Khi nữ quyền lên ngôi trong phim tình cảm
Nhìn chiếc poster với tông màu hồng chủ đạo của Chàng vợ của em, khán giả đã đương nhiên xác định rằng đây là bộ phim lãng mạn về tình yêu đôi lứa.
Nhưng kì thực Chàng vợ của em không phải là một câu chuyện tình sáo rỗng của một cặp trai xinh gái đẹp như bao bộ phim hài tình cảm khác.
Chàng vợ của em là câu chuyện về Mai (Phương Anh Đào)- cô nhân viên mẫn cán và tham vọng của một công ty bất động sản.
Là mẫu phụ nữ thành đạt và khao khát leo cao trên nấc thang xã hội, Mai cần có một "người vợ" làm hậu phương chăm lo chu toàn nhà cửa để bản thân thỏa chí tang bồng.
Ở một góc khác của thành phố có một anh chàng Hùng (Thái Hòa) khù khờ, chẳng bảnh bao cũng không giàu có. Trái ngược với Mai, Hùng đã nhiều năm chỉ quẩn quanh trong nhà với tiệm sách cũ và gia đình chỉ còn hai anh em mồ côi cha mẹ.
Hùng tự trao cho mình trách nhiệm phải thay mẹ chăm sóc cho em gái. Anh hạnh phúc với công việc bếp núc, nội trợ hàng ngày, đồng thời cũng lo lắng em gái sẽ trưởng thành và rời bỏ tổ ấm.
Mai và Hùng gặp nhau trong một tình thế rất oái oăm, trở thành oan gia theo kiểu rất "Hàn Quốc". Thế rồi số phận tréo ngoe tiếp tục gắn kết họ với nhau khi em gái Hùng nhận lời làm giúp việc cho Mai nhưng Hùng lại phải là người "cứu cánh" cho cô em gái không thạo việc nhà.
Bất đắc dĩ, Hùng trở thành "người vợ" trong mơ của Mai, âm thầm chăm chút cho cuộc sống tinh thần của cô sau những căng thẳng công việc, mang đến cho Mai không khí gia đình ấm áp mà cô chưa từng có được.
Và rồi cái gì đến cũng phải đến, Hùng thầm yêu Mai nhưng vẫn phải núp dưới bóng dáng cô em giúp việc để chăm sóc cho Mai, chờ đến ngày tỏ bày tình cảm. Còn trong mắt Mai, Hùng chỉ là gã đàn ông bệnh hoạn và rắc rối cô không may đụng phải ở công viên.
Đằng sau câu chuyện tình yêu nam nữ tưởng như chẳng có gì mới lạ, đạo diễn Charlie Nguyễn lại muốn gài cắm những vấn đề và thông điệp sâu sắc hơn thế.
Chuyện phụ nữ thành công trong xã hội thời nay chẳng hiếm nhưng một cô gái dám dõng dạc tuyên bố mình chưa và cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện làm vợ, làm cái bóng đứng sau đàn ông thì chắc chỉ có Mai trong Chàng vợ của em.
"Trai tài gái sắc"- hình mẫu đôi lứa xứng đôi đã trở thành biểu tượng không hề xuất hiện trong phim, thậm chí gái thì tài nhưng trai cũng chẳng có sắc. Thái Hòa trong vai Hùng đúng kiểu người vợ không xinh đẹp nhưng đảm đang, chu đáo mà nhiều đàn ông thời nay kiếm tìm.
Vị trí đàn ông- phụ nữ, người chồng- người vợ đã bị đảo ngược hoàn toàn trong Chàng vợ của em.
Thay vì một mẫu hình ngôn tình nhàm chán, người xem được nghe tiếng nói nữ quyền cất lên đĩnh đạc mà không hề khiên cưỡng trong phim. Và câu chuyện vẫn được Charlie Nguyễn truyền tải hết sức ngọt ngào, đáng yêu và "vừa miệng" khán giả.
Sau Chàng vợ của em, rất có thể sẽ xuất hiệm thêm nhiều cô Mai nữa trong xã hội Việt Nam- những cô gái dám theo đuổi đến cùng ước mơ thăng tiến và dũng cảm tìm cho mình một "chàng vợ" giữ lửa gia đình.
Hài mà không nhảm
Cặp đôi Charlie Nguyễn- Thái Hòa đã từng cực kì thành công với hàng loạt tác phẩm hài nhảm, xưng vương phòng vé Việt. Nhưng một Thái Hòa "hài bựa" của Long Ruồi, Tèo em, Để Mai Tính lại tiết chế đi rất nhiều trong Chàng vợ của em.
Thay vì tấu hài nhảm lố, anh thể hiện nhiều chiều sâu tâm lý hơn. Nhân vật Hùng không chỉ xuất hiện với trách nhiệm chọc cười khán giả, anh cũng có những trăn trở, xúc cảm rất riêng và rất "đời".
Khán giả có thể cảm thấy hơi hụt hẫng khi không được cười "thả ga" từ đầu đến cuối như các tác phẩm trước đây nhưng đó là điều dĩ nhiên phải đánh đổi để có một câu chuyện đầy đặn hơn về nội dung và thông điệp.
Tuy nhiên, phim không thể thiếu vắng những miếng hài "đặc sản". Nhìn Thái Hòa dở khóc dở cười, lạc giữa mê cung "ngày ít ngày thường ngày nhiều, đêm ít đêm thường đêm lai láng" lúc nàng chồng đến ngày "đèn đỏ" là tiếng cười sảng khoái lại cứ thế bật ra rất tự nhiên.
Trong Chàng vợ của em, Charlie Nguyễn đã giăng ra một loạt mối quan hệ gia đình- xã hội xoay quanh cặp đôi nhân vật chính. Nếu Hùng có nỗi sợ chó kinh hồn bạt vía, có mối quan hệ giằng co với em gái thì Mai cũng có những nỗi niềm riêng của cô gái lớn lên không được yêu thương đủ đầy, luôn phải chịu áp lực từ danh tiếng của người mẹ danh ca.
Rồi những người mối quan hệ bạn bè, công sở của Mai cũng được đạo diễn xây dựng tỉ mỉ để có sự đối trọng, soi chiếu với tính cách hai nhân vật chính. Chỉ tiếc rằng tuyến nhân vật phụ trong phim tuy đông đảo nhưng chưa để lại được nhiều ấn tượng.
Có những nhân vật như của Hứa Vĩ Văn, cố tỏ ra nguy hiểm nhưng hóa ra lại chẳng khác nào bình hoa di động. Thanh Trúc trong vai em gái Hùng có nhiều đất diễn nhưng vẫn quá giản đơn, nhạt nhòa.
Hứa Vĩ Văn, Thanh Trúc cố gắng nhưng vẫn nhạt nhòa.
Chàng vợ của em được dàn dựng công phu, bối cảnh sắp đặt chỉn chu và màu phim đẹp rất thật, không tạo cảm giác lung linh giả tạo.
Tuy nhiên, bối cảnh phim lại có phần nhàm chán vì chỉ loanh quanh vài địa điểm quay nội như nhà Mai, nhà Hùng, công ty Mai, đến cả không gian công viên nơi họ gặp gỡ cảm giác cũng khá nhỏ hẹp.
Vì cố gắng tỉa tót từng góc tâm lý nhân vật nên phim dù dài chưa đầy hai tiếng nhưng vẫn tạo cảm giác hơi lê thê. Mai và Hùng cũng chưa thực khiến người ta phải rung động trước tình yêu của họ dù cả Phương Anh Đào và Thái Hòa đều đã diễn tròn vai, có lẽ một phần vì giữa họ có sự chênh lệch tuổi tác khá lớn.
Trong năm 2018, điện ảnh Việt đã có thêm không ít xuất phẩm, tình cảm có, hài có, thanh xuân có, giật gân cũng có nhưng ít tác phẩm nào lưu lại được trong lòng khán giả.
Và Chàng vợ của em với một câu chuyện đầy đặn, hấp dẫn, ê kíp chuyên nghiệp và tâm huyết đã trở thành một trong số ít những bộ phim Việt chỉn chu mà khán giả được thưởng thức trong năm nay.
Trailer Chàng vợ của em.