Hôm 9/2, Zhang Jiale, nữ sinh viên năm thứ nhất ngành thời trang của Viện Thiết kế SoFa, bị nhân viên an ninh chặn lại trước lối vào ga Mandaluyong ở thủ đô Manila vì cô này đang mang theo một cốc “taho”. Taho là tên gọi địa phương của món tào phớ.
Zhang, 23 tuổi, bị nhân viên William Cristobel yêu cầu ăn xong món đó mới được qua cửa vì quy định không được mang chất lỏng lên tàu. Nhưng cô gái này không thực hiện và chuyển sang cãi cọ. Cuối cùng, cô ta ném cả cốc tào phớ vào người ông Cristobel và bị bắt giữ.
Nhân viên an ninh đã nộp đơn khiếu nại Zhang vào ngày 10/2 với cáo buộc tấn công trực tiếp, không tuân thủ người có thẩm quyền và gây phiền nhiễu. Nếu bị buộc tội, Zhang sẽ đối mặt với án tù 4 tháng đến 4 năm. Zhang cũng có thể bị trục xuất, báo Philstar dẫn lời quan chức của Cục Xuất nhập cảnh Philippines cho biết.
Hành động của Zhang bị camera ghi lại, và đoạn phim nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội. Cư dân mạng nói rằng một bức ảnh đáng giá hơn ngàn lời nói. Trên Facebook và Twitter, nhiều người Philippines gọi hành động của Zhang là “kiêu ngạo” và “hỗn láo”, còn những người khác nói rằng hành động của cô này thể hiện cách nhìn coi thường của người Trung Quốc đại lục đối với Philippines.
Phát biểu trên đài phát thanh hôm 10/2, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo nói rằng hành động của Zhang là thiếu tôn trọng người khác cũng như đất nước Philippines. Bà Robredo còn nói rằng hành động của Zhang là “hồi chuông cảnh tỉnh” về tình trạng quá nhiều người Trung Quốc đại lục đang hiện diện ở quốc gia Đông Nam Á này.
Thượng nghị sĩ Ping Lacson, một cựu tướng cảnh sát, gọi vụ việc lần này là “sự sỉ nhục lớn và tô đậm tình cảnh đáng thương của quốc gia chúng ta”. “Là người Philippines, chúng ta phải đoàn kết lại. Dù chúng ta là nước nhỏ, yếu và nghèo, nhưng đừng để họ đối xử với chúng ta như vậy. Hãy sát cánh với nhau”, ông nói.
Theo đài ABS-CBN, Thượng viện Philippines bắt đầu một cuộc điều tra vào tháng 11 năm ngoái về tình trạng lao động nước ngoài bất hợp pháp, đặc biệt là người Trung Quốc, gia tăng ở nước này. Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines nhiều thời điểm căng thẳng bùng lên do tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Lo ngại an ninh
Trong một bài bình luận đăng ngày 14/2 trên South China Morning Post, nhà nghiên cứu người Philippines Richard Heydarian nói dù Tổng thống Rodrigo Duterte nỗ lực hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, nhưng tâm lý phẫn nộ vẫn sôi sục dưới bề mặt.
Tháng 11 năm ngoái, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Philippines, biểu tình diễn ra ở nhiều địa điểm, trong đó có khu vực trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila và lãnh sự quán tại Makati. Những người biểu tình phản đối đầu tư của Trung Quốc mang theo những khẩu hiệu như: “Không rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc”.
Lo lắng về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với an ninh quốc gia của Philippines gia tăng sau khi hai hãng đóng tàu Trung Quốc (một hãng thuộc nhà nước) vào tháng 1 vừa qua muốn mua lại một doanh nghiệp đóng tàu ở Vịnh Subic, sau khi tập đoàn công nghiệp nặng Hanjin của Hàn Quốc và hãng Construction Philippines nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Cựu tư lệnh Hải quân Philippines Alexander Pama cảnh báo nguy cơ lớn nếu Trung Quốc mua lại doanh nghiệp này. “Sở hữu xưởng đóng tàu Hanjin trên Vịnh Subic sẽ giúp chủ của nó tiếp cận không hạn chế một trong những tài sản địa chiến lược trên biển quan trọng nhất của chúng ta”, trang tin Politiko của Philippines dẫn lời ông Pama.
Trước thềm bầu cử giữa kỳ vào tháng 5, các lãnh đạo đối lập nắm lấy cơ hội này để cho đây là một chỉ dấu của những nguy hiểm mà chính sách đối ngoại của ông Duterte với Trung Quốc gây ra.
Thừa nhận hàm ý chính trị của sự việc “hất tào phớ”, phủ tổng thống Philippines cũng đã phải lên tiếng. “Tổng thống luôn phẫn nộ trước bất kỳ hành động xúc phạm nào”, phát ngôn viên tổng thống Salvador Panelo nói. Ông Panelo khẳng định Tổng thống Duterte muốn cơ quan chức năng làm mọi biện pháp cần thiết, bao gồm việc trục xuất ngay lập tức sinh viên Trung Quốc nếu thấy cần thiết.