Bóng đá quả thật là sân chơi của cảm xúc. Cách đây ít lâu, U16 Indonesia thắng U16 Thái Lan để vô địch ĐNÁ. Hơn 3 vạn NHM đã tới xem trận đấu này và người Indonesia, các cầu thủ trẻ của họ, òa khóc sau chiến thắng.
Có gì đó tưởng như "sai sai" khi nhìn các cầu thủ U16 bước lên chấm luân lưu, gánh trên vai sức nặng ngàn cân là sự kì vọng của các một dân tộc. Đó mới là giải đấu trẻ U16 thôi mà? Nhưng đó là bóng đá và gánh vác tình yêu, niềm tin thì buộc phải nặng gánh dù ở bất cứ lứa tuổi nào.
Tối qua, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi trên SVĐ Patriot Candrabhaga. Các cầu thủ Syria gục ngã, tức tưởi khi là đội được đánh giá cao hơn, chơi "cửa trên" nhưng thua 0-1 sau 120 phút nghẹt thở.
Trước đó, HLV Kim Han-bum của Hàn Quốc được cho là đã khóc trong phòng họp báo, sau khi các học trò của ông nhọc nhằn thắng Uzbekistan 4-3 cũng sau 120 phút thi đấu. Ngược về vòng 1/8, HLV Luis Milla của chủ nhà Indonesia bật khóc ngay trước mặt các cầu thủ, sau khi thua UAE ở loạt sút luân lưu.
Các cầu thủ Syria bật khóc sau khi thua Việt Nam. Dù Asiad là giải đấu trẻ, nhưng không có nghĩa nó mất đi tính chất khốc liệt của thắng-thua và các đội tham gia có thể xem nhẹ mục tiêu thành tích (Ảnh: Tú Anh).
Vậy mà trước giải đấu này, cây bút người Australia của Fox Sports Asia Scott McIntyre lại cho rằng Việt Nam chẳng nên quá ham hố thành tích làm gì, mà nên dùng Asiad làm sân chơi cho bóng đá trẻ, như cách Nhật Bản, Thái Lan chuẩn bị trước khi đến Indonesia.
Theo Scott McIntyre, Việt Nam không nên chơi thứ bóng đá phòng ngự tiêu cực mà cần tấn công, để các ngôi sao tấn công được tỏa sáng, được các tuyển trạch viên trên thế giới biết đến và mở rộng cơ hội xuất ngoại. Cái lý lẽ đó, Scott McIntyre đã nói từ trước khi chúng ta lên ngôi vô địch U23 châu Á hồi đầu năm.
Nhưng có lẽ, Scott McIntyre đã quên đi 2 điều cơ bản nhất. Bóng đá dù ở bất cứ cấp độ nào, giải đấu nào, cũng ít nhiều gánh vác niềm tin và tình yêu của NHM. Với riêng U23 Việt Nam, họ đang gánh vác niềm tin của cả dân tộc. Vì thế, toàn đội đã ra sân thì luôn chơi với hết sức mình hòng đạt mục tiêu chiến thắng.
Và thứ 2, Việt Nam nổi bật với lối chơi phòng ngự phản công, nhưng trong lối chơi ấy, HLV Park Hang-seo cùng các học trò luôn biết cách để tỏa sáng ở các tình huống ghi bàn, thể hiện rõ những phẩm chất của các ngôi sao tấn công như Quang Hải, Công Phượng... Chính vì thế, U23 Việt Nam mới truyền được cảm hứng, thu hút được tình yêu khắp châu Á như vậy.
Về phần Thái Lan, đội bóng này dùng nhiều cầu thủ trẻ, không dùng 3 suất hơn tuổi để dự Asiad và bị loại từ vòng bảng. Hệ quả là giờ đây nền bóng đá Thái Lan đang "loạn" vì thất bại này, nối tiếp trước đó cũng là thất bại từ vòng bảng ở VCK U23 châu Á. Trong thi đấu thế thao, trình diễn thế nào là điều quan trọng, nhưng thành tích không bao giờ là thứ có thể bỏ sang một bên.