Bị cáo Đinh La Thăng (trái) cùng đồng phạm hầu tòa
Chiều 17-12, tại phiên tòa xét xử vụ sai phạm trong thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương gây thiệt hại hơn 725 tỉ đồng, luật sư bào chữa đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT), cấp dưới ông Thăng, số tiền đại diện VKSND TP HCM xác định là thiệt hại.
Theo một số luật sư bào chữa, có ý kiến nói rằng thực chất hợp đồng mua bán quyền thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương không phải là hợp đồng đấu giá mà là hợp đồng đấu thầu. Vì thế, người chịu trách nhiệm cao nhất là bộ trưởng Bộ GTVT thời kỳ đó.
Trả lời luật sư, bị cáo Đinh La Thăng cho biết sau khi ký quyết định thành lập Hội đồng định giá quyền thu phí tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương và giao ông Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) làm chủ tịch, bị cáo không nhận bất cứ ý kiến báo cáo về vướng mắc trong quá trình tổ chức đấu giá. Từ đó đến khi chuyển sang vị trí công tác khác, bị cáo không nhận phản hồi, phản ánh có nội dung doanh nghiệp trúng đấu giá (Công ty Yên Khánh) làm sai.
Nguyên thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trả lời chất vấn
Đối với hơn 725 tỉ đồng – tiền nhà nước thất thoát (theo cáo buộc từ cơ quan công tố), bị cáo Đinh La Thăng trình bày sau khi hợp đồng mua bán quyền thu phí có hiệu lực, tiền thu về từ hoạt động thu phí thuộc về Công ty Yên Khánh theo đúng quy định.
Nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, Bộ GTVT sẽ yêu cầu đơn vị nhận ủy quyền ký hợp đồng với doanh nghiệp (Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) giải quyết. Một lần nữa, bị cáo Đinh La Thăng nhắc lại ông giao mọi việc cho thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đó tiến hành theo thẩm quyền.
"Bộ GTVT thực hiện quyền quản lý nhà nước về dự án. Tiền của doanh nghiệp sao Bộ GTVT can thiệp được" - bị cáo Đinh La Thăng tỏ ra khá gay gắt.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) khẳng định Công ty Yên Khánh tuân thủ nghiêm quy định pháp luật suốt quá trình tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ có nhiều vấn đề muốn hỏi đại diện Bộ GTVT
Bị cáo Tô Phước Hùng (cựu Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) giải thích sau khi hợp đồng có hiệu lực, số tiền thu về từ hoạt động thu phí cao tốc (trong đó có hơn 725 tỉ đồng) thuộc Công ty Yên Khánh. Khi luật sư chất vấn về động cơ bị cáo chỉ đạo cấp dưới bỏ ngoài sổ sách hơn 725 tỉ đồng, bị cáo không đáp lời. Tuy nhiên, bị cáo nói rằng thông thường, doanh nghiệp muốn trốn thuế sẽ dùng cách "trốn doanh thu".
Chiều nay, đại diện bị hại – Bộ GTVT không có mặt. Trước tình huống như vậy, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ mong tòa án lưu ý, đốc thúc người đại diện dự tòa để làm rõ nhiều vấn đề khúc mắc tồn tại trong vụ án.
Đại diện VKSND TP HCM cáo buộc bị cáo Đinh La Thăng , Nguyễn Hồng Trường cùng 5 đồng phạm (nguyên lãnh đạo, cán bộ cơ quan nhà nước) tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" (có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù) .
Liên quan tới vụ án, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cùng 12 bị cáo khác bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Theo cáo trạng, với vai trò Bộ trưởng Bộ GTVT - người đứng đầu được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương, ông Đinh La Thăng ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí cao tốc.
Ông Đinh La Thăng nắm rõ quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, về chuyển giao quyền thu phí; nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn... Dù vậy, ông Thăng cùng cấp dưới giao quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương trái pháp luật, dẫn đến sai phạm gây thiệt hại hơn 725 tỉ đồng. Số tiền này bị Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt, trục lợi.