Philippines bắt đầu mất kiên nhẫn với tàu đội lốt của Trung Quốc trên Biển Đông

Bình Giang |

Philippines đã bắt đầu phản ứng với sự hiện diện hùng hậu của đội tàu dân quân Trung Quốc trên biển Đông, coi lược lượng này là một mối đe dọa.

Tháng trước, Manila gửi 2 phản đối ngoại giao về sự hiện diện dày đặc của lực lượng tàu dân quân Trung Quốc ở vùng biển quanh đảo Thị Tứ, cấu trúc trên biển Đông mà Philippines đang chiếm đóng.

Hai phản đối đó cũng nói đến vụ 4 tàu chiến Trung Quốc đi qua lãnh hải của Philippines vào tháng 2 năm nay mà không thông báo, cùng với vụ tàu sân bay Liêu Ninh tháng trước đi vào vùng biển gần đảo Mindanao ở phía nam Philippines.

Như đã được xác nhận bởi Bộ trưởng Quốc Delfin Lorenzana, các tàu chiến và tàu sân bay này liên tiếp đi qua eo biển Sibutu và đều tắt hệ thống nhận diện điện tử.

Lo ngại về hoạt động của hải quân Trung Quốc ở khu vực này đã được Bộ trưởng Lorenzana nêu ra với Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa trong lễ kỷ niệm 92 năm thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc mà nước này tổ chức ở Manila.

Các quan chức Philippines cho biết trong ngày 25/7, có đến 113 tàu Trung Quốc vây đảo Thị Tứ. Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon Jr. cho rằng sự hiện diện của các tàu này là một phần của chiến lược vùng xám mà Trung Quốc áp dụng trên biển Đông tranh chấp. Số tàu Trung Quốc hiện diện ở Thị Tứ trong tháng 2 là 61.

Lực lượng tàu dân quân Trung Quốc hiện diện thường xuyên ở khu vực mà Philipines chiếm đóng trên biển Đông, khiến giới chức quân sự Philippines cực kỳ lo ngại.

Chỉ riêng giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, ít nhất 600 tàu thuộc lực lượng tàu dân quân biển Trung Quốc đã hiện diện, bằng cách đứng yên hoặc lảng vảng quanh đảo Thị Tứ, khiến ngư dân Philippines nổi giận vì không thể vào đánh bắt.

Ngụy trang là tàu cá, những con tàu vỏ thép đang thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm cung cấp nhiên liệu và giám sát cho Hải quân Trung Quốc. Chúng thậm chí còn được dùng để bắt nạt, quấy phá và tấn công những tàu cá khác, nhằm hỗ trợ hoặc củng cố đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển này.

Ngày 9/6, một tàu Trung Quốc được cho là thuộc đội tàu dân quân đã đâm húc và làm chìm một tàu cá của Philippines ở bãi Cỏ Rong rồi bỏ mặc 22 ngư dân trên biển. Họ chỉ được cứu khi một tàu đánh cá của Việt Nam đi qua.

Mới gần đây, Tư lệnh lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ Karl Shultz nói rằng hoạt động của những tàu Trung Quốc trên biển Đông không tuân thủ các quy tắc hoạt động trên biển. Ông kêu gọi các quan chức Asean phản ứng với hành vi đi ngược trật tự dựa trên luật lệ này.

Ông Lorenzana gọi Trung Quốc là kẻ bắt nạt, đặc biệt là cách nước này chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012 sau một vụ đối đầu giữa lực lượng hai nước.

Ông cũng chỉ trích Trung Quốc vẫn lên tiếng kêu gọi hòa bình cho biển Đông, cho dù nước này là nguồn gốc rắc rối ở khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại