Dù ra mắt đã nhiều năm nhưng đến nay Long Thành cầm giả ca vẫn được xem là một trong những dự án phim nhựa cổ trang Việt hay nhất mọi thời đại. Phim do Đào Bá Sơn làm đạo diễn, có sự góp mặt của Nhật Kim Anh, Quách Ngọc Ngoan, Trần Lực, Bùi Bài Bình, Đỗ Kỷ.
Nữ chính xinh phát hờn
Long Thành cầm giả ca được dựa theo ý tưởng của bài thơ Long Thành cầm giả ca do đại thi hào Nguyễn Du viết nên. Trong đó, Quách Ngọc Ngoan đón vai Tố Như - Nguyễn Du, Nhật Kim Anh đóng vai Cầm.
Phim mở đầu với cảnh một cô bé tên Gái soi bóng dưới cái giếng làng. Cô bé sinh ra tại một vùng quê yên bình, có người mẹ từng là ca kỹ nên cô bé phải nối nghiệp mẹ mình. Sau này Gái được một người quen đưa lên kinh thành Thăng Long để học đàn, cô bé trở thành học trò của thầy Nguyễn và được đổi tên Cầm. Ngay lần đầu gặp Cầm, thầy Nguyễn đã thấy ở cô có tài năng đặc biệt, tiếng đàn của cô mang nhiều cảm xúc hơn những người ca kỹ khác.
Cầm lớn lên với sắc đẹp chim sa cá lặn làm say đắm lòng người cũng như khả năng đàn điêu luyện. Một hôm binh lính trong kinh thành nổi loạn, chúng tàn phá giết chóc khắp nơi, buộc người dân phải bỏ chạy khỏi kinh thành. Trong thời gian đi lánh nạn, Tố Như và Cầm gặp nhau, từ đó họ đem lòng yêu nhau. Tố Như yêu Cầm dù đã có vợ hiền ở quê nhà. Cầm về quê sống với dì, Tố Như đi phiêu bạt suốt nhiều năm rồi cũng về quê.
Chiến tranh diễn ra, nhà Thanh kéo quân sang xâm lược Đại Việt. Một tên quan nhà Thanh bắt giữ Cầm để ép buộc cô về phủ riêng đàn cho hắn nghe, đúng lúc đó quân Tây Sơn tấn công vào, nhờ vậy mà Cầm thoát nạn. Trong thời gian này Tố Như bắt đầu làm thơ, còn Cầm trở thành ca kỹ nổi tiếng trong vùng. Hai người gặp lại nhau tại nhà một người phú hộ trong làng. Cầm muốn trao thân xác trong trắng của mình cho Tố Như, nhưng chàng từ chối và bỏ đi xa.
Nhiều năm sau, Tố Như trở thành quan chánh sứ được vua cử đi sứ sang Trung Hoa. Ông gặp lại Cầm tại thành Thăng Long, hai người giờ đây đều đã già nua. Thấy nhan sắc của người phụ nữ mình yêu bị tàn phai theo thời gian, Tố Như đã ngẫu hứng làm bài thơ Long thành cầm giả ca ngay trong đêm đó....
Lúc đóng vai Cầm, Nhật Kim Anh chỉ mới 25 tuổi. Khi xuất hiện trên màn ảnh rộng, cô khiến khán giả phát sốt vì quá mức xinh đẹp. Nhan sắc mà Nhật Kim Anh sở hữu gợi lên vẻ dịu dàng, đằm thắm nhưng cứ khiến người xem có cảm giác rất đau thương.
Nói về vai diễn trong Long Thành cầm giả ca , Nhật Kim Anh chia sẻ: "Dù cuộc đời Cầm chìm trong bể khổ thì nàng vẫn không trách bất cứ ai, kể cả cha mẹ hay Tố Như. Người ta vẫn nói, nghề ca sĩ là "xướng ca vô loài", có ai hiểu được đâu. Tôi cũng theo nghề nhiều năm qua, ít nhiều thâm thía được điều đó. Bởi vậy, qua nhân vật Cầm, tôi thấy một phần hình ảnh của bản thân".
Cảnh nóng gây xôn xao
Ngoài nội dung ẩn chứa nỗi đau về thân phận của phụ nữ thời xưa, khi mới ra mắt, Long Thành cầm giả ca còn gây xôn xao bởi những cảnh nóng do Nhật Kim Anh thể hiện.
Thực tế, Nhật Kim Anh chỉ có 2 lần quay cảnh hơi hở 1 chút, cảnh đầu là cởi áo yếm ngồi bên bếp lửa sưởi ấm với nhân vật của Quách Ngọc Ngoan. Cảnh thứ hai có hơi nặng đô hơn, đó là muốn trao thân cho người đàn ông mình yêu nhưng đã bị từ chối.
Với cảnh thứ hai, nhân vật do Nhật Kim Anh thể hiện đã khóc nức nở, thương cho số kiếp của mình.
Khi phim chiếu, nhiều ý kiến cho rằng các cảnh trên là hơi thừa, nên cắt bớt đi. Đáp lại nhận xét đó, Nhật Kim Anh trả lời trên Vnexpress vào năm 2010 rằng: "Mọi người phải hiểu rằng, đây là bộ phim không thể có những cảnh hở hang thiếu văn minh được.
Trong phim, tôi hoàn toàn mặc yếm đào xưa, không hề phản cảm chút nào. Còn ở cảnh nhân vật Cầm tắm giếng giữa đêm trăng, đạo diễn chỉ quay vai, tôi vẫn mặc quần áo. Nghệ sĩ là làm dâu trăm họ, khen hay chê là điều rất bình thường bởi khán giả mỗi người một ý. Tôi chỉ biết, mình đã làm hết sức thể hiện nhân vật và cống hiến cho nghệ thuật".
Đồng thời, Nhật Kim Anh cũng chia sẻ: "Tôi xem phim 2 lần và lần nào tôi cũng bật khóc trước kết quả lao động của đoàn phim trong suốt 3 tháng vất vả. Khán giả xem phim thì không thể nào hiểu hết được những cơ cực mà ekip đã trải qua. Chúng tôi quay vào đúng thời điểm có gió mùa đông bắc, trời lạnh căm căm mà diễn viên vẫn mặc áo phong phanh đóng cảnh lội sông".
Với nội dung nhiều ý nghĩa và hấp dẫn, Long Thành cầm giả ca đã nhận giải Cánh diều vàng 2010 cho phim truyện nhựa. Đồng thời, bộ phim cũng nhận Bằng khen của Ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17. Riêng Quách Ngọc Ngoan thì được vinh danh ở hạng mục Diễn viên nam chính xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.