Bộ Quốc phòng Philippines thông báo, chính phủ nước này luôn cảnh giác và phản đối các hoạt động gây hấn của Trung Quốc, đặc biệt là việc nước này tiếp tục quân sự hóa biển Đông.
Cần dùng mọi biện pháp pháp lý
Bộ Quốc phòng Philippines muốn phía Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Philippines bị tàu Trung Quốc đâm va khiến tàu cá của họ chìm ở bãi Cỏ Rong may mà được tàu cá Việt Nam cứu sống. Bộ Quốc phòng Philippines cũng muốn phía Trung Quốc trừng phạt chủ tàu và các thuyền viên tàu Trung Quốc đã gây ra vụ đắm tàu cá Philippines hôm 9/7. Trôi giạt trên biển, 22 thuyền viên tàu M/B Gem-Ver suýt bỏ mạng vì bị tàu Trung Quốc bỏ mặc, không cứu vớt. May thay, một tàu cá Việt Nam gần đó đã tới cứu sống toàn bộ 22 ngư dân Philippines.
“Chính phủ Philippines cần dùng đến mọi biện pháp pháp lý có thể có để chính phủ Trung Quốc yêu cầu chủ tàu Trung Quốc đâm tàu cá F/B Gem-Ver đang thả neo ở bãi Cỏ Rong phải bồi thường và trừng phạt chủ tàu này”, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Cardozo Luna hôm thứ Sáu đọc bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trước các thành viên của Hiệp hội Luật sư Philippines. Thứ trưởng Luna thay mặt Bộ trưởng Lorenzana vì ông Lorenzana công tác châu Âu, tìm mua vũ khí, khí tài chủ chốt để thực hiện chương trình hiện đại hóa quân đội nước này.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines (mà Thứ trưởng Luna đọc thay) nhấn mạnh rằng, chủ tàu và thuyền viên tàu Trung Quốc tuy đã xin lỗi về hành động của họ nhưng đã vi phạm nhiều quy tắc trên biển, bao gồm đâm va tàu cá nước ngoài, không màng sự sống chết của 22 ngư dân Philippines trên biển, không cứu vớt, không kêu gọi giúp đỡ… Thứ trưởng Luna chỉ ra rằng, chính phủ Trung Quốc phải xử lý chủ tàu hoặc thuyền viên tàu Trung Quốc. “Chính phủ Philippines đã bày tỏ quan điểm của mình về vụ việc để Trung Quốc phải chịu trách nhiệm”, ông nói.
Ngoài việc yêu cầu bồi thường và trừng phạt, chính phủ Philippines cũng muốn Trung Quốc nâng cao trách nhiệm đạo đức và hiểu rằng, chiến thuật vùng xám của Trung Quốc ở biển Đông (gây hấn, cưỡng chế, làm gia tăng căng thẳng nhưng giữ ở dưới ngưỡng xung đột quân sự) gây nguy hiểm cho tính mạng ngư dân và leo thang căng thẳng trong khu vực. Một trong các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc bao gồm triển khai các tàu dân quân biển, cải trang là tàu cá ngư dân ở khu vực tranh chấp, thực hiện các hành động phi quân sự như đâm va, bắt nạt tàu nước ngoài hòng góp phần củng cố yêu sách “đường lưỡi bò” đối với gần 90% diện tích biển Đông.
Phản đối Trung Quốc quân sự hóa
Theo Bộ Quốc phòng Philippines, các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông sẽ gặp nguy nếu Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép. Thứ trưởng Quốc phòng Cardozo Luna nói rằng, Trung Quốc không xây dựng cơ sở quân sự, hải quân nào trong lãnh thổ Philippines, nhưng việc nước này ngang nhiên xây dựng các đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp và lắp đặt trang thiết bị trên đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến Philippines và nhiều nước trong và ngoài khu vực.
“Còn đó nguy cơ an ninh lớn đến từ các hoạt động cải tạo của Trung Quốc trong khu vực (biển Đông). Các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (do Mỹ dẫn dắt) sẽ gặp nguy nếu Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các cơ sở trong khu vực vì họ (Trung Quốc) sẽ có khả năng cản trợ sự đi lại hòa bình trên toàn bộ biển Đông)”, Thứ trưởng Luna khẳng định.Thông qua các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, Mỹ cùng các đồng minh, đối tác khu vực đang liên tục thách thức việc Trung Quốc củng cố yêu sách “đường lưỡi bò”, quân sự hóa các tiền đồn trên biển Đông mà nước này chiếm đóng trái phép.
Ông Luna cũng chỉ ra rằng, Philippines cũng như cộng đồng quốc tế ủng hộ, tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài mang tính chung thẩm, có hiệu lực ràng buộc đối với các bên dù Trung Quốc không chấp nhận, không công nhận, không tham gia vụ kiện của Philippines. Sau phán quyết của Tòa trọng tài, Philippines đã có những hành động để khẳng định chủ quyền biển đảo của mình, bao gồm các động thái ngoại giao. “Trọng tâm của mặt trận ngoại giao của Philippines là cơ chế tham vấn song phương về biển Đông. Cơ chế này được thiết lập trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Duterte tới Trung Quốc vào tháng 10/2016”, ông Luna nói.
Cơ chế tham vấn song phương là cơ chế đối thoại song phương chính giữa Philippines và Trung Quốc với 4 nhóm công tác về tranh chấp lãnh thổ, đòi hỏi chủ quyền đối với vùng chồng lấn ở biển Đông. Bốn nhóm công tác này bao gồm chính trị-an ninh, dầu khí, ngư nghiệp và nghiên cứu khoa học biển, và bảo vệ môi trường biển, ông Luna cho biết. “Cùng với cơ chế tham vấn song phương, Philippines tái khẳng định cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002”, ông nói.
Đối với trong nước, chính phủ Philippines đang hài hòa hóa và đẩy mạnh việc giám sát, thực thi pháp luật và phát triển năng lực bảo đảm an ninh, an toàn trong vùng biển của mình trên biển Đông, như cải tạo đường băng, bến đỗ tàu thuyền… Theo Thứ trưởng Luna, việc giám sát, thực thi pháp luật hiệu quả giúp chính phủ Philippines kịp thời có hành động ngoại giao mỗi khi Trung Quốc có hành động phi pháp trên biển Đông, như xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đâm va tàu cá Philippines…