Hy Lạp sau đỉnh cao EURO 2004 là rơi tự do, chẳng khác gì cuộc khủng hoảng nợ công mà quốc gia này đang trải qua. Xa hơn chút, Đan Mạch vô địch EURO 1992 rồi lập tức biến mất khỏi bản đồ bóng đá thế giới.
Điểm chung giữa hai đội tuyển này là họ quên rằng, vô địch đã khó, nhưng bảo vệ thành quả ấy còn khó hơn. Đâu phải ngẫu nhiên mà suốt hai thập kỷ qua, không CLB nào lên ngôi ở Champions League hai năm liên tiếp.
Cảm giác sung sướng và trạng thái phấn khích thường ngự trị trong con người ta. Đấy cũng hoàn toàn là diễn biến tâm lý bình thường, bởi xu thế của chúng ta là ăn mừng chiến thắng mà!
Nhưng cũng vì thói quen “xấu” này mà từ chỗ là hiện tượng của làng cầu thế giới, những đội tuyển này lập tức đào hố chôn lấy thân mình. Mà dễ thấy nhất, bao giờ cũng là công tác “tìm lớp kế cận”.
Họ thường đổ tại kết quả yếu kém của các đội lớp “U”, cho rằng đó là lỗi của liên đoàn và một nền bóng đá. Thay vì mất thời gian đi hướng dẫn, chỉ bảo từng lớp cơ sở, đội quân ấy có thể dành dụm chút thời gian ít ỏi và hướng tới những đỉnh cao mới hơn, ngay khi tinh thần đang lên cao.
Song, sự thật bóng đá là một trò chơi chuyên môn. Ở đó, chuyện may rủi hay thần tiên không phải biến cố thường xảy ra.
Ai giỏi hơn người nấy thắng, đơn giản có vậy thôi. Hy Lạp hay Đan Mạch có thể thắng hôm nay, nhưng không thể thắng cả trận chiến đường dài.
Bởi bao nhiêu tinh hoa đã được phơi bày trong vỏn vẹn 30 ngày. Còn sau đấy thế nào, là chuyện của… trời tính.
Cái lằn ranh mong manh giữa đội mạnh và đội yếu trong bóng đá hiện đại nhẽ ra đã được hai đội bóng ấy xòa nhòa, nếu họ cẩn thận, cầu toàn và chuyên nghiệp, dù chỉ một chút thôi.
Tiếc rằng, cả Đan Mạch và Hy Lạp đều mang dư âm của những chiến thắng xưa cũ vào các trận địa mới toanh. Từ khó đoán, họ dễ bị bắt bài hơn bao giờ hết.
Vẫn chung lối chơi, từng ấy con người và 1 ông HLV, không có gì mới mẻ cả. Mới mẻ, là mới mẻ từ… những năm trước đấy.
Xứ Wales hãy luôn nhớ rằng, thành công hôm nay nhưng cũng có thể là thất bại ngày mai, nhất là với một nền bóng đá ít tiền và kém phát triển.
FAW, LĐBĐ xứ Wales cần gia hạn với HLV Chris Coleman, tăng quyền quản trị của ông từ coach (HLV) lên manager (nhà quản lý).
Cũng đừng vì thất bại của đội U20 trong chiến dịch vòng loại trẻ châu Âu mùa hè tới mà cắt đứt nguồn viện trợ cho nhóm sao mai.
Đừng quên, Hy Lạp trượt dài vì độ tuổi trung bình quá cao, luôn vượt mốc 30. Và sang tháng, thủ quân của xứ Wales, Ashley Williams sẽ bước sang tuổi 21.
Trong vài ba năm tới, xứ Wales đủ sức tiếp tục bước tiếp bằng đội hình, chiến thuật ở EURO 2016. Nhưng 5 năm nữa thôi, chuyện sẽ khác nếu Xứ Wales vẫn chỉ là Xứ Wales của ngày hôm qua.
Thời gian thì không đợi ai bao giờ. Phía trước là vực sâu hay bầu trời, hoàn toàn do xứ Wales lựa chọn.