Lê Văn Công hoàn thành mức tạ 181kg
Chuyện chàng trai năm ấy
Nhắc đến đất Hà Tĩnh những năm 1990, dường như người ta chỉ nhắc đến cái nghèo cái khổ. Những năm tháng chiến tranh đi qua, cho đến khi tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành Nghệ An và Hà Tĩnh, thì vùng đất cách tỉnh Quảng Bình con đèo Ngang này vẫn được liệt vào vùng đất "đệ nhất nghèo" của cả nước.
Những năm 2000, các dự án công nghiệp bắt đầu khởi công, trong số ấy có mỏ sắt Thạch Khê hay cảng Vũng Áng…
Nhưng trong con đường thiên lý Bắc Nam, người ta chỉ nhớ đến những địa danh lịch sử, văn hóa, cho đến vấn nạn xã hội như động "thiên đường" ở thị trấn Voi (Kỳ Anh) mà báo chí hay nói đến.
Ở tuổi đôi mươi, chàng trai tật nguyền Lê Văn Công cũng theo chúng bạn vào Nam với hy vọng thoát khỏi cái nghèo cái đói. Hay như anh từng thừa nhận với chúng tôi, nếu không đi thì ở lại cái vùng đất này cũng chẳng biết làm gì mà ăn.
Mãi rồi Lê Văn Công cũng tìm ra được 1 cái nghề cho mình là sửa chữa điện tử (ảnh Khám phá).
Sài Gòn bao dung! Giữa những năm 2000, chính quyền địa phương nơi đây xây dựng rất nhiều trung tâm bảo trợ xã hội, định hướng nghề cho những người sinh ra không may mắn, trong đó có những người tật nguyền như Lê Văn Công.
Trên chuyến xe khách còn chạy dầu năm ấy, Công tính sẽ gõ cửa để xin vào một trung tâm học nghề. Nhưng cuối cùng vì miếng cơm manh áo, anh lại xin vào làm tại một xưởng gỗ, dạng làm công ăn lương.
Thật ra, đấy cũng là cái nghề mà anh cảm thấy "quen tay" bởi ngày ở quê, cũng đã đôi lần, anh cầm cưa, cầm đục… Tuy nhiên, công việc làm kiểu công nghiệp không hề đơn giản chút nào.
"Thời điểm ấy, tôi cảm thấy nản vô cùng, đồng lương không đủ trang trải cuộc sống, chứ đừng nói gì việc dành dụm. Thế nên, tôi đành phải chuyển hướng khác", Lê Văn Công nhớ lại.
Chàng trai người Hà Tĩnh đã lặn lội khắp nơi và tìm hiểu đủ nghề. Nhưng rồi khi người ta nhìn vào chiếc xe lăn, tất thảy đều nói rằng, anh không phù hợp với đặc thù công việc được giao. Không chịu bỏ cuộc, Lê Văn Công tiếp tục "lục tung" cái thành phố này lên để kiếm cho mình một cái nghề.
Nhà vô địch Paralympic 2016 từng vô cùng chật vật trong việc kiếm kế sinh nhai tại TP. HCM.
Và cuối cùng, anh đã quyết định theo học nghề sửa chữa điện tử. Cũng kể từ đó, chàng trai sinh năm 1984 này bắt đầu có thêm những người bạn và đấy cũng là thời điểm anh bắt đầu đến với môn cử tạ.
Những HLV đầu tiên của Lê Văn Công kể rằng, khi chàng trai này đến với phòng tập, đầu tiên đơn giải chỉ là thử cho biết.
Nhưng rồi, càng tập, Công càng cho thấy được những tố chất đặc biệt của mình. Thế nên, anh đã quyết định tập luyện thường xuyên hơn để thi đấu như một VĐV đúng nghĩa.
Cũng chẳng ngờ rằng chỉ mất vài năm, Lê Văn Công là nhà vô địch châu Á (2007). Và ở tuổi 34, chàng trai năm ấy đã là kỷ lục gia của Paralympic 2016, đó là chưa kể đến vô số danh hiệu khác ở đấu trường châu lục và thế giới.
Khi Lê Văn Công sang Brazil thi đấu, mẹ vợ anh từ Nghệ An lên hỗ trợ chị Tám trông 2 con.
Hạnh phúc nảy mầm từ nước mắt
Ngay sau khi Lê Văn Công giành Paralympic 2016, ngôi nhà của anh ở huyện Đức Hòa, Long An bỗng nhiên rôm rả đến lạ. Vợ anh, chị Chu Thị Tám nói với chúng tôi "Chưa bao giờ được đón khách kiểu ni. Đông chi lạ!".
Hai đứa con bụ bẫm bấu lấy vai khi thấy người lạ, khiến chị cảm thấy áy náy vì không tiếp khách phương xa được.
Nhưng chẳng sao cả, trong ánh mắt hiền hậu ấy, chúng tôi nhận ra niềm hạnh phúc của người phụ nữ, từng vượt qua những lời cay nghiệt và cả sự thị phi khi đến với chàng trai tật nguyền Lê Văn Công.
Tôi hỏi chị: "17 tuổi, lại đẹp nữa, thiếu gì mà chị phải lòng anh Công?". Chị cười hiền: "Trời xui đất khiến, chẳng biết nói sao cả. Mà hồi đó, tôi và anh Công gặp nhau cứ ngồi xa cả vài mét, lại chẳng còn dám nhìn mặt nhau dù trong bụng cũng có thích thích!".
Những bằng khen của đô cử Lê Văn Công.
Tuổi 17 dệt mộng mơ, cũng như anh Công, chị Tám vô Nam cũng để tìm cho mình một công việc, với khát khao rời khỏi cái vùng quê nghèo ven biển xứ Nghệ.
Sau thời gian tìm hiểu, đôi bên phải lòng nhau. Nhưng cuộc đời trớ trêu, một ngày nọ, chị nhận tin như "sét đánh ngang tai" như gia đình bắt phải về quê.
Không cần phải nói ra, gia đình chị Tám quyết "ngăn sông cấm chợ" vì sợ con gái của mình khổ. "Phận làm cha làm mẹ, tôi biết cũng chỉ vì thương con cái. Hơn thế nữa, ở quê có nhiều lời ra tiếng vô, khiến cho gia đình tôi cảm thấy lo lắng".
Những tưởng thứ tình cảm ấy sẽ nguội lạnh theo thời gian và vì sự xa mặt cách lòng. Ấy vậy mà, họ vẫn nhớ và nghĩ đến nhau. Nhờ sự thuyết phục của chị Tám, cũng như ý chí sắt đá của anh Công, gia đình đã bằng lòng để nối lại tình duyên tưởng như đã đổ vỡ.
Vợ con Lê Văn Công đều rất tự hào về anh.
"Cha mẹ nào cũng thương con cái cả. Tôi biết, chúng tôi cần có thời gian để cha mẹ hiểu về anh Công. Và rồi, ngày vui ấy cũng đã đến. Tôi không diễn tả được bằng lời", chị Tám nhớ lại.
Ngồi kế bên, bà Nguyễn Thị Quảng, mẹ của chị Tám, vốn ngày trước cũng không chịu gả cô con gái cũng nở nụ cười mãn nguyện khi nhắc đến cậu con rể của mình.
Bà nói: "Hai đứa nó vậy, không cho cưới không được. Tui nói, cưới xong, nếu có khổ thì chịu. Nó đồng ý, cha mẹ thương con nên đành theo chứ chẳng biết nói gì cả".
8 năm sau, có lẽ bà Quảng cũng chẳng ngờ, bà lại được vào Nam để giữ 2 đứa cháu xinh như thiên thần.
Và có lẽ người mẹ già cũng chẳng ngờ, con gái mình và chàng trai tật nguyền năm ấy lại đang sống trong một ngôi nhà khang trang, chứ không phải chui ra chui vô trong căn phòng hơn 10 mét vuông như cái thời "khổ thì bọn mi phải chịu".
Huy chương của Lê Văn Công nhiều không kể hết.
Chị Tám có một khát khao
Sau Hoàng Xuân Vinh, Lê Văn Công cũng trở thành một người hùng của Thể thao Việt Nam khi giành HCV và phá kỷ lục Paralympic 2016.
Dù tấm HCV của Lê Văn Công có thể không danh giá như Xuân Vinh, nhưng có một điều chắc chắn, tấm huy chương ấy sẽ giúp anh bước sang một ngã rẽ mới trong cuộc sống.
Tôi đã hỏi chị Tám: "ước mơ của anh chị là gì?". Chị thỏ thẻ chia nói rằng: "Hai vợ chồng cố gắng dành dụm để mai này có điều kiện mua cái nhà nho nhỏ ở TP.HCM cho anh Công tiện đi lại, chứ mỗi lần đến giải, chạy đi chạy về thấy thương quá!".
Cậu con trai xinh xắn này là động lực lớn để Lê Văn Công đoạt HCV trên đất Brazil.
Trong câu chuyện, chị Tám chẳng hề nhắc đến chuyện thưởng hay tiền bạc gì, dẫu chúng tôi cố ý nhấn nhá và đưa nó vào câu chuyện.
Chị bảo: "Thành tích này là của đất nước, niềm vui chung của mọi người, trong đó có gia đình tôi. Hãy cứ vui đi đã, rồi khi nào anh Công về sẽ tính".
Như ai đó nói rằng "phía sau thành công của người đàn ông là bóng dáng người phụ nữ".
Có lẽ vì thế, ngay sau khi giành chiếc HCV, anh Công đã ngay lập tức gọi về cho bà xã của mình để báo tin. Và có thể ngày về, chiếc vòng nguyệt quế ấy sẽ được đeo lên cổ "bàn thắng cuộc đời" Lê Văn Công
Vâng, Lê Văn Công đã là người hùng, là niềm tự của thể thao Việt Nam . Xin được cảm ơn ý chí kiên cường của một con người luôn biết vượt qua mọi thách thức.
Và cũng xin cảm ơn chị Tám, người phụ nữ đã làm chỗ dựa, đã thắp lên một tình yêu bất diệt, để rồi tạo ra niềm cảm hứng kỷ lục gia Paralympic của thể thao Việt Nam!.
Căn nhà hiện tại của gia đình Lê Văn Công khá khang trang, nhưng ở mãi tận Long An khiến anh gặp khó khăn mỗi khi tập luyện, thi đấu để dự giải.
Lê Văn Công sinh năm 1984 tại Hà Tĩnh. Năm 2005, sau 2 năm tập luyện, Lê Văn Công đã giành HCV hạng cân 48 kg tại ASEAN Para Games 2007 với thành tích 152,2 kg.
Sau khi mất 2 năm để điều trị chấn thương từ năm 2011 đến 2013, VĐV này đã liên tục gặt hái thành công khi 3 lần phá kỷ lục thế giới và đoạt HCV tại ASEAN Para Games 2014 (180 kg và 181,5kg), giải vô địch châu Á 2015 (182kg). Năm 2016, vô địch Paralympic 2016.