Philippines hủy VFA: Bước đầu tiên nhằm cắt quan hệ quốc phòng với Mỹ, xoay trục sang Nga-TQ?

Thi Anh |

Đây là sự thay đổi mà ông Duterte đã ra tín hiệu từ 4 năm trước, khi ông bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Philippines chính thức hủy VFA

Ngày 11/2, chính quyền Philippines đã tuyên bố hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng 1998 (VFA) trong một nỗ lực nhằm "tăng cường năng lực quân sự của đất nước và không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác". Quyết định này sẽ có hiệu lực sau khi thời hạn 180 ngày thông báo kết thúc.

Mỹ cho rằng động thái hủy bỏ thỏa thuận quân sự của Philippines là "đáng tiếc" trong bối cảnh nước này tìm cách tăng cường hiện diện và cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sau khi hay tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã cho đây là "một bước chuyển hướng sai" đối với "quan hệ lâu năm" giữa 2 nước và đối với vị trí chiến lược của Philippines.

Hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng 1998 (VFA) - vốn là cơ sở cho các cuộc tập trận chung và hoạt động của binh lính Mỹ ở Philippines - sẽ là bước đi vững chắc đầu tiên mà Philippines đưa ra để cắt quan hệ quốc phòng với Mỹ, Bloomberg nhận định.

Đây là sự thay đổi mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra tín hiệu kể từ khi nhiệm kỳ 6 năm của ông bắt đầu hồi năm 2016, khi ông hướng chính sách ngoại giao của mình về phía Bắc Kinh. Philippines và Mỹ đã ký một hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, ràng buộc 2 nước phải bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công.

"Ông Trump và những người khác đang cố gắng cứu vãn Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng", ông Duterte phát biểu ở Manila hồi đầu tuần, "Tôi đã nói, tôi không muốn thỏa thuận ấy".

Quyết định hủy bỏ VFA sẽ đưa Philippines tới gần hơn với Trung Quốc trong khi hỗ trợ của Mỹ cho quân đội Philippines nhiều khả năng sẽ giảm bớt - học giả cấp cao của ISEAS - Viện Yusof Ishak (Singapore) Malcolm Cook nhận định.

Philippines hủy VFA: Bước đầu tiên nhằm cắt quan hệ quốc phòng với Mỹ, xoay trục sang Nga-TQ? - Ảnh 1.

Quân đội Mỹ tại Philippines. Ảnh: Reuters

"Trung Quốc có vẻ sẽ là bên thắng đậm nhất còn an ninh quốc phòng của Philippines là bên thua đậm nhất", Cook nói.

Từ tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã cảnh báo, Philippines có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận hàng triệu USD viện trợ quân sự và mối quan hệ thương mại cũng có thể bị tổn hại, một khi thỏa thuận bị hủy bỏ.

Ông Locsin cũng cho rằng, các hoạt động quân sự chung - bao gồm công tác huấn luyện hàng nghìn binh lính Philippines và Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tổng thống Philippines đã đe dọa chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ từ tháng trước, sau khi Mỹ đình chỉ visa của cựu cảnh sát trưởng Philippines, người từng giám sát cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte.

Nhà lãnh đạo Philippines cho rằng, mối quan hệ quân sự với Mỹ không giải quyết được tình trạng phiến quân đã kéo dài nhiều thập kỷ ở Philippines.

Thỏa thuận giai đoạn cuối giữa Manila-Moscow: Xoay trục sang Nga?

Trong khi đó, Nga đã bắt đầu hỗ trợ quân đội Philippines trong công tác huấn luyện và vũ trang, chỉ 1 ngày sau khi Manila hủy thỏa thuận với Mỹ trong một nỗ lực được cho là nhằm tăng tính độc lập về mặt quân sự.

Hôm qua, 12/2, ông Denis Karanin, nhà ngoại giao Nga tại Manila đã tiết lộ với SCMP rằng một thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự chung đang được bàn thảo giữa giới chức hai nước Nga và Philippines. 

"Có người đưa ra bản thảo và có cả bản thảo của phía bên kia. Tôi nghĩ rằng thỏa thuận đang nằm đâu đó ở giữa những giai đoạn cuối cùng", ông Karanin cho biết, thỏa thuận này sẽ tạo "cơ sở pháp lý" và "khuôn khổ" cho quan hệ đối tác và sẽ khiến các dự án kỹ thuật quân sự trở nên dễ dàng hơn. 

Một thỏa thuận như vậy sẽ bao gồm, ví như, một nhà máy mà hãng vũ khí Kalashnikov lâu nay vẫn muốn xây dựng. "Sự việc đã được bàn thảo trong một thời gian khá dài. Nhưng chúng tôi lạc quan về chuyện này", Karanin nói. 

Nhà ngoại giao Nga cũng đề cập tới cuộc tập trận chung đầu tiên giữa 2 nước đã diễn ra khi 2 tàu chiến của Philippines BRP Davao del Sur và BRP Tarlac ghé thăm thành phố miền Đông Vladivostok hồi tháng 7 năm ngoái. 

Theo SCMP, kể từ năm 1976, khi Manila chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Moscow, thiện chí giữa 2 nước chưa bao giờ tiến xa hơn động thái mời các nghệ sĩ của Bolshoi Ballet tới Manila. Tổng thống Rodrigo Duterte là lãnh đạo Philippines đầu tiên nâng quan hệ hai bên lên mức cao. 

Chuyên gia an ninh, giáo sư Chester Cabalza cho rằng, động thái gần đây là nhằm "củng cố một chính sách ngoại giao độc lập cứng rắn hơn trước khi ông Duterte rời nhiệm sở sau 2 năm nữa, bằng cách đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược của Philippines với các đồng minh phi truyền thống". 

"Việc xoay trục sang Nga kết hợp cả an ninh kinh tế lẫn quan hệ quân sự bởi cường quốc Á-Âu này cũng được là một đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc", ông Cabalza đánh giá. 

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Philippines Jose Antonio Custodio tỏ ra hoài nghi trước khả năng này. Custodio cho rằng Nga sẽ "không động 1 ngón tay" khi chạm tới mâu thuẫn hàng hải và các vấn đề khác giữa Manila với Bắc Kinh. Custodio cảnh báo, ông Duterte đang chơi với lửa khi nghiêng về phía Moscow. 

"Với thông báo hủy bỏ VFA, Philippines phải hiểu rằng Mỹ sẽ thất vọng với Manila. Nếu chúng ta tăng cường hợp tác với Nga, vốn bị Mỹ coi là quốc gia thù địch, thì sự thất vọng sẽ góp phần khiến Mỹ cân nhắc Philippines là một đối thủ chính của mình", ông Custodio nói. 


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại