Đô thị này nằm cách Manila 100km về phía bắc.
Thành phố này dự kiến có diện tích 9.450 hecta dành cho 1,2 triệu dân.
New Clark City được thiết kế làm thành phố "dự phòng", nơi cơ quan chính phủ vẫn có thể làm việc khi thủ đô không chống đỡ được thiên tai như động đất.
Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương - khu vực có hoạt động địa chấn và núi lửa mạnh, hàng năm Philippines phải hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, bão lũ. Trong khi đó, thủ đô Manila có địa thế đặc biệt dễ bị ngập lụt. Trong ảnh là một con phố của Manila bị ngập sau cơn mưa lớn vào tháng 7/2018.
New Clark City dự kiến là thành phố không ô nhiễm với việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh như năng lượng mặt trời và các tòa nhà được thiết kế để tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Các khu vực rộng lớn của New Clark City sẽ được thiết kế dành cho người đi bộ và một công viên với lối đi ven sông sẽ kết nối các công trình tiện ích xuyên suốt thành phố.
Một vật liệu đặc biệt có tên là Lahar sẽ được kết hợp với bê tông để xây cơ sở hạ tầng của thành phố. Lahar là dòng bùn đá chảy rất nhanh của hỗn hợp đất đá vụn và nước, bắt nguồn từ sườn của một núi lửa.
Lahar dùng để xây dựng thành phố này được lấy từ đống vật chất còn sót lại sau thảm họa phun trào núi lửa Pinatubo lịch sử (trong ảnh) vào năm 1991. Theo các chuyên gia, trong vòng vài trăm năm tới, núi lửa này sẽ không có vụ phun trào lớn nào nữa.
Khu phức hợp thể thao và các tòa nhà chính phủ dự kiến sẽ được xây dựng để đón Đại hội Thể thao Đông Nam Á - tổ chức tại Philippines vào tháng 12/2019. Trong ảnh là công trường xây dựng sân vận động cho sự kiện này tại New Clark City.
Còn đây là công trình xây dựng các tòa nhà chính phủ.
Nằm ở địa thế cao hơn so với Manila, New Clark City sẽ ít bị ngập do mưa bão hơn. Theo các chuyên gia, gần thành phố này cũng không có bất kỳ đường địa chất đứt gãy nào.
Toàn bộ dự án này dự kiến mất ít nhất 30 năm để hoàn thành. Trong đó, giai đoạn đầu tiên trong ít nhất 5 giai đoạn của dự án sẽ tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2022.