cảnh nóng trong phim nhiều mà không chất
Về sự xuất hiện của cảnh nóng và chi tiết ân ái trong phim, khán giả đều hiểu đây chính là gia vị không thể thiếu trong Mộng phù hoa bởi phim mô tả cuộc sống ăn chơi phóng túng ở Sài Gòn thời kỳ trước.
Không chỉ điểm xuyết mà tần suất cảnh nóng trong phim thực sự dày đặc, với cả nhân vật chính lẫn nhân vật phụ.
Đặc biệt là thời gian nhân vật Ba Trang chấp nhận vào lầu xanh Lữ Quán, số lượng cảnh khoe thân cũng như giường chiếu của bộ phim càng được gia tăng, trung bình mỗi tập phim có 1 đến 2 cảnh nòng.
Kim Tuyến và Thân Thúy Hà đóng nhiều cảnh ân ái trong Mộng phù hoa.
Nhưng trái với cuộc đời buông thả, các nhân vật trong phim vẫn bị kịch bản gượng ép phải chan chứa nhiều tâm tư, suy nghĩ sau mỗi cuộc ái ân với khách làng chơi.
Những nỗi niềm khác nhau của cô Ba Trang luôn tự nhận mình đa sầu đa cảm khiến bộ phim trở thành một tác phẩm diễm tình cải lương cũ kỹ, đi sâu vào lối mòn công thức sến-sốc rẻ tiền.
Các nhân vật cứ tán tỉnh nhau bằng những câu sáo rỗng, lên giường và tranh cãi đến hết tập phim.
Lấy cảm hứng từ cuộc đời truân chuyên của nàng kỹ nữ tài danh nổi tiếng một thời, kịch bản của Mộng phù hoa phát triển trở thành câu chuyện mang nhiều kịch tính giả tạo và kém sâu sắc.
Từ tâm lý nhân vật đến các cảnh nóng trong phim đều hời hợt và chưa đạt cả về thẩm mỹ lẫn cảm xúc, chưa kể đến nhiều chi tiết vô lý và kém logic.
Là một trong những bộ phim truyền hình Việt được chọn chiếu trong giờ vàng nhưng Mộng Phù Hoa lại thiếu tính nhân văn, khiến người xem khó lòng tiếp nhận.