Philippines công bố kết quả tăng trưởng năm 2022: Cao hay thấp hơn Việt Nam, Singapore?

Anh Tuấn (tổng hợp) |

Theo Nikkei, GDP của Philippines đã tăng trưởng 7,6% trong năm 2022. Mức tăng trưởng này vượt qua mục tiêu của Chính phủ nhờ tiêu dùng trong nước vẫn ổn định mặc dù lạm phát tăng cao.

Theo Nikkei, GDP của Philippines đã tăng trưởng 7,6% trong năm 2022 . Mức tăng trưởng này vượt qua mục tiêu của Chính phủ nhờ tiêu dùng trong nước vẫn ổn định mặc dù lạm phát tăng cao.

Dữ liệu của Chính phủ Philippines công bố cho thấy, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội nhanh hơn mức 5,7% được ghi nhận vào năm 2021 và vượt quá dự đoán của chính phủ là 6,5% đến 7,5%.

Philippines công bố kết quả tăng trưởng năm 2022: Cao hay thấp hơn Việt Nam, Singapore? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Cơ quan Phát triển và Kinh tế Quốc gia, ông Arsenio Balisacan nói: "Sự tăng trưởng nhu cầu trong nước được thúc đẩy nhờ sự mở rộng trong các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, ngoài ra, sản xuất ở hầu hết các tiểu ngành đã trở lại mức trước đại dịch".

Dịch vụ lưu trú và ăn uống ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất với 31,8%, sau khi Chính phủ mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế và dỡ bỏ các hạn chế trong thời kỳ đại dịch.

Trong quý 4/2022, GDP của Philippines tăng trưởng 7,2%, chậm hơn mức 7,8% cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn nhanh hơn mức dự báo trung bình 6,5% của Reuters.

Về lạm phát, ông Balisacan cho biết: “Lạm phát cao hiện nay sẽ tác động đến quý 1 và quý 2/2023; đó là lý do tại sao chúng tôi đã giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2023 xuống còn 6% đến 7%".

Lạm phát của Philippines trong tháng 12 đã nhanh chóng đạt mức cao nhất trong 14 năm là 8,1%, đưa mức trung bình cả năm ở mức 5,8%.

Trước đó, theo Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore, nhờ dỡ bỏ các hạn chế do đại dịch COVID-19, GDP của Singapore đã tăng trưởng 3,8% trong năm 2022.

Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2022 của Singapore thấp hơn so với con số tăng trưởng 7,6% của năm 2021. Lý do bởi Singapore đã chứng kiến sự sụt giảm trong xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài đặc biệt là từ Trung Quốc trở nên suy yếu.

Riêng trong quý IV/2022, tăng trưởng GDP của Singapore đạt 2,2%, thấp hơn so với mức 4,2% của quý III/2022. Cụ thể, tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ lĩnh vực sản xuất giảm 3%. Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng tăng trưởng 10,4% trong quý IV/2022; khu vực dịch vụ tăng 4,1%.

Năm ngoái, Singapore đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á dỡ bỏ các hạn chế do đại dịch COVID-19 gây ra, mang lại lợi ích cho các lĩnh vực liên quan đến hàng không và du lịch. Tuy nhiên, giá năng lượng và lương thực tăng nhanh đã khiến Ngân hàng trung ương Singapore phải thực hiện một loạt các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Với những cơn gió ngược đang hình thành như nhu cầu xuất khẩu tiếp tục suy yếu, đặc biệt là đối với hàng điện tử và những lo ngại về khả năng suy thoái ở các nền kinh tế tiên tiến, các chuyên gia dự đoán tăng trưởng kinh tế của Singapore sẽ chậm lại trong năm 2023, ở mức từ 0,5% - 2,5%.

Cuối năm 2022, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2022 và cả năm 2022 của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, GDP năm 2022 của Việt Nam ước tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Tính riêng quý IV/2022, GDP của Việt Nam ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại