Phút gặp gỡ giữa Đồng Xuân Hưng và mẹ tại trại giam
1. Lần đầu tiên trong đời, bà mẹ lam lũ Nguyễn Thị Sửu bất ngờ nhận được lá thư của con trai Đồng Xuân Hưng, sinh 1977, ở phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng. Lá thư được gửi từ Trại giam Xuân Nguyên, nơi con bà đang thụ án vì tội giết người.
Hoảng hốt, bà tưởng có gì hệ trọng nên con mới viết thư về nhà. Nhưng gói trong lá thư là những dòng chữ của một bài thơ đã nhòe đi vì nước mắt, chất chứa ăn năn của đứa con tội lỗi.
“Vì con sương gió gội đầu/Hiện trong mắt mẹ nỗi sầu bi ai/ Mười chín năm thật là dài/ Để cho con được sửa sai cuộc đời…”.
Đôi tay run run, bà Sửu gói ghém lá thư cẩn thận. Và rồi những đêm không ngủ, bà lại trở dậy lần hồi đọc đi đọc lại với hi vọng như Hưng nhắn nhủ trong thư: “Một lần nữa con xin hứa với mẹ, nơi đây con sẽ không ngừng vươn lên, con cải tạo thật tốt để sớm được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Con sẽ luôn hướng về phía mặt trời để bóng đen quá khứ phai mờ dần trong con…”.
Phận làm con, Hưng chưa một ngày báo đáp được công sinh thành dưỡng dục. Thì nay bà Sửu lại phải thay Hưng cháo rau, chăm sóc 2 đứa cháu nội đang độ tuổi cắp sách đến trường.
Chỉ vì phút nông nổi, Đồng Xuân Hưng đã phạm tội giết người và phải trả giá bằng bản án 19 năm tù giam.
Đó là đêm 28-6-2012, Hưng đến nhà anh Nguyễn Đức Hiếu, sinh 1986, ở số 7/101 Cam Lộ 1, phường Hùng Vương chơi và ngủ lại. Khi thức dậy, Hưng phát hiện chiếc ĐTDĐ của mình đã “không cánh mà bay”.
Nghi ngờ cho anh Hiếu lấy trộm, Hưng tức tốc mang theo 1 thanh kiếm tự tạo rồi đi tìm.
Phát hiện Hiếu ở khu vực xã Tân Tiến (huyện An Dương), Hưng đuổi theo dùng kiếm vụt và chém liên tiếp vào người và đầu, đồng thời tra hỏi việc bị mất trộm điện thoại.
Anh Hiếu thừa nhận lấy trộm điện thoại của Hưng mang đi cầm đồ được 200 nghìn đồng.
Sau đó, Hưng tiếp tục trói tay và dẫn anh Hiếu về nhà một người họ hàng của anh Hiếu ở đường 5 cũ, thuộc phường Hùng Vương để xin tiền chuộc lại điện thoại.
Sau khi lấy được 200 nghìn đồng, Hưng bắt anh Hiếu cùng đi chuộc lại điện thoại, nhưng anh Hiếu cãi cự lại.
Tức giận, Hưng đạp mạnh vào người và mặt khiến anh Hiếu ngã đập đầu xuống đất, gây chấn thương sọ não và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Ngay ngày hôm sau, Hưng bị cơ quan công an bắt khẩn cấp.
2. Được biết, thời gian qua đã có hàng ngàn lá thư “Gửi lời xin lỗi” đã được viết gửi đi bởi chính những phạm nhân đang thi hành án tại trại giam Xuân Nguyên.
Đáng chú ý, trong số này có thư của phạm nhân từng là nữ tử tù tên Nguyễn Thị Oanh, sinh 1967, ĐKTT ở thôn Khuôn Lạc, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, hiện đang chấp hành án tại phân trại 1.
Nói về người đàn bà bất chấp pháp luật và lắm mưu mô này thì cuộc đời của Oanh như một “giai thoại” chẳng có gì tốt đẹp.
Phạm nhân Nguyễn Thị Oanh
Trước đó chồng của Oanh là Hà Sĩ Lạc, ở TP Thái Nguyên cũng bị án phạt 20 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy. Nhưng Oanh chẳng lấy đó làm bài học.
Ngày 24-10-2004, Oanh mang theo 1 tỉ đồng lên khu vực chợ Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình mua 20 bánh heroin, 26 viên hồng phiến về bán kiếm lời.
Trên đường về Hà Nội, đến địa phận huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình, Oanh bị lực lượng Công an huyện Cao Phong bắt quả tang.
Kết cục sau đó, Nguyễn Thị Oanh bị TAND tỉnh Hòa Bình tuyên án tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Trong quá trình Oanh bị giam giữ tại Trại tạm giam Hòa Bình chờ ngày ra pháp trường, thì một sự việc hy hữu xảy ra là thị bất ngờ có thai.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm sáng tỏ việc việc Oanh có quan hệ tình dục với phạm nhân Nguyễn Trường Thiên, ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (chấp hành án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).
Còn Nguyễn Thị Oanh, ngày 5-3-2007, TAND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định của Chánh án TAND tối cao về việc chuyển hình phạt tử hình xuống chung thân và sau đó được chuyển về Trại giam Xuân Nguyên để tiếp tục chấp hành hình phạt tù.
Ngày 25-3-2007, Oanh được cán bộ trại giam đưa vào Bệnh viện phụ sản Hải Phòng và sinh con trai nặng 3,4kg, đặt tên là Nguyễn Oanh Thiên N.
Sau khi Oanh sinh con, Viện Khoa học hình sự đã cử cán bộ xuống Trại giam Xuân Nguyên lấy mẫu tóc, niêm mạc miệng của phạm nhân Nguyễn Thị Oanh và bé Nguyễn Oanh Thiên N để giám định gen ADN.
Kết quả giám định gen đã xác định, Nguyễn Trường Thiên là cha đẻ của Nguyễn Oanh Thiên N, xác suất 99,98%.
Thoát án tử, dù rất “trải” đời và lắm xảo quyệt nhưng Oanh cũng nhận ra vì mình mà liên lụy đến người khác. Thị đã viết thư gửi lời xin lỗi tới bố, mẹ của Nguyễn Thuyên (cán bộ Trại tạm giam Hòa Bình đã bị xử lý).
Trong thư Oanh dằn vặt, ân hận: “Những năm qua cháu vẫn sống nhưng không phải là cháu nữa, sự đau đớn xót xa, ân hận và day dứt cứ âm thầm tra tấn tâm hồn mỗi ngày, mỗi giờ không sao vơi bớt được.
Món nợ “ân tình” quá nặng nề so với sức chịu đựng của cháu. Sống trên nỗi đau và sự mất mất của người từng bị liên lụy, cháu vô cùng khổ tâm.
Ông bà đã nuôi dạy con lên người thành tài như vậy cũng ví như trồng cây đến ngày kết trái, chính cháu đã cướp đi thành quả của cả đời ông bà đã vun đắp, nuôi dưỡng…”.
3. Đã gần chục năm trôi qua kể từ cái ngày chuyện dữ xảy ra với con trai, nỗi đau mất con vẫn hằn sâu trên gương mặt khắc khổ của ông Trần Văn Trạc, ở xã Quảng Châu, TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên).
Nhưng những dòng chữ của phạm nhân Trần Quốc Toàn, sinh 1975, hiện chấp hành án 20 năm đã khiến ông tha thứ, bao dung cho chính thủ phạm gây ra cái chết của con trai mình.
Trong thư, Toàn thành khẩn: “Hai bác ơi! Bố mẹ cháu cũng đã nói với cháu rằng nếu như ngày hôm đó không phải là anh Thiết nằm xuống mà lại chính là con thì bố mẹ sẽ sống sao?. Nghe những lời đó mà lòng cháu quặn lại.
Vậy thì ngày đó hai bác đau, đau nhiều vô cùng. Lẽ ra vào tuổi hai bác được con cháu phụng dưỡng, báo hiếu vui bên gia đình. Nhưng giờ đây thay vào đó là sự đau thương mất mát, là cái không khí trầm lặng, u buồn.
Cháu biết phải làm sao đây?. Cháu trăm lần, nghìn lần xin được cúi đầu trước hai bác. Cháu rất ân hận và hối tiếc về hành động ngu ngốc đó của mình.
Cháu sẽ cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình và xã hội. Lúc đó cháu sẽ là một công dân tốt, chấp hành nghiêm mọi quy định của pháp luật”.