Philippines, Indonesia muốn mua thêm vũ khí

Thái An |

Chính phủ Philippines sẵn sàng chi hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD để mua một số máy bay trực thăng tấn công của Mỹ, nhà báo-chuyên gia Jaime Laude của Philippines trao đổi với phóng viên Tiền Phong mới đây, dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Philippines.

Chính phủ Philippines đã đề nghị phía Mỹ bán 6 trực thăng tấn công AH-1Z Viper và một số trang thiết bị liên quan với tổng trị giá 450 triệu USD, gồm 14 động cơ T-700 GE 401C (dùng cho AH-1Z Viper và trực thăng đa dụng UH-1Y), 7 hệ thống định vị, dẫn hướng dành cho máy bay quân sự, 6 tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire II (trang bị cho trực thăng, có thể chống xe tăng, xe bọc thép) và 26 hệ thống vũ khí chính xác cao.

Thậm chí, nếu điều kiện cho phép, Philippines có thể rót 1,5 tỷ USD để mua 6 trực thăng tấn công AH-64E Apache (thay vì 6 chiếc AH-1Z Viper nhỏ hơn, yếu hơn) và trang thiết bị liên quan để hiện đại hóa phi đội trực thăng tấn công, nâng cao năng lực phòng thủ, bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu, chống khủng bố.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, việc mua vũ khí, khí tài Mỹ giúp bảo đảm an ninh của Philippines - nước tiếp tục trở thành một lực lượng quan trọng đối với sự ổn định chính trị, hòa bình và phát triển kinh tế ở Đông Nam Á.

Ngoài trực thăng tấn công, Philipines còn muốn mua thiết bị liên lạc, hệ thống chiến tranh điện tử, hệ thống cảnh báo laser và tên lửa, hệ thống phản công ACMDS, máy thu cảnh báo radar, 7 súng máy M197, hệ thống ngắm mục tiêu, 5.000 viên đạn xuyên giáp, 2 tên lửa huấn luyện AIM-9M Sidewinder, pháo sáng magnesium teflon (mồi nhử đánh lừa tên lửa tầm nhiệt), ống phóng tên lửa LAU-61… với tổng trị giá 450 triệu USD.

Trong số các binh chủng Philippines hiện nay, không quân và hải quân có hệ thống vũ khí, khí tài vừa thiếu vừa yếu.

Phi đội trực thăng của Không quân Philippines hiện chỉ có một số ít trực thăng tấn công M250 và trực thăng quân sự đa năng UH-1H (nổi tiếng vì được dùng nhiều trong Chiến tranh Việt Nam) và 2 chiếc trực thăng tấn công AH-1 Cobra do Jordan tặng.

Trong khi đó, cũng theo nhà báo Laude, Hải quân Indonesia đang muốn có một đội tàu mới chuyên tuần tra ngoài khơi.

Theo một nguồn tin từ Hải quân Indonesia, 79 triệu USD lấy từ ngân sách quốc phòng giai đoạn 2020-2022 sẽ được chi cho chương trình đóng tàu mới, mỗi chiếc dài khoảng 90m, vừa đóng vai trò tàu tuần tra vừa có thể biến thành tàu mẹ để vận hành máy bay không người lái, tàu nổi, tàu lặn cỡ nhỏ.

Hải quân Malaysia cho biết, họ mới đưa vào hoạt động chiếc tàu chiến đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc. Đó là chiếc tàu tuần tra ven bờ lớp Keris, dài 68,8m, có độ giãn nước khoảng 700 tấn, được trang bị radar kiểm soát hỏa lực, radar tìm kiếm và hải pháo H/PJ-17 cỡ nòng 30mm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại