Philstar đưa tin, theo Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr, ông sẽ gửi công hàm phản đối cho phía Trung Quốc sau khi Cơ quan Điều phối Tình báo quốc gia Philippines (NICA) đưa ra kết luận thông tin Trung Quốc 6 lần bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay quân sự của Philippines tuần tra trên Biển Đông trong năm nay là sự thật.
“Tôi không thể tin được các nguồn tin dân sự bởi họ quen nói dối. Một khi NICA xác nhận thông tin, tôi sẽ gửi công hàm. Chúng tôi chỉ tin tưởng duy nhất quân đội mới nói sự thật”, Bộ trưởng Locsin chia sẻ trên Twiter hôm 6/11.
Trước đó, Thiếu tướng Reuben Basiao, Phó Chánh văn phòng tình báo của Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) cho biết, trong năm nay, Trung Quốc đã 6 lần bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay quân sự của Philippines trên Biển Đông.
Phát biểu trước Ủy ban An ninh và Quốc phòng quốc gia thuộc Hạ viện Philippines, Tướng Basiao nhấn mạnh Bắc Kinh đã có “những hành động đáng kể” để mở rộng tuyên bố chủ quyền đơn phương trên Biển Đông bao giồm biển Tây Philippines (khu vực Manila dùng để gọi một phần phía đông của Biển Đông).
“Gần đây, Trung Quốc đã bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay quân sự của Philippines ở Biển Đông trong khoảng thời gian từ tháng 1- 2/2019. Trung Quốc đã 6 lần bắn pháo sáng cảnh cáo vào các máy bay Philippines khi làm nhiệm vụ tuần tra hàng hải”, CNN dẫn lời Tướng Basiao phát biểu trước Hạ viện Philippines hôm 5/11.
Cũng theo ông Basiao, Trung Quốc còn triển khai 17 tàu nghiên cứu vào vùng biển của Philippines trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 6/2019. Tướng Basiao cho biết thêm, các tàu của Trung Quốc đang ngăn chặn Philippines tiến hành sứ mệnh tuần tra hàng hải và tiếp tế cho các tàu quân sự hoạt động ở Biển Đông.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” . Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.
Hôm 4/11, với vai trò trưởng phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEAN và Hội nghị Đông Á ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có hành động "hăm dọa" trên Biển Đông.
“Bắc Kinh dùng hành động hăm dọa để tìm cách ngăn cản các quốc gia ASEAN khai thác nguồn tài nguyên xa bờ, ngăn chặn việc tiếp cận trữ lượng dầu mỏ và khí đốt trị giá đến 2,5 ngàn tỉ USD . Các nước lớn không nên bắt nạt các nước khác", Japan Times dẫn lời ông O’Brien.
“Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua bản đồ ‘đường chín đoạn’ phi lý là vô căn cứ, trái luật pháp và quá đáng”, một bản báo cáo mới được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cũng nhấn mạnh.