Ở VCK U23 châu Á 2022 vừa qua, thủ môn Quan Văn Chuẩn nhận được nhiều lời khen khi vào sân thay cho đàn anh Nguyễn Văn Toản chấn thương. Thủ thành sinh năm 2001 để lại dấu ấn khi có nhiều pha cứu thua giúp U23 Việt Nam. Ít ai biết rằng anh đã phải vượt qua một tuổi thơ gian khó.
Văn Chuẩn sinh ra ở thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Cái tên Quan Văn Chuẩn cũng gắn liền với những phong tục ở nơi đây. Theo phong tục người Tày, nếu sinh con vào ngày 15 thì phải cúng 3 con lợn nhưng Văn Chuẩn sinh vào ngày 14 chỉ phải cúng 1 con lợn, thấy vậy bác ruột mới đặt tên là Quan Văn Chuẩn vì sinh rất "chuẩn" giờ, giúp gia đình tiết kiệm.
Tên của Văn Chuẩn gắn với phong tục tại địa phương (Ảnh: Hiếu Lương)
Ngay từ nhỏ, cậu bé người dân tộc Tày đã nuôi dưỡng niềm đam với trái bóng tròn. Cuộc sống khó khăn đã giúp Văn Chuẩn tự lập từ bé, ngoài việc học tập, anh cũng biết giúp bố mẹ những công việc gia đình. Năm 9 tuổi, khi đó thôn Bản Chỏn làm đường, bố mẹ anh ra bờ suối gom cát, Chuẩn cũng vác xẻng đi gom cát ở bờ suối để bán. Thấy cậu bé chăm chỉ, các bác hàng xóm cũng thương, vác cát hộ mỗi người 1 tay. Kiếm được 20.000 đồng tiền bán cát, Văn Chuẩn đã dùng để mua bóng. Bố mẹ thấy vậy cũng cho thêm để anh mua được quả bóng 30.000 đồng.
Kể lại về niềm đam mê của con trai, bà Ma Thị Bình cho biết:
"Chuẩn mê bóng đá từ năm 4 tuổi, gia đình tôi lúc đó khó khăn nên con tự bẻ lá chuối khô về cuốn thành quả bóng để tập. Buổi trưa bố mẹ đi làm về thấy con tự chơi bóng 1 mình. Học đến lớp 4, nhà trường tổ chức tập đội bóng trẻ. Chuẩn cũng về nhà báo cáo bố mẹ để xin phép theo thầy ra huyện Chiêm Hóa đi đá bóng. Tôi và con đi trước ra huyện để chuẩn bị mọi thứ từ quần áo và đồ đạc. Đi từ 5h sáng, đường đi rất khó, ngày ấy chưa có đường nhựa phải đi đường đèo, đi bằng xe máy mất 1 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Đến cửa hàng bán quần áo, Chuẩn thích bộ đồ màu cam, mẹ cũng chiều ý con. Thời điểm đó mua áo hết 15.000 đồng, tính cả tiền ăn uống, đi lại cũng hết hơn 100.000 đồng, khoảng 2-3 ngày công làm nông của bố mẹ".
Một góc nhỏ nhà của Văn Chuẩn (Ảnh: Hoàng Anh)
Sự nỗ lực của cậu bé ở thôn Bản Chỏn đã được đền đáp bằng suất tham dự U11 Tuyên Quang. Sau 1 năm tập luyện tại đây anh đỗ trong đợt tuyển chọn của trung tâm đào tạo trẻ Hà Nội và bắt đầu chuyến đi từ Tuyên Quang xuống Hà Nội theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Những ngày đầu Văn Chuẩn thường xuyên nhớ nhà, cứ 12h đêm lại gọi về cho bố mẹ. Khoảng 1 tháng sau khi anh vào trung tâm Hà Nội, bà Bình mới xuống thăm con.
"Sau 1 tháng, tôi xuống thăm con, đó cũng là lần cuối mà Chuẩn ngồi vào lòng mẹ, sau đó con chững chạc và trưởng thành hơn rồi. Còn nhớ đợt đó mỗi lần xuống thăm con, bố mẹ cũng mua cho con 2 dây sữa, con thích lắm, mà phải là sữa milo", mẹ Văn Chuẩn chia sẻ.
Với gia đình Văn Chuẩn, số tiền 300.000 - 400.000 đồng đi từ Tuyên Quang xuống Hà Nội thời điểm đó không phải số tiền nhỏ. Nhưng họ vẫn dành dụm, vay mượn để đi thăm, động viên con trai theo đuổi đam mê. Không phụ lòng bố mẹ, Chuẩn cũng rất tiết kiệm, số tiền đầu tiên anh nhận được sau khi cùng U19 Hà Nội vô địch U19 quốc gia, anh đã gửi bố mẹ.
"Chuẩn có 1 ít tiền thưởng nên đưa cho bố mẹ trang trải cuộc sống hàng ngày. Hai vợ chồng tôi rất vui, cảm động và thương con lắm, vất vả tập luyện. Nhiều khi thấy thương con, chúng tôi chỉ biết động viên con cố gắng vượt qua", bà Bình nói.
Những thành tích trong các giải trẻ của Quan Văn Chuẩn (Ảnh: Hoàng Anh)
Những ngày qua, thấy Văn Chuẩn trưởng thành, được thi đấu trong màu áo U23 Việt Nam gia đình rất vui mừng và hạnh phúc. Nhưng cũng lo lắng khi cậu con trai thi đấu không may mắn. Dù vậy, Văn Chuẩn còn rất trẻ, trở về sau VCK U23 châu Á chắc chắn với anh sẽ là một tương lai rộng mở.