Philippines lên tiếng về tuyên bố chung của ASEAN tại AMM49

Thi Anh |

Ông Yasay khẳng định, việc ASEAN chưa đạt được đồng thuận không có nghĩa là Trung Quốc có lợi thế.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã lý giải nguyên nhân Philippines hủy bỏ yêu cầu đưa phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ kiện biển Đông vào tuyên bố chung của ASEAN trong AMM49.

Philippines lên tiếng về tuyên bố chung của ASEAN tại AMM49 - Ảnh 1.

"Phán quyết của PCA là vấn đề giữa Trung Quốc và Philippines. Mục đích của ASEAN khi đề cập tới biển Đông chỉ đơn giản là nhằm hối thúc giải quyết vấn đề theo đúng luật pháp quốc tế".

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Philippines ngày 27/7, ông Yasay cho biết, sở dĩ ông lên tiếng là để xóa bỏ những nhận định cho rằng Trung Quốc đã có lợi thế vì ASEAN không đạt đồng thuận về vấn đề này.

Sau đó, ông Yasay đã đọc những nội dung thể hiện sự cam kết của ASEAN đối với một giải pháp hòa bình trong thông cáo chung của khối.

Khi được hỏi, liệu ông có thúc đẩy việc đưa vụ kiện vào thông cáo chung hay không, Ngoại trưởng Philippines nói: "Có. Rất mạnh mẽ. Tôi đã đề nghị đưa phán quyết vào văn kiện. Tôi nhắc lại, động thái ngoại giao này cần được thực hiện".

Dù không đạt được mục đích của mình, nhưng ông Yasay vẫn đánh giá cao quyết định cuối cùng của ASEAN.

"Tôi hài lòng với tuyên bố chung. Tôi rất tự hào về ASEAN. Tôi tự hào vì ASEAN đã nhận ra vai trò chủ chốt của mình khi là một tổ chức mang tầm khu vực".

Tuyên bố chung của AMM-49 nêu rõ:

"Chúng tôi lo ngại trước những diễn biến đã và đang diễn ra gần đây ở Biển Đông; ghi nhận những lo ngại của một số Bộ trưởng về việc cải tạo đất và leo thang các hoạt động làm xói mòn lòng tin, gây gia tăng cẳng thẳng và có thể hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình an ninh, ổn định an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Chúng tôi tiếp tục tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường tin cậy lẫn nhau, kiềm chế các hạt động và không có động thái làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự và tự kiềm chế trong việc thực hiện tất cả các hoạt động, bao gồm cả hoạt động cải tạo đất mà có thể làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại