Khi truyện ngôn tình "làm mưa làm gió", các nhà sản xuất cũng nhanh chóng bắt tay vào việc chuyển thể những bộ truyện này thành phim.
Vốn đã có sẵn một cốt truyện nổi tiếng cùng lực lượng fan nguyên tác cực kỳ hùng hậu, nếu như làm tốt khi chuyển thể thì việc thành công là vô cùng dễ dàng.
Từ Bộ bộ kinh tâm cho đến Bên nhau trọn đời, Yêu em từ cái nhìn đầu tiên và mới đây nhất chính là Tam sinh tam thế thập lý đào hoa đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả.
Nhưng có một điều mà ai cũng thấy rõ đó là khi chuyển thể truyện lên màn ảnh nhỏ sẽ dễ dàng thành công hơn khi làm thành một bộ phim điện ảnh. Không tin ư? Rõ ràng đó là sự thật đấy.
Bản truyền hình sẽ truyền tải đầy đủ nội dung mà khán giả yêu cầu
Dù đa phần những người xem phim đã biết rất rõ nội dung của phim nhưng họ vẫn muốn nhà sản xuất, đạo diễn cũng như biên kịch thật sự "có tâm" hay không.
Truyện được yêu thích là bởi nội dung, đương nhiên khi chuyển thể thành phim ai cũng muốn nội dung của phim sẽ thật sát nghĩa với nguyên tác.
Nếu muốn nội dung vừa sát nghĩa mà lại vừa đầy đủ thì làm thành một bộ phim truyền hình chẳng phải là ý kiến hay nhất còn gì?
Những chi tiết trong truyện đa phần sẽ được tái hiện trên phim, bên cạnh đó sẽ có thêm kha khá tình tiết được bổ sung thêm để tạo độ mới mẻ và hấp dẫn.
Nếu muốn một bộ phim có nội dung đầy đủ như trong truyện, bạn tốt nhất nên xem bản truyền hình của phim đó.
Bộ bộ kinh tâm, Bên nhau trọn đời, Sam Sam đến rồi hay Yêu em từ cái nhìn đầu tiên đều nhận được lời khen về mặt kịch bản.
Đầu năm nay, Tam sinh tam thế thập lý đào hoa trở nên cực hot dù trước đó chẳng có nhiều người tin rằng phim sẽ có thể thành công như vậy.
Tuy rằng nội dung vẫn bị chê là khá dài dòng, đất diễn của nhân vật phụ rất nhiều nhưng rõ ràng, những tình tiết dù lớn hay nhỏ của truyện đều đã được đưa hết lên phim.
Bạn đã từng theo team tin rằng Tam sinh sẽ thất bại hay team kỳ vọng phim thành công?
Phim truyền hình truyền tải đủ nội dung là đương nhiên rồi. Khán giả không đặt quá nhiều lòng tin vào phim điện ảnh bởi nhiều chi tiết sẽ bị lược bớt.
Trong vòng 2 tiếng thì làm sao có thể đưa toàn bộ chi tiết vào phim điện ảnh được? Biên kịch chỉ tìm ra những tình tiết quan trọng nhất để đưa lên phim mà thôi.
Có thể thiếu tình tiết này không gây ảnh hưởng gì nhưng lại có những tình tiết khác nếu lược đi sẽ làm mất đi cái hay mà truyện đã đem đến.
Bản điện ảnh có đầu tư nhưng lại quá lố?
Phim được đầu tư để có ngoại cảnh, trang phục và kỹ xảo đẹp mắt đương nhiên là sẽ chiếm được nhiều cảm tình của khán giả rồi, chuyện này là không thể phủ nhận.
Chi phí sản xuất một bộ phim điện ảnh chỉ có 2 tiếng và một bộ phim truyền hình hơn 40 tập thậm chí còn có thể tương đương nhau, hoặc có thể bản điện ảnh còn đắt hơn cả truyền hình.
Nghe đến đây bạn chắc tin rằng, bản điện ảnh được đầu tư khủng như vậy chắc phải đẹp hơn bản truyền hình. Đừng vội nghĩ như vậy, đầu tư khủng không có nghĩa là sẽ đẹp, đơn giản không có nghĩa là không được yêu thích.
Bộ bộ kinh tâm (truyền hình) không cần quá màu mè, đơn giản chẳng phải vẫn thắng thế trước bản điện ảnh hay sao?
Trang phục của các diễn viên trong Tam sinh tam thế thập lý đào hoa (truyền hình) tuy đơn giản nhưng vẫn còn đẹp chán so với bản điện ảnh bị chê quá lố còn gì.
Đầu tư trên mọi phương diện để "mãn nhãn" nhất nhưng còn phải tùy trường hợp nữa. Bạn còn nhớ Bên nhau trọn đời (điện ảnh) với một Hà Dĩ Thâm đi Lamborghini và Triệu Mặc Sênh "sang chảnh" như một tiểu thư nhà giàu không?
Có một nghịch lý: Phim thường bị chê dễ thành công hơn
Những bộ ngôn tình chuyển thể thành phim truyền hình chẳng phải đa phần đều bị chê không thương tiếc còn gì? Khi bị chê rồi thì còn ai có hứng thú mà xem nữa? Nhưng đã có ai ngờ tới chưa? Ban đầu bị chê nhưng chẳng phải vẫn thu hút được sự quan tâm, vẫn có đông đảo khán giả theo dõi.
Về điểm này thì ai cũng phải nhớ đến Tam sinh tam thế thập lý đào hoa. Chỉ với những poster đầu tiên, "Bạch Thiển" Dương Mịch bị chê không đủ khí chất thần tiên, "Dạ Hoa" Triệu Hựu Đình quá "hắc ám".
Dàn diễn viên phụ cũng bị "soi mói" không ít, nhất là nhân vật Đông Hoa đế quân do Cao Vỹ Quang đóng. Nhưng khi đó, diễn viên phụ ít ra vẫn còn nhận được lời khen nhiều hơn so với cặp đôi chính.
Thời điểm đó, so sánh bản truyền hình và điện ảnh của Thập lý đào hoa thì Lưu Diệc Phi – Dương Dương đã "ăn đứt" Dương Mịch – Triệu Hựu Đình. Nhưng rồi khi xem 2 bản phim, ai cũng thấy ngược lại.
Bản truyền hình Tam sinh tam thế thập lý đào hoa từng bị chê không ngớt nhưng vẫn là "bom tấn" màn ảnh nhỏ đó thôi.
Hóa ra, Lưu Diệc Phi – Dương Dương mới gây thất vọng.
Chắc bạn không ngờ đến, Bộ bộ kinh tâm (2011) từng bị chê vì Ngô Kỳ Long, Trịnh Gia Dĩnh quá già so với tuổi của nhân vật hay Yêu em từ cái nhìn đầu tiên (2016) cũng nhận đủ "gạch" vì Trịnh Sảng quá gầy và chẳng quyến rũ chút nào.
Đây chẳng phải là minh chứng chứng minh cho việc phim thường bị chê nhiều thường rất thành công, nhưng đừng gộp bản điện ảnh của Bên nhau trọn đời, Bộ bộ kinh tâm vào nhé!
Một bên cần doanh thu, một bên cần rating
Một khi phim đã ra rạp thì vấn đề doanh thu được đặt lên hàng đầu, ngoài việc đầu tư khủng thì cũng cần mới những diễn viên có tiếng bên mảng điện ảnh.
Những diễn viên có tiếng ấy có thể rất hợp vai, có cái "khí chất" của nhân vật trong nguyên tác nhưng có nhiều sao khác lại không được như vậy.
Về mặt nội dung thì phim điện ảnh chẳng được kỳ vọng sẽ đầy đủ như trong nguyên tác, chỉ cần những chi tiết quan trọng nhất nhưng khi xem khán giả vẫn hiểu dù chưa đọc truyện.
Đều là 2 ngôi sao nổi tiếng bên mảng điện ảnh nhưng Dương Mịch – Huỳnh Hiểu Minh chẳng hợp với vai chính trong Bên nhau trọn đời. Nhưng phim vẫn thu về 57 triệu USD, một con số không hề tệ.
Tam sinh tam thế thập lý đào hoa lại có cặp đôi Lưu Diệc Phi – Dương Dương quá hợp vai nhưng cuối cùng lại thất bại.
Khán giả sẽ thường đặt nhiều kỳ vọng vào nội dung của bản truyền hình và đương nhiên cũng không thể thiếu những gương mặt "bảo chứng" rating cho phim. Nội dung ổn, diễn viên diễn xuất hay thì đương nhiên việc thành công đã nằm trong tầm tay rồi.
Hoặc nếu diễn xuất chưa được tốt lắm nhưng được cái hợp vai thì dĩ nhiên vẫn được phần nào đấy khán giả ủng hộ. Nhưng cũng không thể không kể đến trường hợp chẳng hợp vai, diễn xuất chưa ổn mà vẫn được ủng hộ.
Bộ 3 truyện của Cố Mạn chuyển thể thành phim truyền hình là Bên nhau trọn đời, Yêu em từ cái nhìn đầu tiên và Sam Sam đến rồi đều rất thành công.
Nói tóm lại, nhà sản xuất có thể "lôi kéo" fan nguyên tác hay không đều phụ thuộc vào việc kịch bản sát hay khác xa so với truyện gốc, diễn viên phù hợp ở mức độ nào cùng với một số yêu cầu khác.
Khi làm phim, cả truyền hình lẫn điện ảnh đều có những hạn chế khác nhau nhưng rõ ràng, đa phần phim truyền hình đều thành công hơn bản điện ảnh.